Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật đã có, vấn đề là thực thi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Luật đã có, vấn đề là thực thi

Vân Cầm

Người tiêu dùng chọn mua sữa ở siêu thị. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Hai ngày sau khi TBKTSG đăng bài “Giải pháp cho giá sữa” của GS. Trần Lê Anh (Đại học Lasell, Mỹ) trên số báo tuần trước, hãng tin AP cũng công bố điều tra của họ với kết luận các hãng sữa đa quốc gia đã thường “tận dụng hết mức” và đôi lúc vi phạm luật pháp Việt Nam để bán sữa vào thị trường này.

Điều tra này, được thực hiện qua phỏng vấn nhiều phía liên quan như các bà mẹ, bác sĩ, quan chức y tế, giới bán hàng và đại diện các hãng sữa đa quốc gia, càng khẳng định những kết luận của bài báo trên TBKTSG: “Thị trường [sữa bột trẻ em ở Việt Nam] đang hoạt động kém hiệu năng và dường như đang bị thao túng”.

Đó là việc vi phạm các quy định luật pháp hiện hành của Việt Nam liên quan đến quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi sữa. Với hàng chục triệu đô la chi phí quảng cáo cho sữa vào năm 2008, các hãng sữa đã không tiếc tiền cho những thông điệp theo kiểu uống sữa của họ thì con cái sẽ thông minh hơn, tài giỏi hơn, chỉ số IQ cao hơn…

Kiểu quảng cáo này đã bị cấm ở nhiều nước và bị nhiều chuyên gia y tế phản đối dữ dội, tại sao vẫn được ung dung tồn tại ở Việt Nam? Đó là việc chi tiền cho bác sĩ để họ “giới thiệu”, “khuyên dùng” sữa bột với các bà mẹ, ngay cả khi con chưa đầy 1 tuổi.

Đó là việc tìm mọi cách tiếp cận các bà mẹ thông qua nhân viên y tế bằng những thủ thuật chi “hoa hồng” đủ cách… Toàn là những việc luật pháp cấm tiệt, đã được nhiều nhân chứng thừa nhận với hãng tin AP.

Ví dụ, luật cấm quảng cáo sữa bột cho trẻ em dưới 1 tuổi, cấm bán sữa cho trẻ sơ sinh trong bệnh viện, cấm nhân viên tiếp thị cho các hãng sữa tiếp cận nhân viên y tế hay các bà mẹ tại cơ sở y tế nhưng thực tế việc thực thi rất lỏng lẻo, vi phạm xảy ra khắp nơi như xin thông tin các bà mẹ để tiếp cận họ ngay sau khi từ phòng khám về nhà.

Kết quả đáng buồn, theo số liệu của UNICEF, là chỉ có 17% các bà mẹ nước ta cho con bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời, giảm đến một nửa so với cách đây một thập niên và là tỷ lệ thuộc loại thấp nhất khu vực.

Như vậy, việc giá sữa ở thị trường Việt Nam cao hơn nhiều nước láng giềng là dễ hiểu và có thể giải quyết. Vấn đề ở đây là liệu các cơ quan quản lý có đủ quyết tâm để thực thi cho đến nơi đến chốn những quy định đã có sẵn, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Liệu một bộ phận đang hưởng lợi từ mối liên kết với các hãng sữa có chịu nhìn lại hậu quả để tự chấn chỉnh hành vi của mình. Bởi giá sữa cao chưa đáng ngại bằng những thiệt hại cho thế hệ trẻ khi không được bú sữa mẹ, nguồn dinh dưỡng tốt nhất, bảo vệ sức khỏe cho trẻ tốt nhất trong những năm tháng đầu đời.

Trả lời của đại diện các hãng sữa đa quốc gia với AP cũng cho thấy nội quy của chính họ không cho phép áp dụng những biện pháp “tận dụng khe hỡ của luật pháp” để kiếm doanh thu và lợi nhuận. Như vậy một sự phối hợp với chính các hãng sữa với mục đích giúp họ chấn chỉnh hoạt động để bảo vệ uy tín về lâu về dài cũng là phương cách cần tính đến. Một khi đã giải quyết vấn đề ở phía cầu thì chuyện giá cả sẽ được giải quyết theo chứ không thể áp dụng các biện pháp hành chính như áp đặt giá trần theo một đề xuất mà Bộ Tài chính đang cân nhắc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới