Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lúa mì và sức ép tăng giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lúa mì và sức ép tăng giá

Phi Tuấn

Công nhân trong một nhà máy sản xuất thức ăn gia súc ở Long An. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Những biến động trên thị trường lúa mì thế giới đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước bài toán nan giải về giá bán. Dù giá hiện chưa tăng, do lượng hàng dự trữ còn đủ sản xuất, nhưng những luồng thông tin và những dự đoán trái chiều về tình hình sản xuất lúa mì đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, thức ăn gia súc lo lắng.

Sức ép tăng giá

Theo ông Lê Minh Nam, Giám đốc Công ty Bột mì Bình An, TPHCM, dù giá lúa mì thế giới tăng cao trong thời gian qua, nhưng giá bột mì trong nước vẫn ổn định, vì các doanh nghiệp vẫn còn hàng tạm trữ khá lớn. Những thông tin về việc các doanh nghiệp nhập lúa mì giá cao và tranh nhau mua là không chính xác. Thực chất đó là các đơn hàng của doanh nghiệp mua trước đó, thời gian qua mới về đến cảng.

Công ty Bình An nhập lúa mì về, xay xát và phân phối lại cho các khách hàng trong nước. Lúa mì trong nước thường được nhập từ Úc, Mỹ và Canada. Riêng với lúa mì của Nga, trong thời gian gần đây, từ các cuộc xúc tiến thương mại, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng nhập, nhưng khi nước này có chính sách cấm xuất khẩu, các đơn hàng đã buộc phải chuyển sang các khu vực khác.

Ông Nam nhận định thị trường thế giới sẽ vẫn ổn định, vì nguồn cung lúa mì trên thế giới vẫn dồi dào. Những yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì như hạn hán, lũ lụt là có thật, phần nào ảnh hưởng đến giá cả, nhưng thực chất, giá lúa mì được đẩy lên cao trong thời gian qua có yếu tố đầu cơ ở các sàn giao dịch trên thế giới.

Trong thời gian gần đây, trước những thông tin bất lợi về giá và sản lượng lúa mì trên thế giới, ông Phạm Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho biết có thể công ty sẽ phải điều chỉnh giá bán. Theo ông Thiện, khi chi phí đầu vào tăng, đứng trước những thông tin bất lợi về giá, những luồng thông tin trái chiều về xu hướng mà các chuyên gia dự báo, thì chính sách của công ty là còn trụ được ngày nào hay ngày đó, đến khi chịu không nổi thì buộc lòng phải tăng giá bán.

Ông cho biết nguồn bột mì của Bibica mua từ các nhà máy sản xuất trong nước, theo các hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên hợp đồng sẽ được điều chỉnh khi giá nguồn cung tăng từ 5% trở lên. Vì thế, giá bán sản phẩm của công ty còn tùy thuộc vào các nhà cung cấp.

Thích ứng hơn với thị trường

Câu chuyện của Bibica cũng là câu chuyện chung của những doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp xúc. Theo họ, yếu tố tăng của bột mì nguyên liệu chỉ là một trong những yếu tố đầu vào để đẩy giá lên “trong thời gian tới”.

Theo các chuyên gia, giá lúa mì trong thời gian qua khá rẻ, có lúc chỉ ở mức 200 đô la Mỹ/tấn trong quí 2. Đây là mức giá hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu lúa mì, nhất là các doanh nghiệp ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Một doanh nghiệp ngành chăn nuôi cho biết họ luôn theo dõi diễn biến cung cầu lúa mì trên thế giới. Những thông tin về thời tiết khắc nghiệt cho phép họ dự đoán về sự thiếu hụt sản lượng trong thời gian cuối năm, và khi đó các loại nông sản sẽ phải tăng giá. Chính vì thế, khi giá lúa mì giảm xuống 200 đô la Mỹ/tấn, doanh nghiệp này đã nhanh chóng nhập số lượng để dự trữ.

Sự sốt sắng của các doanh nghiệp cũng cho thấy một điều: các doanh nghiệp hiện nhạy cảm hơn với thị trường thế giới. Năm 2008, có thời điểm giá lúa mì lên tới 500 đô la Mỹ/tấn, nhiều doanh nghiệp nhập về với mức giá cao, với tâm lý giá còn bị đẩy lên nữa. Nhưng sau đó, chỉ trong vòng ba tháng, thị trường hạ nhiệt, giá rớt xuống còn khoảng 250 đô la Mỹ/tấn, nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp, lỗ nặng.

Doanh nghiệp Việt Nam nhập lúa mì thông qua các hợp đồng không kỳ hạn. Họ mua liền tay, với giá thị trường, vì thế chuyện lên xuống thất thường của thị trường cũng ảnh hưởng đến việc mua bán của họ. Những thông tin về nguồn cung dồi dào vẫn không thể khỏa lấp được những bất thường về thời tiết, những thông tin về sản lượng ngũ cốc thiếu hụt, ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Hiện nay doanh nghiệp vẫn đang sản xuất từ nguồn nguyên liệu dự trữ, vì thế giá cả vẫn chưa có biến động. Nhưng trước những thông tin về thị trường Nga cấm xuất khẩu ngũ cốc và giá các loại ngũ cốc đang tăng cao lấn át cả thông tin về nguồn cung dồi dào, các chuyên gia dự đoán, dù giá tăng, nhưng sản lượng lúa mì từ nay đến cuối năm không vì thế mà giảm.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước nhập khẩu nhiều lúa mì để dự trữ. Ông dự đoán giá cả trong thời gian tới có thể tăng dù nguồn cung vẫn dồi dào. “Ở thị trường trong nước các loại nguyên liệu khác cũng mất mùa vì hạn hán kéo dài, như sản lượng bắp giảm 30%, vì thế nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng, kéo theo giá tăng cao”, ông Lịch nói.

Dù ở thời điểm hiện tại, yếu tố đầu ra của các loại thức ăn cho gia súc đang kìm đà tăng giá lại, nhưng theo ông Lịch, nếu sớm thì cũng đến cuối tháng 9 hay tháng 10 giá bắt đầu nhúc nhích. Nguyên do là hiện nay người tiêu dùng vẫn đang quay lưng với thịt heo, do dịch heo tai xanh.

Trong thời gian tới, với tác động của đợt điều chỉnh tỷ giá, cùng các yếu tố như xăng và một số nguyên liệu đầu vào khác tăng giá, các doanh nghiệp lại đối mặt với bài toán tăng giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới