(KTSG Online) - Tại kỳ họp Quốc hội, thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có quy định về đảm bảo an ninh nguồn nước như chủ động tích nước, điều tiết nước cho sinh hoạt, tái sử dụng tuần hoàn nước, đánh giá trữ lượng nước, làm rõ cơ chế giải quyết tranh chấp tài nguyên nước, TTXVN đưa tin.
- Mực nước tăng chậm, thủy điện phía Bắc chỉ có thể phát điện cầm chừng
- Châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng nước
Theo TTXVN, chiều 20-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu nêu ra nhiều giải pháp góp ý cho dự thảo, hướng đến sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời, có chính sách để thu hút nguồn vốn cho tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phục hồi các dòng sông.
Các đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có quy định cụ thể hơn về trường hợp xin phép và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước do trình tự thủ tục, mức độ khai thác, sử dụng tài nguyên nước của hai hoạt động trên là khác nhau.
Dự thảo cũng cần bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của cơ quan trung ương và địa phương đối với việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hay thu hồi giấy phép sử dụng.
Cũng theo bản tin trên, về việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước đáp ứng thực tiễn, đại biểu cho rằng vấn đề về đảm bảo nguồn lực để thực hiện các quy tắc, cách thức điều phối, phân phối tài nguyên nước cũng rất quan trọng.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về tái sử dụng nước, trong đó cần đưa ra định nghĩa về các khái niệm như tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước để từng bước hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên.
Đồng thời, với các quy định cho sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, dự thảo cần có những quy định, cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn.
Theo các đại biểu, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những quy định của các đơn vị liên quan trong việc bảo vệ, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm nước; nghiên cứu để quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cho tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phục hồi các dòng sông; hướng đến tạo cơ sở pháp lý cho nhu cầu sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.