Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật miễn thuế, thông tư bắt nộp!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Luật miễn thuế, thông tư bắt nộp!

Luật sư Trương Thanh Đức

(TBKTSG) – Theo luật định, thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, thực tế theo các thông tư hướng dẫn, chỉ có thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm là được miễn thuế; còn các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi khác, trong đó có gửi vàng, vẫn phải nộp thuế.

Quy định về “tiền gửi”

Khoản 7, điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định rõ một trong những khoản được miễn thuế thu nhập cá nhân là “Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng”. Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 8-9-2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng không hướng dẫn gì khác.

Luật và nghị định đều không giải thích thế nào là tiền gửi tại tổ chức tín dụng. Như vậy thì đương nhiên phải hiểu “tiền gửi” theo khoản 9, điều 20 về “Giải thích từ ngữ” của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 (hết hiệu lực từ ngày 1-1-2011) như sau: “Tiền gửi là số tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không hưởng lãi và phải được hoàn trả cho người gửi tiền”. Như vậy, tiền gửi theo giải thích này gồm ba loại khác nhau là: tiền gửi kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức tiền gửi khác. Khoản 13, điều 4 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2011) cũng giải thích tương tự như vậy thông qua cụm từ “nhận tiền gửi”.

Trong các loại giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành, ngoại trừ cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, còn các loại khác thì đều mang tính chất tương tự như tiền gửi, nhất là xét theo mục tiêu miễn thuế, nhằm tận dụng mọi nguồn vốn nhàn rỗi của dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh, thông qua kênh ngân hàng.

Căn cứ xác định “tiền gửi”

Thế nhưng khoản 7, mục III về “Các khoản thu nhập được miễn thuế”, phần A, Thông tư hướng dẫn số 84/2008/TT-BTC ngày 30-9-2008 của Bộ Tài chính (đã được bổ sung theo Thông tư số 02/2010), lại thu hẹp hẳn nghĩa của “tiền gửi”. Khi xác định lãi tiền gửi được miễn thuế, thông tư này quy định chỉ được dựa trên một căn cứ duy nhất: “Đối với thu nhập từ lãi tiền gửi là sổ tiết kiệm (hoặc thẻ tiết kiệm) của cá nhân”. Như vậy Thông tư số 84/2008 đã đồng nhất “tiền gửi” với “tiền gửi tiết kiệm”, vì chỉ duy nhất loại tiền gửi tiết kiệm mới có “sổ tiết kiệm (hoặc thẻ tiết kiệm)”.

Tiếp theo, điểm 3, mục II về “Các khoản thu nhập chịu thuế”, phần A của Thông tư số 84/2008 còn liệt kê các khoản thu nhập từ đầu tư vốn phải chịu thuế gồm: “Thu nhập nhận được từ các khoản lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành”. Như vậy, rõ ràng thu nhập lãi từ một loạt hình thức tiền gửi khác như tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi dưới các hình thức kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác tại tổ chức tín dụng bỗng nhiên không còn được gọi là lãi tiền gửi, tức là bị loại khỏi diện được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Và tất cả đã bị chuyển sang mảng hoạt động “đầu tư vốn”, với bằng chứng pháp lý được gọi chung là các “các giấy tờ có giá”. Theo đó, các ngân hàng phải có nghĩa vụ khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân trước khi trả lãi đối với các hình thức tiền gửi khác ngoài tiền gửi tiết kiệm. Như vậy, hướng dẫn của Thông tư số 84/2008 là trái luật, không phản ảnh đúng nội dung và mục đích của quy định về miễn thuế đối với thu nhập từ tiền gửi tại tổ chức tín dụng.

Gửi vàng có là “tiền gửi”?

Một trong những hệ quả theo hướng dẫn của Thông tư số 84/2008 là thu nhập từ việc gửi tiết kiệm bằng vàng tại các tổ chức tín dụng cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Trước đây, theo Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN1 ngày 3-10-2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc huy động vốn bằng vàng “được thực hiện dưới hình thức tiết kiệm có kỳ hạn hoặc phát hành chứng chỉ huy động tiền đồng Việt Nam”. Như vậy, khi nhận gửi vàng của khách hàng, nếu tổ chức tín dụng phát hành “thẻ tiết kiệm”, người gửi vàng đương nhiên được miễn thuế thu nhập cá nhân. Còn nếu tổ chức tín dụng phát hành “chứng chỉ huy động”, người gửi vàng lại không được miễn thuế.

Đặc biệt, từ khi xuất hiện Thông tư số 22/2010/TT-NHNN ngày 29-10-2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng, thay thế cho Quyết định số 432/2000 nói trên, thu nhập lãi từ việc gửi vàng lại thuộc diện phải nộp thuế trong mọi trường hợp. Tất cả chỉ vì một lý do đơn giản, hoàn toàn không liên quan gì đến quan điểm đánh thuế, đó là Thông tư số 22/2010 đã bỏ đi các cụm từ “hình thức tiết kiệm” và “chứng chỉ huy động” mà thay bằng cụm từ “huy động vốn bằng vàng thông qua phát hành giấy tờ có giá”.

Thế là tất cả các trường hợp thu nhập từ gửi vàng tại tổ chức tín dụng đương nhiên bị đánh thuế thu nhập theo khoản mục “đầu tư vốn”. Trong khi đó, nếu hiểu các khái niệm “tiết kiệm”, “chứng chỉ huy động” hay “giấy tờ có giá” đều là các hình thức khác nhau của “tiền gửi”, thì thu nhập lãi từ việc gửi vàng tại các tổ chức tín dụng từ trước đến nay cũng vẫn không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, chứ không phụ thuộc vào cách dùng từ của Ngân hàng Nhà nước hay của các tổ chức tín dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới