Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật pháp, chính khách và tiếng khóc một bé gái!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Luật pháp, chính khách và tiếng khóc một bé gái!

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

(TBKTSG Online) – Truyền thông lẫn chính trường Đức đang sôi sục về chính sách, luật nhập cư và tị nạn hiện hành sau khi đài truyền hình NDR đưa lên chương trình thời sự một đoạn băng quay cảnh một em bé tị nạn khóc nức nở trong buổi đối thoại với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Luật pháp, chính khách và tiếng khóc một bé gái!
Nữ sinh người Palestine Reem bật khóc khi nói chuyện với Thủ tướng Angela Merkel về cảnh khổ của gia đình em và của những người tị nạn trên đất Đức.

Trung tuần tháng trước, trong phòng thể thao trường phổ thông trung học Paul-Friedrich-Scheel-Schule ở Rostock, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cùng 32 học sinh tham gia cuộc đối thoại công dân kéo dài 88 phút về các chủ đề khí hậu, môi trường, hôn nhân đồng tính, hoà nhập người nước ngoài, tị nạn…

Trong số học sinh có Reem, 14 tuổi, người Palestine, nữ sinh lớp 6. Tới chủ đề tị nạn, Reem hăng hái nói với Thủ tướng hơn 10 phút về kinh nghiệm tốt, xấu trong hoà nhập. Em xúc động kể lại đoạn trường cha mẹ em chạy trốn khỏi đất nước chiến tranh tang tóc tới trại tị nạn ở Li băng, nơi em ra đời năm 2000, bị thiếu 2 tháng. Do thiếu chăm sóc y tế, não bị tổn thương, một phần cơ thể em bị liệt. Đến năm 2010, để có thể mổ khẩn cấp, Reem được nước Đức trợ giúp nhân đạo, cấp vi-sa sang chữa bệnh. Năm học này, Reem phấn khởi “khoe” vừa nhận được học bạ tổng kết năm, là học sinh duy nhất lớp đạt điểm giỏi tiếng Đức. Em thích ngôn ngữ học, ngoài tiếng Đức, còn giỏi tiếng Ả Rập, Anh, Đan Mạch. Năm tới, Reem còn muốn học tiếng Pháp, và ước vọng lúc nào đó sẽ vào đại học ngành này.

Kể tới đây, giọng Reem đang hoan hỷ bỗng chùng xuống, bởi gia đình em đang phải chịu cảnh tạm dung ở Đức từ bao năm nay, nên ngay cả cha em là thợ cơ khí lành nghề cũng không được phép lao động. Cả nhà ăn không, ngồi rồi, sống nhờ tiêu chuẩn nhà nước Đức trợ cấp. Gia đình Reem từng suýt bị trục xuất, may được đình hoãn do đất nước đang chiến sự. Hiện trên nguyên tắc, cả nhà em có thể bị trục xuất bất kỳ lúc nào. Reem thổ lộ tâm tư “tôi cũng có những mục đích, khát khao, ước vọng như bất kỳ con người nào khác”.  Bà Merkel khuyến khích nhắc lại: “Như bất kỳ người nào khác”. Reem gật đầu: “Tôi muốn vào đại học, đó thực sự là một ước mơ, hoài bão tôi muốn đạt được. Thật không thể bình tâm, khi phải nhìn thấy các bạn khác được thụ hưởng cuộc sống thực sự, còn tôi thì không”. Bà Merkel hắng giọng: “Hừm. Tôi hiểu điều đó. Nhưng nhiều khi, tôi cũng phải cứng rắn về chính sách. Em cũng biết, trong các trại tị nạn của người Palestine ở Li băng còn hàng ngàn, hàng ngàn người tị nạn. Nếu bây giờ chúng tôi nói, tất cả có thể tới Đức, từ châu Phi, từ khắp nơi, thì chúng tôi không thể làm nổi. Do vậy, giải pháp duy nhất của chúng tôi là phải xét đơn tị nạn nhanh chóng. Một số người rồi cũng phải hồi hương thôi“.

Câu chốt của Merkel vô tình chạm đúng vào nỗi lo triền miên cho thân phận tị nạn bất an, tương lai mù mịt của Reem vì gia đình em luôn nơm nớp có thể bị trục xuất bất kỳ lúc nào. Reem lặng đi một thoáng, rồi bỗng bật khóc. Một tình huống bất ngờ, khó chính trị gia nào lường trước được một kịch bản như vậy. Nói chuyện tay đôi cùng học sinh với các chính khách Đức là một cơ hội cực kỳ quí báu để thể hiện hình ảnh của họ. Tuy nhiên lần này bà Merkel gặp phải sự cố bất thường. Thoạt đầu, bà bị bất ngờ, nhưng phản ứng kịp, bà nén lòng, nghiêng đầu, mặt lộ cảm xúc của người mẹ, hắng giọng “nào”, rồi tiến tới xoa đầu Reem, bảo “rõ ràng em đã làm rất tốt”.

Một khu lều trại cho người tị nạn được Hội Chữ thập đỏ Đức lập ra ở Hamburg hồi tháng 7-2015. Dự báo năm nay Đức có thể tiếp nhận khoảng 400.000 người tị nạn. Ảnh báo Spiegel.de

Tình huống trên lập tức trở thành sự kiện sôi sục cả truyền thông lẫn chính trường Đức liên quan tới chính sách, luật nhập cư và tị nạn hiện hành, sau khi đoạn băng trích quay cảnh Reem khóc được đài truyền hình NDR trình chiếu trên chương trình thời sự, với tiêu đề cực nhậy: “Angela Merkel tranh luận với một bé gái tị nạn đang khóc”. Mở đầu, đoạn video đặt vấn đề, đánh thẳng vào lương tâm con người trước số phận đồng loại đang phải chạy trốn khỏi những nơi chết chóc, chiến sự, đàn áp, cường quyền, nay lại bị nước Đức nhẫn tâm buộc họ trở lại chính nơi chết chóc đó: “Bây giờ Reem sẽ bị trục xuất. Trước hết người ta phải tuyên bố điều đó với một thiếu niên đầy khát vọng”. Sau đó là trích đoạn đối thoại với Thủ tướng làm Reem bật khóc.

Đoạn băng trên Internet gây hiệu ứng truyền thông như một cơn bão mạng, tranh cãi kịch liệt quanh câu hỏi cốt lõi làm nền tảng cho mọi xã hội nhân văn: thực ra bà Merkel thành thật hay thiếu đồng cảm? Liệu nhà nước có tim hay không trước tương lai sống còn của một bé gái tràn đầy khát vọng?

Luồng dư luận ủng hộ cho rằng bà Merkel không thể hứa với ai điều gì mà không thể thực hiện; kể cả với một bé lớp 6 muốn biết liệu nó có tương lai ở Đức hay không. Bà không nói bằng ngôn ngữ trẻ thơ, mà bằng chính trị. Ngay cả câu hỏi của Reem, Merkel cũng trả lời như với một công chức.

Luồng dư luận phản đối, suy diễn về góc độ động cơ của Thủ tướng; cho là bà lạnh lùng, muốn đơn giản gạt bỏ những vấn đề bức bách liên quan tới chính sách tị nạn vốn phải mang tính nhân đạo.

Một nhà báo bình luận, “chỉ cần một đoạn clip đã đủ cho thấy toàn bộ sự thật khủng khiếp về chính sách tị nạn của nước Đức”. Felix Seibert-Daiker, người làm việc trong kênh truyền hình trẻ em, cũng là người điều khiển chương trình đối thoại hôm đó, cho biết: “Thật ra tất cả chúng ta đều muốn Merkel ôm Reem vào lòng và bảo, cháu được phép ở lại Đức. Nhưng tình huống đó đã không xảy ra. Tuy nhiên, bà đã phản xạ theo bản năng tự nhiên của con người. Merkel đã thận trọng khi thẳng thắn giải thích rõ ràng điều kiện chính trị cho một trẻ em”.

Trả lời phóng vấn trên truyền thông, Reem thổ lộ “tôi rất thích những người thành thật như bà Merkel”. Cô giáo của Reem cũng đồng cảm khi được hỏi cảm tưởng về buổi gặp Merkel và phát biểu “tôi rất mừng Thủ tướng rất chân thật. Có lẽ tôi sẽ đau, nếu như Merkel không chân thật như vậy”.

Về phần mình, bà Merkel lên tiếng tự bảo vệ trước các chỉ trích. Bà cho rằng người ta có thể an ủi, nhưng không thể thay đổi ngay được hành lang luật pháp đang có hiệu lực. Cũng không thể nói, bởi em đã gặp Thủ tướng nên sẽ được ưu tiên giải quyết hơn người khác. Chúng ta là nhà nước pháp trị. Mặc dù vậy ai cũng muốn an ủi một bé gái đang khóc. Rồi bà đề cập tới bản chất của vấn đề nằm ở luật nhập cư, tị nạn. Cần phải thay đổi nhiều luật riêng rẽ, để các vấn đề trở nên đơn giản hơn.

Sự kiện trên giúp đảng SPD trở lại với chủ trương của đảng đòi thay đổi luật nhập cư. SPD cho rằng, nước Đức đã định hướng sai. Một mặt thì phải cố gắng ra sức đào tạo lớp trẻ, mặt khác lại trục xuất những người tị nạn hoà nhập tốt, đã có sẵn trình độ kiến thức chuyên môn. “Chúng ta cần bảo đảm quyền ở lại cho người nước ngoài đã ở đây nhiều năm, cố gắng học tập, nói tốt tiếng Đức và thừa nhận đất nước chúng ta”.

Một chính trường luôn nhạy cảm trước mọi tiếng nói của người dân như Đức, chỉ cần một tiếng khóc trẻ thơ cũng đủ làm nó dậy sóng. Reem, một bé gái trở thành nhân tố thúc đẩy khai thông cải cách luật nhập cư, tị nạn, đang tranh cãi lâu nay!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới