Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lúa mùa sinh thái hữu cơ trên đất châu thổ sông Cửu Long đang ‘sống lại’!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lúa mùa sinh thái hữu cơ trên đất châu thổ sông Cửu Long đang ‘sống lại’!

TS. Nguyễn Văn Kiền (*)

(TBKTSG) – Phân tích của tổ chức QY Research công bố năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu gạo hữu cơ toàn cầu năm 2018 là 1,5 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 6,8% tổng giá trị xuất khẩu gạo toàn cầu. Theo dự báo, xuất khẩu gạo hữu cơ toàn cầu sẽ tăng 9% trong giai đoạn 2019-2025, đạt 2,78 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Tại Việt Nam, lúa mùa canh tác hữu cơ, sau thời gian tưởng chừng như bị tuyệt chủng, nay đang dần sống lại và chứng tỏ giá trị vượt trội của nó đối với nông dân và cả hệ sinh thái.

Lúa mùa sinh thái hữu cơ trên đất châu thổ sông Cửu Long đang 'sống lại'!
Lúa mùa trên châu thổ sông Cửu Long.

Tiềm năng chuyển đổi từ cây lúa mùa

Năm 2020, riêng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 1.400 héc ta lúa canh tác được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (USDA/EU/JAS), phân bổ ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, và Vĩnh Long. Cà Mau có diện tích sản xuất lúa – tôm hữu cơ nhiều nhất. Trong khi đó, cây lúa mùa, lúa mùa nổi, một loại hình canh tác không sử dụng hóa chất, có tiềm năng chuyển đổi sang chứng nhận hữu cơ, đã bắt đầu hồi sinh trên đất châu thổ sông Cửu Long.

Trước khi cây lúa thần nông cao sản ngắn ngày được giới thiệu vào ĐBSCL năm 1964, hầu hết diện tích đất canh tác lúa của châu thổ được người dân canh tác cây lúa mùa. Ở những vùng ngập lũ sâu như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và các huyện đầu nguồn của tỉnh Long An, cây lúa mùa nổi được trồng với diện tích hơn nửa triệu héc ta.

An Giang có diện tích trồng lúa mùa nổi trên 250.000 héc ta vào trước năm 1975. Các vùng ngập nông như hạ nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, và Cần Thơ trồng các loại cây lúa mùa ngập nông, và một số tỉnh ven biển như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, và Cà Mau trồng các giống trung mùa.

Hệ thống canh tác trên nền lúa mùa rất đa dạng. Những vùng ngập sâu và ngập, bà con nông dân lấp vụ lại bằng các cây họ đậu và dưa sau khi thu hoạch lúa mùa vào tháng chạp (tháng 12 Âm lịch). Trong khi các vùng ven biển thì thường để đất trống vì thiếu nước ngọt canh tác vào mùa khô, hoặc trồng cỏ chăn nuôi.

Cà Mau có diện tích sản xuất lúa – tôm hữu cơ nhiều nhất. Trong khi đó, cây lúa mùa, lúa mùa nổi, một loại hình canh tác không sử dụng hóa chất, có tiềm năng chuyển đổi sang chứng nhận hữu cơ, đã bắt đầu hồi sinh trên đất châu thổ sông cửu Long.

Bị bỏ quên thời gian dài và gần biến mất

Diện tích cây lúa mùa bị thu hẹp dần khi cây lúa thần nông bén rễ, cho năng suất cao và có thị trường xuất khẩu. Việt Nam từ nước nhập khẩu gạo trở thành nước xuất khẩu gạo vào những năm 1990, rồi trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới trong một thời gian dài.

Kể từ đó, các chính sách đầu tư nghiên cứu khoa học, lai tạo giống, đầu tư vào cải tạo đất, tháo chua rửa phèn vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười (vựa lúa của đồng bằng) chỉ tập trung cho phát triển cây lúa thần nông.

Cây lúa mùa bị bỏ quên một thời gian rất dài bởi vì đặc tính của nó là dài ngày, cho năng suất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực quốc gia. Đến năm 2012, chúng tôi (nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn thuộc Đại học An Giang) khảo sát hiện trạng lúa mùa toàn vùng ĐBSCL thì phát hiện chỉ một số nơi còn lưu giữ nguồn gen lúa mùa và phát triển hệ thống canh tác bền vững trên nền đất lúa mùa (mùa nổi).

Chúng tôi đã phát hiện toàn tỉnh An Giang còn 41 héc ta lúa mùa nổi tại huyện Tri Tôn và hơn 30 héc ta tại huyện Chợ Mới (năm 2012), 54 héc ta tại huyện Thanh Bình – Đồng Tháp (năm 2014), hơn 200 héc ta lúa mùa nàng nhen tại xã Núi Tô và Ô Lâm huyện Tri Tôn.

Các tỉnh đầu nguồn như Long An cây lúa mùa nổi đã biến mất, chỉ còn một số vùng trồng lúa nàng Thơm Chợ Đào (chưa đến 100 héc ta). Xuống Cần Thơ và Vĩnh Long thì cây lúa mùa (mùa nổi) đã bị xóa sổ từ lâu. Riêng Sóc Trăng và Bạc Liêu thì cây lúa trung mùa được bà con Khmer trồng tại Vĩnh Châu để lấy rơm rạ trồng lại vụ hành tím, trong khi huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu thì được bà con trồng lúa Một Bụi đỏ trên nền vuông tôm (lúa – tôm).

Xuống đến Cà Mau, thì chỉ huyện Trần Văn Thời giáp rừng quốc gia U Minh Hạ vẫn được bà con lưu giữ trồng lúa mùa giống Tài Nguyên tại các nông trường (trồng lúa giữ cá đồng) nhờ vào hệ thống dẫn nước ngọt duy nhất của tỉnh Cà Mau từ kênh Quản Lộ Phụng Hiệp. Trở lên Kiên Giang, thì chúng tôi cũng không thấy cây lúa mùa, cho đến năm 2017 tại đây được kỹ sư Lê Quốc Việt (Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, Kiên Giang) phục hồi lại 2 héc ta trên đất ruộng nhà của anh ấy.

Nỗ lực phục hồi

Đến năm 2019 thì kỹ sư Việt đã hợp tác với nông dân lân cận mở rộng diện tích trồng lúa mùa với các loại giống như “Tàu Hương, Trắng Tép, Móng Chim, Một Bụi, Ba Bụi, và Châu Hạng Võ” nuôi tôm càng xanh nước ngọt, và lấp vụ lại tôm sú nước mặn, lên 52 héc ta tại làng Cù Là và xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành.

Cho đến năm 2020, một số địa phương cũng đã bắt đầu thử nghiệm lại cây lúa mùa và lúa mùa nổi. Vùng Láng Sen tỉnh Long An, thử nghiệm khá thành công với 30 héc ta, trong khi huyện An Phú – An Giang quy hoạch 500 héc ta trồng lúa mùa nổi trong dự án WB9.

Các địa phương khác cũng gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang lúa mùa. Huyện Kiên Lương, Kiên Giang thử nghiệm lúa mùa – cá với diện tích hơn 10 héc ta. Thoại Sơn – An Giang cũng bắt đầu thử nghiệm 3 héc ta lúa mùa nổi vào năm 2017. Huyện Hồng Ngự và Tam Nông tỉnh Đồng Tháp thử nghiệm lại cây lúa mùa nổi nhưng chưa thành công với nhiều lý do chủ quan và khách quan.

Nổi bật trong các nghiên cứu lúa mùa (mùa nổi) hiện nay, thì nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn là đơn vị tiên phong tại ĐBSCL. Chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình nghiên cứu dài hạn bảo tồn và phát triển hệ thống canh tác lúa mùa nổi tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp, và phối hợp với kỹ sư Lê Quốc Việt nghiên cứu hệ thống canh tác lúa mùa tại Kiên Giang. Chương trình nghiên cứu được hỗ trợ bởi các tổ chức quốc tế và nguồn vốn nghiên cứu khoa học từ trường Đại học An Giang và sở Khoa học và Công nghệ An Giang hỗ trợ, gồm 11 dự án.

Ít lúa hơn nhưng hiệu quả lại cao hơn rất nhiều

Trong việc canh tác cây lúa mùa nói chung và cây lúa mùa nổi nói riêng, sự đa dạng cây màu và vật nuôi là yếu tố rất quan trọng để duy trì tính bền vững của mô hình. Hiệu quả của việc canh tác lúa mùa nổi kết hợp cây màu và chăn nuôi rất thuyết phục.

Sau khi dự án được triển khai 2-3 năm, chúng tôi đã khảo sát hiệu quả kinh tế của mô hình, kết quả được trình bày trong bảng. Mô hình lúa mùa nổi kết hợp với một số cây màu như: (ớt/bắp nếp nù/bắp non/khoai mì/kiệu) và chăn nuôi bò thịt cho lợi nhuận/1.000 mét vuông cao hơn nhiều so với trồng hai hoặc ba vụ lúa cao sản.

Đặc biệt lúa mùa nổi + kiệu có thể cho lãi dến 24 triệu/1.000 mét vuông/năm, trong khi hai vụ lúa chỉ cho 2,4 triệu, và ba lúa cho lãi 4,8 triệu/1.000 mét vuông/năm. Lúa mùa nổi + ớt/bắp non, cho lãi khá cao, chỉ sau lúa nổi + kiệu. Lúa mùa nổi + khoai mì cho lãi vẫn cao hơn ba vụ lúa. Tỷ suất lợi nhuận lúa mùa nổi + ớt, và lúa mùa nổi + khoai mì cao hơn các mô hình khác.

Khi lúa mùa và mùa nổi được phục hồi, chúng tôi đã phát hiện có nhiều loại cá đồng trở lại sinh sống, như cá lóc, rô, trê, chốt, linh và nhiều động thực vật thủy sinh khác là sản vật của bà con trong mùa nước nổi. Phù sa cũng được cho vào đồng ruộng, giúp cải tạo lại chất đất cho đồng bằng từ việc canh tác lúa mùa nổi.

Thị trường gạo lúa mùa bắt đầu sống lại

Người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là khu vực miền Nam bắt đầu quen lại với tên gạo lúa mùa nổi và gạo lúa mùa. Trước khi dự án bảo tồn lúa mùa nổi bắt đầu vào đầu năm 2013, người nông dân tại huyện Tri Tôn – An Giang bán lúa ăn cho người dân địa phương thông qua mối quen theo mùa. Cứ đến mùa thu hoạch người mua liên hệ người bán qua điện thoại, hẹn ngày thu hoạch và mua về vựa ăn cả năm. Có người mua vài trăm ki lô gam lúa hoặc cả tấn để chà ăn quanh năm.

Khi dự án triển khai năm 2013, nhiều người tiêu dùng biết đến và giá lúa được bán vào vụ thu hoạch đầu tiên (tháng 1-2014, bán giá 14.000 đồng/ki lô gam tại ruộng, và giá lên dần đến 15.000 đồng trong các năm sau). Có doanh nghiệp Cooking Studio từ Sài Gòn đến mua với giá 15.000 ki lô gam lúa tươi, công ty này thực hiện chế biến đóng gói, quảng bá và bán gạo lúa mùa với giá 95.000 đồng/ki lô gam tại khu siêu thị Phú Mỹ Hưng (TPHCM) từ năm 2016 cho đến nay. Năm 2020 công ty đã tiêu thụ hơn 5 tấn lúa tươi cho bà con tại vùng dự án.

Vào đầu năm 2021, nông dân thu hoạch lúa mùa nổi tại huyện Tri Tôn – An Giang được tập đoàn Lộc Trời mua với giá 18.000 đồng/ki lô gam (lúa tại đồng), cao gấp 3 lần so với lúa cao sản. Được biết tập đoàn Lộc Trời đang có lộ trình làm thương hiệu cho gạo lúa mùa nổi tại ĐBSCL trong năm 2021 này, tạo thêm cơ hội mở rộng vùng nguyên liệu bảo tồn và phát triển cây lúa đặc sản tại vùng ngập lũ ĐBSCL.

Ngoài lúa mùa nổi, hạt gạo lúa mùa: Tàu Hương, Trắng Tép, Móng Chim, Chim Rơi, Một Bụi, Ba Bụi, Châu Hạng Võ cũng đã được kỹ Lê Quốc Việt phục tráng thành công và đã tiếp cận thị trường người tiêu dùng tại ĐBSCL và TPHCM tại các chuỗi nhà hàng chay và sinh thái thông qua chương trình kết nối của tổ chức Mekong Organics (từ Úc). Người tiêu dùng cũng biết đến và đặt mua trực tiếp từ kỹ sư Lê Quốc Việt.

Các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo lúa mùa (lúa mùa nổi) đang được dự án Rufford do Mekong Organics và Mekong Nutriton (tại An Giang) thực hiện nghiên cứu chế biến làm bún gạo, bột gạo… để tiếp cận thị trường trong nước và Úc.

(*) Mekong Organics (Úc)/Đại học An Giang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới