Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật Doanh nghiệp có tạo sự đột phá?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Luật Doanh nghiệp có tạo sự đột phá?

Tư Hoàng – Lê Hoàng

Luật Doanh nghiệp có tạo sự đột phá?
Luật Doanh nghiệp liệu có mang lại động lực mới như các phiên bản trước đây? ảnh TL SGT.

(TBKTSG Online) – Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi vào hôm nay, 26-11. Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề lấn cấn là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù sẽ vẫn phải chịu quy định của các luật trong lĩnh vực đó thay vì chỉ tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Luật Doanh nghiệp – bộ luật được coi là bước đột phá giúp khơi dậy tinh thần kinh doanh ở Việt Nam – quy định trong Điều 3 về áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khẳng định: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan đối với doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.”

Quy định này vốn từng gây tranh cãi do có nhiều ý kiến đề nghị ưu tiên áp dụng Luật doanh nghiệp so với luật chuyên ngành (trừ những trường hợp ngoại lệ và Luật chứng khoán, Luật tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí).

Thậm chí, khi thảo luận dự luật này, có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại điều này vì việc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban Thường vụ, sau khi đề nghị giữ nguyên như trên, giải thích rằng, ngoài Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật dầu khí, một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng có đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động khác có liên quan, như hàng không dân dụng, xuất bản, báo chí, giáo dục, luật sư, công chứng… chưa kể các luật cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

“Việc liệt kê hết các Luật chuyên ngành được áp dụng quy định đặc thù sẽ không đầy đủ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự án Luật đã trình,…” Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu giải thích.

Liên quan đến hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, ông Giàu thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, phiếu lý lịch tư pháp không phải là tài liệu bắt buộc trong Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, để có căn cứ kiểm soát một số trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, xin tiếp thu theo hướng bổ sung quy định tại điểm e khoản 2 Điều 18 như sau: Trong trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.”

Về con dấu của doanh nghiệp (Điều 44), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu; đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng quy định, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Khi có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2015, Luật Doanh nghiệp mới được hi vọng sẽ giúp khơi dậy tinh thần doanh nghiệp vốn bị thui chột trong nhiều năm gần đây.

Các cơ quan nhà nước ước tính, có khoảng 200.000 doanh nghiệp tư nhân đã rút lui khỏi thị trường trong vòng 4 năm gần đây.

Quốc hội thông qua hai luật

Luật Doanh nghiệp sửa đổi, được Quốc hội thông qua với 86,12% số phiếu tán thành. Luật bao gồm 10 chương, 213 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (gọi chung là doanh nghiệp); quy định về nhóm công ty; trình tự đăng ký doanh nghiệp; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tài sản góp vốn…

Điểm mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi là bãi bỏ đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh.

Về đề nghị bổ sung nội dung về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới trong khái niệm về doanh nghiệp xã hội , Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật, có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với nông dân, nông thôn mới đáp ứng các tiêu chí trên đây là doanh nghiệp xã hội, sẽ được hưởng ưu đãi, khuyến khích theo quy định.

Quốc hội cũng thông qua Luật Đầu tư sửa đổi vào hôm nay.

Xem thêm:

>>> Chỉ còn 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh

>>> Chính thức mở cửa cho người nước ngoài mua nhà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới