Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật PPP, cần cả rượu mới và bình mới!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Luật PPP, cần cả rượu mới và bình mới!

Phan Vinh Quang (*)

(TBKTSG) – Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hết sức eo hẹp với nhu cầu ngày càng tăng về phát triển hạ tầng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có thể là đột phá để giải nút thắt cơ sở hạ tầng cho Việt Nam.

Dự thảo luật PPP sắp được trình Quốc hội đưa ra nhiều chính sách mới như yêu cầu đấu thầu hầu hết các dự án, kiểm soát chất lượng dự án trên đầu ra thay vì đầu vào như hiện nay, cơ chế chia sẻ doanh thu… Đây là những chính sách mới để tạo đột phá trong triển khai. Tuy nhiên, cơ chế thực hiện trong dự thảo luật hiện nay không đưa ra được mô hình đột phá trong triển khai.

Các dự án PPP là nơi ban phát quyền lực hay mời gọi đầu tư?

Dự thảo Luật đầu tư PPP: Chưa đáp ứng được kỳ vọng

Luật PPP, cần cả rượu mới và bình mới!
Việt Nam cần có trung tâm khảo thí PPP như Philippines, giúp chủ đầu tư ra đề bài, chấm bài theo chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa Lê Anh.

Không thể dựa quá nhiều vào “cơ quan nhà nước có thẩm quyền”

Để đấu thầu cạnh tranh một cách minh bạch và hiệu quả, cần đầu tư và chuẩn bị dự án, hồ sơ mời thầu và đảm bảo quá trình mời và chấm thầu rất minh bạch và chuẩn, không thì lại rơi tình trạng quân xanh, quân đỏ như hiện nay.

Dự thảo luật không đưa ra được đột phát về thể chế để thực hiện việc này, mà phần nhiều vẫn dựa vào “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” như hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia về PPP, trong điều kiện nguồn nhân lực và vật lực hạn chế như Việt Nam thì việc thành lập đơn vị chuyên nghiệp để chuẩn bị dự án, xây dựng hồ sơ mời thầu và chấm thầu minh bạch và đáp ứng tốt nhất yêu cầu thị trường sẽ khắc phục được các hạn chế trong việc triển khai thực hiện dự án.

Việc này là cực kỳ quan trọng để thu hút nhà đầu tư và đưa ra thị trường dự án chất lượng được chuẩn bị theo chuẩn quốc tế. Nó giống như ra đề thi đại học, nếu khâu ra đề không tốt và triển khai không tốt, thì lại có sự việc đau lòng như việc chấm thi tại Sơn La, Hòa Bình…

Thực tiễn thực hiện các dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao) kém hiệu quả trong thời gian vừa qua, một phần là do chúng ta dựa quá nhiều vào sự mẫn cán, không vụ lợi và khả năng chuyên môn của các “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” và thật chua xót khi thấy một số cán bộ cao cấp vướng vào vòng lao lý tại một số dự án PPP trong thời gian qua.

Việc chúng ta phải hủy thầu sơ tuyển dự án cao tốc Bắc – Nam cho thấy khâu chuẩn bị dự án và tìm hiểu thị trường chưa tốt và chưa thu hút được nhà đầu tư như mong muốn, dẫn đến việc phải hủy thầu sau khi tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực xây dựng hồ sơ.

Tại sao Việt Nam không nghĩ đến trung tâm khảo thí PPP như Philippines?

Việt Nam không có một công ty tay hòm chìa khóa quản lý nghĩa vụ tài khóa và bảo lãnh của các dự án PPP như Indonesia, nên chúng ta không quản lý được rủi ro tài khóa của các dự án, không theo dõi và phân loại rủi ro để thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh và thanh toán.

Chúng ta mới mất một con gà thôi, nhưng nếu không lo làm chuồng từ bây giờ, thì sẽ mất bò và nhiều cái quan trọng hơn bò.

Kinh nghiệm giải quyết vấn đề này của cơ quan phát triển dự án PPP của Philippines đáng để chúng ta tham khảo. Đây gần như là trung tâm khảo thí PPP của Philippines, giúp chủ đầu tư ra đề bài, chấm bài theo chuẩn quốc tế.

Trung tâm này thành lập từ năm 2010 và đã hỗ trợ xây dựng đề thi và chấm thi cho 38 dự án với tổng giá trị hàng tỉ đô la Mỹ. Toàn bộ chi phí ra đề và chấm thi với từng dự án sẽ được nhà đầu tư thắng thầu hoàn trả. Nhà nước bỏ ra một lượng vốn rất ít và một số nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Úc hỗ trợ cấp vốn cho cơ quan này.

Trung tâm liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp, phòng thương mại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để biết thị trường cần gì và nhà nước có gì, từ đó ghép nối và đưa ra các dự án có chất lượng đúng nhu cầu của thị trường và tăng khả năng thành công khi triển khai dự án.

Trong khi chúng ta còn đang loay hoay với nhiều vấn đề sự vụ trong Luật PPP như trần bảo lãnh, quy mô dự án PPP… thì đối thủ cạnh tranh đang tận dụng trung tâm khảo thí PPP để thu hút đầu tư.

Tại sao Việt Nam không nghĩ đến trung tâm khảo thí PPP trước thực tế việc ra đề, chấm thi trong các dự án PPP còn quá nhiều bất cập như thời gian qua?

Tại sao Việt Nam lại không thể biến nguy thành cơ như Indonesia?

Dự thảo Luật PPP đưa ra cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án, bảo lãnh và chia sẻ doanh thu. Tuy nhiên, nguồn tiền và cách thức thực hiện hoàn toàn dựa vào cơ chế hiện tại theo quy trình ngân sách đầu tư công trung hạn thông thường. Các đại biểu Quốc hội hết sức lo lắng về việc bảo lãnh bị lạm dụng gây hệ lụy cho ngân sách nhà nước. Đây là nỗi lo hoàn toàn chính đáng.

Tại sao Bộ Tài chính không học tập mô hình của Indonesia để cung cấp bảo lãnh cho các dự án PPP, mà cứ phải trông chờ vào ngân sách? Ảnh minh họa Lê Anh.

Quy định hiện tại của dự thảo Luật PPP, thay vì đưa cách làm mới nhằm bảo đảm quản lý rủi ro và xây dựng cơ chế bảo lãnh theo nhu cầu của từng dự án, lại tiếp cận theo hướng “cứng hóa” và áp đặt trần bảo lãnh để hạn chế rủi ro. Đây là cách làm phi thị trường và có thể khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội và không hề giúp hạn chế rủi ro.

Hãy xem Indonesia, một đối thủ cạnh tranh khác của Việt Nam, xử lý việc này thế nào. Thay vì cung cấp bảo lãnh chính phủ miễn phí, Indonesia thành lập công ty bảo lãnh cơ sở hạ tầng, trực thuộc Bộ Tài chính, chuyên cung cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án PPP.

Công ty này cung cấp bảo lãnh cho các dự án PPP và thu phí bảo lãnh. Sau 10 năm hoạt động, công ty đã cung cấp bảo lãnh cho 21 dự án PPP tại Indonesia với tổng trị giá 14,7 tỉ đô la Mỹ. Tính đến hết năm 2018, sau 10 năm thành lập, vốn chủ sở hữu tại công ty là 670 triệu đô la Mỹ và 37,5% số này là từ lợi nhuận để lại.

Ông Wahid Sutopo, Tổng giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi sử dụng vốn nhà nước để bảo lãnh cho các dự án PPP, với một đồng vốn bảo lãnh huy động được 26 đồng vốn đầu tư từ khu vực tư tính đến hết năm 2019”. Indonesia đã biến “nguy” về rủi ro cho ngân sách với bảo lãnh PPP thành “cơ hội” cung cấp bảo lãnh theo giá thị trường cho các dự án PPP. Tại sao Việt Nam lại không thể biến nguy thành cơ như Indonesia?

Gần đây, định mức tín nhiệm của Việt Nam bị các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ triển vọng vì không thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình tại một dự án PPP. Việc này là do Việt Nam không có một công ty tay hòm chìa khóa quản lý nghĩa vụ tài khóa và bảo lãnh của các dự án PPP như Indonesia, nên chúng ta không quản lý được rủi ro tài khóa của các dự án, không theo dõi và phân loại rủi ro để thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh và thanh toán.

Chúng ta mới mất một con gà thôi, nhưng nếu không lo làm chuồng từ bây giờ, thì sẽ mất bò và nhiều cái quan trọng hơn bò.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về vốn trong thời đại dịch, Việt Nam cần có đột phá về cả chính sách và tổ chức thực hiện mới có thể cạnh tranh về thể chế với các quốc gia khác. Thể chế PPP của Philippines và Indonesia hiện đang đi trước chúng ta. Luật PPP là cơ hội để chúng ta thu hẹp khoảng cách và tăng năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư theo hình thức PPP thông qua tăng cường thể chế trong PPP.

Tại sao Bộ Tài chính không học tập mô hình của Indonesia để cung cấp bảo lãnh cho các dự án PPP, mà cứ phải trông chờ vào ngân sách? Với vai trò của mình, Bộ Tài chính phải là cơ quan tiên phong trong việc tạo các đột phá cho PPP. Để PPP là đột phá trong cơ sở hạ tầng của Việt Nam, cần cả rượu mới và bình mới.

(*) Trưởng nhóm chuyên gia của USAID

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới