Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lúa mùa nổi vẫn còn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lúa mùa nổi vẫn còn

TS. Nguyễn Văn Kiền (*)

Lúa mùa nổi vẫn còn
Ông Sáu Nam và mấy rẫy ớt sau thu hoạch vừa được gieo lúa mùa nổi 10 ngày. Ảnh : N.V.K

(TBKTSG) – Hình như hiện có ít người ở Đồng Tháp biết vùng này còn trồng lúa mùa nổi. Thiết nghĩ, những mô hình canh tác bền vững như vậy cần được duy trì và cần có những chính sách thích đáng để khuyến khích người nông dân.

Cây lúa mùa nổi gắn bó với người dân đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đời. Người dân vùng ngập lũ quen thuộc với việc trồng lúa mùa nổi trong mùa nước nổi và khai thác cá đồng phục vụ cho bữa cơm hàng ngày. Nay thì cây lúa mùa nổi không được ưa chuộng nữa do năng suất thấp (tối đa là 10 giạ/công lớn), thấp hơn nhiều so với lúa cao sản. Hầu hết diện tích lúa mùa nổi (khoảng 500.000 héc ta vào trước năm 1975) đã được chuyển sang trồng lúa cao sản hai vụ, thậm chí ba vụ. Hiện chỉ còn 67 héc ta lúa mùa nổi được trồng ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trong khuôn khổ dự án nghiên cứu bảo tồn và phát triển hệ thống canh tác lúa nổi của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn, đại học An Giang. 

Gần đây, nhóm nghiên cứu thuộc trung tâm này phát hiện một số bà con nông dân vùng Năm Cù Lao ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp còn trồng khoảng 20 héc ta lúa mùa nổi trong mùa lũ kết hợp khai thác cá đồng và trồng cây màu trong mùa khô tại vùng đất cồn ven sông này.

Cây lúa được bà con sạ khô vào khoảng tháng 5-6 âm lịch sau khi thu hoạch vụ màu. Tại đây, giống lúa mùa nổi mang tên “Nàng Tây đùm đùm” được người dân lưu truyền qua nhiều thế hệ. Gạo của giống lúa này được người lớn tuổi cho rằng ăn rất ngon, mềm cơm hơn một số giống lúa mùa khác. Khác với lúa mùa nổi “Bông sen” tại vùng đất phèn Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, lúa “Nàng Tây đùm” đạt năng suất khá cao (15-17 giạ/công lớn). Lúa được thu hoạch vào tháng 12 âm lịch hàng năm và không đủ để bán cho người dân địa phương (người có tiền) mua về ăn. Giá bán lúa có lúc tới 12.000 đồng/ki lô gam. 

Ngoài ra, thân cây lúa mùa nổi được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Thân lúa tươi được người dân nuôi bò đến mua, cắt về cho bò ăn. Mỗi mùa lũ người dân có thể bán được hai lần, mỗi lần bán được 100 ngàn đồng/công lớn. Thậm chí, một số hộ dân đến vùng này thuê đất trồng lúa mùa nổi chỉ để có lúa cho bò ăn. Rơm rạ khô sau thu hoạch thì được bà con sử dụng để đậy đất rẫy. Một công rạ lúa mùa nổi có thể đậy được hai công rẫy. Hơn nữa, rạ lúa mùa nổi bền, có thể đậy được 6-7 tháng, trong khi rạ lúa thần nông chỉ đậy được 2-3 tháng là mục hết. Người dân trồng rẫy rất cần rạ. 

Theo ông Sáu Nam, 61 tuổi, một nông dân mà gia đình đã có hơn ba đời trồng lúa mùa nổi và cây màu trên nền đất cồn này, thì “cây lúa mùa nổi là xương sống của cây màu”. Ông nói trồng cây lúa mùa nổi trong mùa nước nổi giúp giữ được phù sa làm cho đất màu mỡ hơn, trồng tiếp cây màu thì trúng lắm. Nếu không trồng lúa mùa nổi, coi như cây màu khó có ăn. Cho nên người dân vùng này không đồng tình làm đê bao để chuyển sang ba vụ lúa. Cũng vì thế, cây lúa mùa nổi được lưu giữ đến ngày hôm nay.

(*) Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông thôn – Đại học An Giang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới