Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lùi biểu quyết việc mở rộng Hà Nội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lùi biểu quyết việc mở rộng Hà Nội

Chùa Trăm Gian – một địa điểm rất nổi tiếng ở Hà Tây, hiện chưa sát nhập về Hà Nội – Ảnh: google.com

(TBKTSG Online) – Do còn quá nhiều tranh cãi xung quanh việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô, nên kế hoạch thông qua nghị quyết về việc này theo chương trình chiều 22-5 đã được lùi lại. Trong khi đó, đề án cho người nước ngoài mua nhà đã được nhanh chóng thông qua

Lùi biểu quyết mở rộng thủ đô

Mở đầu buổi làm việc hôm 22-5 – buổi làm việc mà theo chương trình là Quốc hội biểu quyết hai nội dung quan trọng là việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thông báo: “Xét theo tình hình thực tế của kỳ họp và theo đề nghị của các cơ quan, để có thời gian cho các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình và chỉnh lý nghị quyết về việc mở rộng địa giới thủ đô. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho lùi thời gian xem xét thông qua nghị quyết này vào cuối kỳ họp”. Ông Lưu nói thêm rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo như vậy để các đại biểu Quốc hội quyết định trong chương trình thời gian tới.

Có lẽ hiếm có đề án nào được “cân lên, đặt xuống” ở trong và ngoài nghị trường nhiều như việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô. Theo thống kê được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng công bố công khai trước phiên thảo luận tại hội trường hôm 19-5, có tới 221 ý kiến của các đại biểu được gửi tới đoàn thư ký và đoàn chủ tịch Quốc hội dưới các hình thức khác nhau.

Tương tự, chỉ trong hơn 3 giờ phát biểu tại hội trường, cũng có 31 ý kiến bày tỏ sự quan tâm và phân tích chi tiết xung quanh đề án này, trong đó có 6 thành viên Chính phủ là các Bộ trưởng. Cũng chưa có đề án nào mà tờ trình số 59 của Chính phủ ra Quốc hội được góp ý nhiều bằng cách chỉ ra những điều sơ sài, chưa thỏa đáng như tờ trình về việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô. Cũng chưa có đề án nào mà Chính phủ kèm theo tờ trình là một báo cáo bổ sung do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày về tiến trình 6 năm nghiên cứu về việc này song song với quá trình nghiên cứu mở rộng Quy hoạch Vùng thủ đô.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có văn bản số 333 thông qua một cuộc họp riêng trước đó, làm một báo cáo thẩm tra rất chi tiết, nêu ra 6 căn cứ xác đáng dẫn đến việc tuy Ủy ban đồng ý về chủ trương nhưng về phương án tiến hành và thời hạn điều chỉnh như đề nghị của Chính phủ từ ngày 1-7 tới thì phải tính toán lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận từng phân tích: “Một số nội dung quan trọng liên quan đến quy hoạch xây dựng Hà Nội sau khi được mở rộng cũng chưa nêu rõ giải pháp cụ thể, lộ trình, bước đi trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là nguồn kinh phí thực hiện. Thiếu những thông tin như vậy rất khó cho việc xem xét”. Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Văn Tuấn trong một phát biểu sau đó tại hội trường đã xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội về việc chấp bút tờ trình của Chính phủ có những sơ sài và sai sót.

Đoàn chủ tịch Quốc hội đã phải phát phiếu thăm dò  ý kiến tất cả các đại biểu về đề án này theo các hướng: có đồng ý về chủ trương mở rộng hay không? Có đồng ý về phương án như đề xuất của Chính phủ không? Có đồng ý hay không đồng ý về lộ trình? Một dự kiến khác là Thủ tướng sẽ trình bày thêm các vấn đề xung quanh đề án này trước khi các đại biểu bấm nút biểu quyết theo chương trình (dự kiến là 16 giờ ngày 22-5). Tuy nhiên, các công việc dự định này đã được thay thế bằng quyết định lùi thời hạn biểu quyết đến cuối kỳ họp để các cơ quan chức năng có thêm thời gian nghiên cứu và giải trình ·       

Thông qua việc người nước ngoài được mua nhà

Một vấn đề quan trọng khác nhưng nhanh chóng được Quốc hội biểu quyết thông qua hôm 22-5 với 87% số đại biểu đồng thuận là việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy có một số điều chỉnh nhỏ về thời hạn sở hữu so với tờ trình của Chính phủ, nhưng cơ bản những nội dung của đề án này được Quốc hội giữ nguyên.

Theo đó, Quốc hội đồng ý cho người nước ngoài (gồm 7 đối tượng theo quy định là những cá nhân và doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, kinh doanh (ngoài lĩnh vực bất động sản), có đóng góp được Chính phủ Việt Nam ghi nhận hoặc kết hôn với người Việt Nam) thì được sở hữu có thời hạn (50 năm, trước đây là 70 năm) căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại tại Việt Nam.

Trong đó, đối tượng là cá nhân chỉ được phép sở hữu một căn hộ và chỉ được tiến hành bán, tặng, cho căn hộ của mình sau 12 tháng, tính từ khi nhận giấy chứng nhận sở hữu, trừ trường hợp chứng minh được việc không thể tiếp tục ở lại Việt Nam.

Riêng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được phép mua một hoặc một số căn hộ sau khi chứng minh được nhu cầu về nhà ở trong doanh nghiệp của mình. Thời hạn sở hữu căn hộ tương ứng với thời hạn của giấy phép đầu tư.

Để chống tình trạng đầu cơ có thể xảy ra sau khi đề án này được thông qua, ngay trong quá trình thí điểm, Chính phủ có quy định về việc người nước ngoài chỉ được phép mua căn hộ để ở, không được mua để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác. Trong trường hợp được cho, tặng, thừa kế thêm một căn hộ thứ hai thì chỉ được sở hữu một căn và hưởng giá trị căn hộ còn lại.

Với trường hợp là doanh nghiệp, tổ chức khi bán căn hộ cũng phải chứng minh được nhu cầu thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản. Một điểm đáng lưu ý nữa là trong số đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam có trường hợp là người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam (được phép đứng tên đồng sở hữu với vợ hoặc chồng).       

Trao đổi với Thời báo kinh tế Sài Gòn Online bên hành lang Quốc hội, một thành viên của Ủy ban kinh tế nói rằng không e ngại tình trạng giao dịch ngầm của những người nước ngoài nằm ngoài các quy định nêu trên vì thực tế, người nước ngoài có nhu cầu minh bạch và rõ ràng trong các hoạt động mua bán, giao dịch giá trị lớn như bất động sản.

Theo một thống kê của Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 10 ngàn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc, đầu tư tại Việt Nam với thời hạn từ 1 năm trở lên có đủ điều kiện để mua nhà. Quy định về việc cho họ mua nhà sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-1-2009 với thời hạn thí điểm là 5 năm.   

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới