Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật pháp có đủ chặt để cấm lao động phổ thông nước ngoài?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Luật pháp có đủ chặt để cấm lao động phổ thông nước ngoài?

Cao Nhất Linh (Khoa Luật – ĐH Cần Thơ)

LTS: Xung quanh việc nhiều người nước ngoài vào Việt Nam làm lao động phổ thông và liệu pháp luật có cho phép hay không, thạc sĩ Cao Nhất Linh (Khoa Luật – ĐH Cần Thơ) đã gửi đến tòa soạn bài viết, trong đó nêu rằng do một số điểm hở của luật nên thực tế nhiều lao động phổ thông nước ngoài vẫn được chấp nhận là hợp pháp.

Tòa soạn xin giới thiệu bài viết dưới đây của bạn đọc Cao Nhất Linh và mong nhận được các ý kiến khác:

Về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài khi họ đảm bảo đầy đủ các điều kiện luật định để làm các công việc quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Điều 20, Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối với người nước ngoài tại Việt Nam như học sinh, sinh viên, phu nhân, phu quân, người giúp việc gia đình và một số đối tượng khác, khi có nhu cầu làm việc tại Việt Nam thì không phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động. Người sử dụng lao động chỉ cần gửi báo cáo trước 7 ngày, kể từ ngày người nước ngoài bắt đầu làm việc, với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi người nước ngoài thường xuyên làm việc. Nội dung báo cáo chỉ bao gồm họ tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày bắt đầu và ngày kết thúc làm việc, công việc đảm nhận của người nước ngoài.

Với quy định đó, các đối tượng nêu trên cũng không cần phải đảm bảo các điều kiện khác, đặc biệt là điều kiện về bằng cấp và công việc phù hợp với bằng cấp hay chuyên ngành học của họ… Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, pháp luật đã chấp nhận cho một lượng lớn lao động nước ngoài không có trình độ cao làm việc tại Việt Nam.

Đối tượng này có thể cũng là đối tượng cạnh tranh và chiếm mất một phần thị trường lao động của lao động Việt Nam nếu như chúng ta không có biện pháp bảo vệ thị trường lao động một cách hiệu quả.

Một số điểm hở của pháp luật Việt Nam khiến chúng ta đang lâm vào tình thế mất dần khả năng bảo vệ thị trường lao động cho lao động phổ thông trong nước.

Thứ nhất, đối với học sinh, sinh viên nước ngoài: Trong thời buổi hội nhập và hợp tác hiện nay, số lượng học sinh, sinh viên nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. Do đó, có thể có rất nhiều người nước ngoài lợi dụng quy định này để vào Việt Nam học tập, nhưng thực chất là vào Việt Nam để làm việc. Bởi vì như thế, họ sẽ lách được điều kiện bằng cấp “chất lượng cao” mà họ không có khi xin phép lao động theo thủ tục thông thường.

Một cách để người nước ngoài có thể lao động phổ thông hợp pháp tại Việt Nam là họ xin visa vào Việt Nam học tập tại một trường bất kỳ nào đó để đựơc hợp thức hoá với tư cách học sinh, sinh viên, rồi sau đó đi làm việc toàn thời gian như lao động bình thường mà không cần phải có bằng cấp và tất nhiên, họ có quyền làm các công việc của lao động phổ thông.

Ở các nước có truyền thống lao động nhập cư (ví dụ ở Pháp và một số nước châu Âu khác), học sinh, sinh viên chỉ được làm thêm tối đa không được 50% hoặc 60% số giờ lao động chuẩn trong một ngày hoặc một năm. Sự hạn chế này được ghi trực tiếp vào thẻ tạm trú hoặc visa nhập cảnh của họ. Do đó, họ không có quyền lao động toàn thời gian để cạnh tranh với lao động phổ thông trong nước được.

Thứ hai, đối với các đối tượng là phu nhân, phu quân, người giúp việc gia đình và một số đối tượng khác: Phu nhân, phu quân quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nghị định 34 nêu trên là phu nhân, phu quân của người nước ngoài làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hiệp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực. Đối tượng này không cần phải xin phép lao động, cũng không cần có bằng cấp và không bị buộc phải làm việc trong các vị trí chuyên gia, giám đốc điều hành… Do đó, họ cũng có quyền mặc nhiên làm việc ở các công việc lao động phổ thông.

Đáng chú ý nhất trong nhóm các đối tượng lao động phổ thông hợp pháp tại Việt Nam là đối tượng “người giúp việc gia đình”. Đối tượng này, cả Nghị định 34 và Thông tư 08/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn đều không định nghĩa đây là người giúp việc gia đình của người nước ngoài làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài… hay là người giúp việc gia đình của tất cả người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đối tượng này cũng không cần phải xin phép lao động và cũng chưa có quy định nào khống chế số lượng người người nước ngoài giúp việc nhà trên lãnh thổ Việt Nam.

Nếu đối tượng này chỉ là người giúp việc gia đình của viên chức ngoại giao, lãnh sự… thì số lượng này không đáng kể. Ngược lại, nếu người giúp việc nhà của người lao động nước ngoài hoặc người giúp việc nhà cho công dân Việt Nam thì số lượng này có thể nhiều hơn các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Do đó, chúng ta cần phải giải thích cụ thể hơn về đối tượng này. 

Tóm lại, với quy định hiện hành còn nhiều điểm chưa rõ ràng và không chặt chẽ, người nước ngoài có thể vào Việt Nam lao động phổ thông mà không cần phải xin phép và cũng không cần có trình độ cao.

   

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới