Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lực đẩy từ xuất khẩu và nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lực đẩy từ xuất khẩu và nông nghiệp

Tấn Đức

Thu hoạch cao su tại một trang trại ở Bình Phước. Ảnh: MINH KHUÊ.

(TBKTSG) – Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng ấn tượng

Các thành viên của tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã trải qua những ngày tháng đầy biến động trong nửa đầu năm nay. Chỉ trong vòng ba tháng, giá bông đã từ khoảng 3 đô la Mỹ vọt lên tới 5,2 đô la Mỹ /ki lô gam và đến nay lại lùi về mức 3,4 đô la Mỹ/ki lô gam. Giá sợi và các loại hóa chất khác cũng thay đổi theo chiều hướng tăng một cách nhanh chóng. Cùng lúc, lãi vay ngân hàng tăng mạnh. “Những biến động đó đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc Vinatex và cả ngành dệt, may Việt Nam”, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex, cho biết. Nhưng ngành dệt, may đã có sự thành công ngoài mong đợi, nếu xét ở khía cạnh doanh số tiêu thụ. Trong sáu tháng đầu năm, doanh thu của Vinatex tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả chung của toàn ngành dệt, may Việt Nam trong sáu tháng qua cũng không ngoài chiều hướng lạc quan đó.

Có thể khẳng định, thành công của ngành dệt, may trong nửa đầu năm nay chủ yếu là nhờ lực đẩy của xuất khẩu. Đến hết tháng 6-2011, ngành này xuất khẩu được 6,1 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong vòng bốn năm qua. Điều đáng mừng là dệt, may không phải là điểm sáng duy nhất, mà hầu như tất cả các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có bước tăng trưởng ấn tượng, hầu hết là tăng trên mức 30%. Cùng với nông nghiệp, xuất khẩu đang là một trong hai lực đẩy chủ chốt của cả nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhờ đó, công nghiệp vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá cao, bất chấp khó khăn do lạm phát, dẫn đến giá cả hàng hóa leo thang, ảnh hưởng xấu đến sức mua ở thị trường trong nước.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, những ngành hàng có giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay hầu hết rơi vào những sản phẩm xuất khẩu hoặc phục vụ cho xuất khẩu. Trong đó, ngoài những ngành hàng chủ chốt như dệt – may, da giày, chế biến gỗ, hàng điện tử và điện gia dụng, những mặt hàng xuất khẩu mới nổi khác như hóa chất, chất dẻo, sản phẩm chế biến từ cao su, máy móc thiết bị và phụ tùng, động cơ đốt trong, sản phẩm thép… cũng tăng rất mạnh, dao động từ 25% đến trên 50%. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng niềm vui này chưa trọn vẹn khi mà tác động lan tỏa của thành quả xuất khẩu từ những mặt hàng trên đối với ngành công nghiệp Việt Nam nói chung còn quá thấp. Chỉ có một số ngành hàng có nền công nghiệp phụ trợ phát triển tương đối khá, như may và da giày, máy móc thiết bị phi tiêu chuẩn… việc gia tăng sản lượng xuất khẩu đã tạo đà tăng trưởng tốt cho ngành kéo sợi, dệt, in nhuộm, sản xuất da và giả da cùng các nguyên phụ liệu. Ở các mặt hàng còn lại, giá trị xuất khẩu tuy khá lớn, nhưng do còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, nên không tạo được nhiều động lực cho các ngành sản xuất khác.

Nông nghiệp lại góp công lớn

Thành tích tăng trưởng của công nghiệp trong sáu tháng đầu năm nay còn có đóng góp không nhỏ của nông nghiệp. Những vụ mùa bội thu, cộng với giá cả các mặt hàng nông sản, thủy hải sản… trên thị trường thế giới tăng, đã góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản trong nửa đầu năm nay tăng đột biến. Thậm chí giá trị xuất khẩu một số sản phẩm như cà phê, cao su, khoai mì khô tăng đến hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Thành công trong lĩnh vực nông nghiệp đã có tác động lan tỏa mạnh đối với nhiều ngành công nghiệp. Các ngành sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Đồng thời, ngành công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp cũng hưởng lợi không ít từ thành quả này. Chẳng hạn như ngành sản xuất động cơ diesel tăng trên 40%, nhờ sức mua của nông dân tăng.

Thành quả kinh tế đạt được trong sáu tháng đầu năm nay đã một lần nữa cho thấy vai trò rất quan trọng của ngành nông nghiệp. Đây không chỉ là chìa khóa để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, mà trong chừng mực nào đó nông nghiệp còn đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế và là bảo đảm cho sự ổn định về mặt xã hội, cho dù hiện nay tỷ lệ đóng góp của khu vực này trong GDP còn khiêm tốn. Chắc chắn rằng, trong tương lai nông nghiệp sẽ ngày càng có vai trò quan trọng hơn, nhất là khi nguy cơ thiếu lương thực đang dần trở thành mối lo hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Chính phủ cũng cần xem xét lại và có chiến lược đầu tư thích đáng cho nông nghiệp và nông thôn, thay vì quá chú trọng vào các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khác.

Khó khăn về sau

Trong sáu tháng qua tuy công nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng bất ổn kinh tế vĩ mô cũng đã để lại những di hại và tác động tiêu cực này sẽ còn kéo dài trong ít nhất là một vài năm tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để có thể duy trì sự tăng trưởng về doanh thu, các doanh nghiệp đã phải hy sinh lợi nhuận. Vì vậy, hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm mạnh và nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức phát triển của ngành công nghiệp trong những năm sắp tới. Ông Lê Tiến Trường nói: “Chúng tôi đã phải hoãn tất cả các dự án dệt, nhuộm có vốn đầu tư cao, tỷ suất lợi nhuận dưới 20% cho đến khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, vì không chịu nổi với mức lãi suất quá cao như hiện nay”. Không riêng gì dệt, nhuộm, các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ khác cũng đều có đặc điểm là cần nhiều vốn đầu tư, nhưng hiệu suất sinh lời lại không cao, nên việc các doanh nghiệp phải hoãn đầu tư trong bối cảnh hiện nay là khó tránh khỏi. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tăng trưởng của ngành công nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam.

Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu 6 tháng đầu năm 2011(so với cùng kỳ năm 2010)

– Tăng trưởng GDP: 5,6%- Giá trị sản xuất công nghiệp: 14,3%

– Kim ngạch xuất khẩu: 30,3%

– Kim ngạch nhập khẩu: 25,8%

– Chỉ số giá tiêu dùng (so với tháng 12-2010): 13,29%

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới