Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật Doanh nghiệp: ba vấn đề lớn tiếp theo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Luật Doanh nghiệp: ba vấn đề lớn tiếp theo

Tiến Tài

Quang cảnh làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua vào ngày 12-6-1999 và có hiệu lực từ 1-1-2000. Bằng những quy định cởi mở, thông thoáng, Luật Doanh nghiệp 1999 đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong việc giải phóng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát huy hơn nữa thành quả mà đạo luật này mang lại có ba vấn đề lớn tiếp theo cần phải giải quyết.

Quyết tâm cải cách

Các chuyên gia cho rằng thành quả ấn tượng nhất của Luật Doanh nghiệp 1999 là đã tạo ra bước đột phá về tư duy, từ tư duy chỉ được kinh doanh trong phạm vi Nhà nước cho phép sang tư duy người dân được quyền tự do kinh doanh tất cả những lĩnh vực mà Nhà nước không cấm.

Thế nhưng, theo bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Luật Doanh nghiệp và thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 1999, quyền tự do kinh doanh hiện đang bị chi phối bởi rất nhiều luật lệ liên quan.

“Luật Doanh nghiệp có quy định là nếu trong trường hợp có quy định khác với luật chuyên ngành thì áp dụng theo luật chuyên ngành. Trong khi đó, không ít luật chuyên ngành vẫn được thiết kế không thuận theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp mà theo hướng hạn chế quyền tự do kinh doanh dưới nhiều hình thức”.

Giải thích điều mình nói, bà Lan dẫn chứng: liên tục trong vài năm gần đây thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp vẫn bị Ngân hàng Thế giới đánh giá là phức tạp, tốn kém chi phí và kéo dài tới 50 ngày. Việc đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp chỉ mất bảy ngày nhưng để có thể đi vào hoạt động doanh nghiệp phải tiến hành hàng loạt thủ tục nhiêu khê theo những luật chuyên ngành khác nhau sau đó như khắc dấu, đăng ký mã số thuế…

Cùng quan điểm trên, theo ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng, một trong những biểu hiện hạn chế quyền kinh doanh là nạn giấy phép con. Ông cho rằng điểm độc đáo của Luật Doanh nghiệp là ngay khi luật có hiệu lực Thủ tướng đã thành lập tổ công tác thi hành và tổ này đã đấu tranh loại bỏ được hơn 100 giấy phép con. Tuy nhiên, sau đó do không giám sát chặt chẽ nên tình trạng giấy phép con lại tiếp tục tái diễn. “Bây giờ có khi lại còn rườm rà hơn nữa đấy”, ông Nguyên phát biểu.

Từ thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng để quyền tự do kinh doanh được thực thi trọn vẹn, không thể không đẩy mạnh cải cách hành chính. Thế nhưng, muốn cải cách hành chính thành công thì điều kiện hàng đầu là phải có quyết tâm từ lãnh đạo.

Chứng minh cho ý kiến của mình, ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ và thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 1999, liên tưởng đến câu chuyện cách đây gần 10 năm.

Lần đó, trong cuộc họp bàn về bỏ giấy phép con của ngành xuất bản, ông Trần Xuân Giá bấy giờ là Tổ trưởng Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp tay giơ một cuốn sách, gay gắt hỏi: “Thế này mà là sách à!?”. “Vật chứng” được ông Giá trưng ra là một tập hướng dẫn sử dụng sản phẩm đi kèm với máy ảnh, máy quay phim… mà ta thường thấy. Tuy nhiên, điều khiến ông tỏ vẻ gay gắt là cơ quan quản lý xuất bản đã buộc doanh nghiệp khi in sách để phục vụ khách hàng cũng phải xin giấy phép và thực hiện đúng thủ tục xuất bản như một ấn phẩm bình thường.

“Đấy, muốn cải cách người lãnh đạo phải có quyết tâm như vậy mới ra được”, ông Tuấn kết luận.

Bà Phạm Chi Lan cũng kể khi tiến hành rà soát giấy phép con tổ công tác đã nhận được sự ủng hộ rất cao của Chính phủ mà trực tiếp lúc đó là Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng. Trong nhiều trường hợp, lãnh đạo Chính phủ đã đứng về phía tổ công tác để bác bỏ những giấy phép con bất hợp lý của các bộ, ngành.

Theo bà Lan, Đề án 30, một chương trình cải cách hành chính sâu rộng hiện đang được Chính phủ triển khai, muốn có kết quả cũng nên có một quyết tâm mạnh mẽ tương xứng.

“Thủ tướng đã thể hiện rõ quyết tâm khi đặt ra chỉ tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính nhưng lãnh đạo cấp dưới ở các bộ, ngành và địa phương phải có cùng ý chí đó thì mới thành công”, bà Lan nhấn mạnh.

Một cách cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cải cách hành chính cần dựa trên việc nâng cao nhận thức “người dân được quyền tự do kinh doanh những gì luật không cấm”. “Cơ quan nhà nước không được tùy tiện hành xử theo lối cho hay không cho. Cái gì luật không cấm đương nhiên là phải được. Cái gì đang tranh chấp giữa được và không được thì nên theo hướng được, tức là theo hướng có lợi cho sáng tạo, cho quyền tự do của người dân, thay vì cấm, hạn chế để giữ an toàn”, ông Cung nói.

Lo ngại văn hóa “quan hệ”

Luật Doanh nghiệp đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho gia nhập thị trường nhưng theo các chuyên gia, vấn đề còn quan trọng hơn nhiều là việc nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là năng lực quản trị để doanh nghiệp tồn tại, phát triển.

Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, bên cạnh một số công ty đang cố gắng học hỏi, áp dụng những phương thức quản trị hiện đại thì phần nhiều không quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Hệ quả là ở nhiều doanh nghiệp chẳng những hiệu quả kinh doanh chưa cao mà còn dẫn đến những tranh chấp làm suy yếu nội lực như tranh chấp về lạm dụng quyền lực của hội đồng quản trị; tranh chấp về quyền điều hành công ty; tranh chấp về tài sản góp vốn…

Ông Cung thừa nhận trong việc này, Luật Doanh nghiệp 1999 và sau đó được bổ sung, sửa đổi bởi Luật Doanh nghiệp 2005 cũng còn một số khiếm khuyết khi chưa có những quy định cụ thể để bảo vệ cổ đông hay người góp vốn thiểu số.

Chẳng hạn, luật không quy định cổ đông được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về giấy tờ, hồ sơ kế toán của công ty; quyền cổ đông trực tiếp khởi kiện hội đồng quản trị (HĐQT); quyền của cổ đông yêu cầu tòa án xem xét miễn nhiệm thành viên HĐQT hoặc ban kiểm soát trong trường hợp cần thiết; quyền của cổ đông yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc tòa án hủy bỏ quyết định của đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ lợi ích của công ty, của cổ đông và của các bên có liên quan khác…

Ở một góc độ khác, ông Nguyên đưa ra một thực trạng đáng buồn: nhiều công ty, kể cả công ty tư nhân đang chạy theo lối kinh doanh không phải bằng việc nâng cao công nghệ, trình độ quản lý mà bằng quan hệ, chạy chọt. “Những doanh nghiệp nghiêm chỉnh nhất nói với tôi rằng bây giờ làm bất cứ việc gì cũng phải phong bì, cũng phải quan hệ. Kể cả mình làm đúng luật nhưng mà không phong bì, không quan hệ thì không xong!”.

Các chuyên gia lo ngại nếu văn hóa quan hệ, chạy chọt cứ tràn lan như hiện nay thì không những môi trường kinh doanh bị vẩn đục mà bản thân doanh nghiệp cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu gay gắt hiện nay.

Quan trọng là thực chất

Các chuyên gia cho rằng để quyền tự do kinh doanh được thực thi trọn vẹn, không thể không đẩy mạnh cải cách hành chính. Thế nhưng, muốn cải cách hành chính thành công thì điều kiện hàng đầu là phải có quyết tâm từ lãnh đạo.

Một trong những khiểm khuyết của Luật Doanh nghiệp 1999 là chưa tạo ra một “sân chơi” chung bình đẳng cho các thành phần kinh tế nhưng vấn đề này đã được khắc phục bởi Luật Doanh nghiệp 2005.

Ông Cung nhớ lại là khi trình Quốc hội để thông qua dự án Luật Doanh nghiệp 2005 các thành viên trong ban soạn thảo lo nhất là phần quy định về việc đưa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào “sân chơi” chung. “Rất may là vấn đề này đã được thông qua cho dù tranh luận khá căng”, ông Cung cho biết.

Với quy định được thông qua, trong vòng bốn năm kể từ 1-7-2006 tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện chuyển đổi để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nghĩa là chỉ còn chưa đầy một năm nữa, đến 1-7-2010 thời hạn chuyển đổi sẽ chấm dứt.

Trong khi đó, hiện vẫn còn tới 1.500 DNNN chưa chuyển đổi. Theo bà Lan, với tình hình này rất khó để đoán chắc rằng số còn lại này sẽ được chuyển đổi hết đúng thời hạn và nếu như thế thì Chính phủ phải đệ trình xin Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn chuyển đổi. “Bốn năm không phải không đủ mà nếu có ý thức quyết tâm thì hoàn toàn có thể làm được. Cho nên, theo tôi vấn đề ở đây có lẽ là chưa đủ nghiêm túc thì đúng hơn”, bà Lan bình luận.

Tuy nhiên, cũng theo bà Lan, ngay cả khi toàn bộ DNNN đã chuyển đổi thì cũng chưa chắc các thành phần kinh tế đã hoạt động bình đẳng vì Luật Doanh nghiệp như trên đã nói cũng chỉ là một trong nhiều luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Trong hệ thống luật đó, vẫn có những luật chuyên ngành quy định theo hướng thiên về bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp quốc doanh, đặc biệt là trong việc phân bổ các nguồn lực, giúp cho thành phần này được tiếp cận dễ dàng hơn. Ví dụ như quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, tín dụng, đất đai… Vì vậy, vấn đề không chỉ là chuyển đổi mà phải thiết kế cả một hệ thống pháp luật, trong đó có việc thực thi cam kết với WTO về DNNN để tạo ra một môi trường minh bạch và bình đẳng thực sự.

Ông Cung cũng nhìn nhận chuyển đổi DNNN không phải là chuyển đổi cơ học, hình thức mà phải là chuyển đổi về chất thì mới có hiệu quả. Chuyển đổi về chất, theo ông, là thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp về quyền của chủ sở hữu, minh bạch hóa thông tin, vai trò HĐQT, giám sát các giao dịch có dấu hiệu tư lợi…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới