Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lung lay niềm tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lung lay niềm tin

Phạm Kỳ Anh

(SGTT) – Thị trường cà phê trong nước đang tồn tại một nghịch lý, đó là nhiều người tiêu dùng vẫn đang phải sử dụng cà phê kém chất lượng dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil về tổng lượng. Niềm tin của người tiêu dùng còn bị lung lay vì vẫn còn cơ sở chế biến nông sản, trong đó có cà phê, bị phát hiện làm ăn gian dối.

Lung lay niềm tin
Khách nước ngoài thưởng thức cà phê pha phin kiểu của Việt Nam. Ảnh: Hồng Văn.

Tuần qua, người tiêu dùng cà phê cả nước đã rúng động khi nghe tin cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản, do bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp làm chủ, đang sử dụng dung dịch màu đen (nước và pin đập dập) để ngâm, tẩm, nhuộm đen hỗn hợp gồm vỏ cà phê, sỏi nhỏ, rồi sau đó sấy khô và đóng bao hỗn hợp này để đưa đi tiêu thụ.

Mặc dù theo thông tin được các báo đăng tải ngày 24-4 rằng hỗn hợp này không phải dùng để chế biến cà phê, nhưng các “tín đồ” cà phê chưa thể yên lòng khi chưa có bất cứ kết luận chính thức nào từ các cơ quan chức năng. Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo về vụ vỏ cà phê trộn sỏi và nhuộm pin để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo.

Thật ra, không chỉ Việt Nam mới có cà phê giả, cà phê kém chất lượng. Một Việt kiều là giáo sư sinh hóa của một trường đại học danh tiếng tại Paris cho biết nhiều nơi trên thế giới cũng có cà phê giả. “Thì tiền nào của nấy, người dùng quen ‘cà phê ấy’ vì giá rẻ và họ vẫn cứ mua, cứ uống đấy thôi,” vị giáo sư nói.

Nhưng giả không có nghĩa là độc hại. Cà phê giả ở một số nước được làm từ nguyên liệu là các loại rau củ ngâm tẩm hương liệu, được phép sử dụng làm thức uống cho con người. Còn ở Việt Nam, người tiêu dùng không dễ minh định được cà phê giả được chế biến từ bắp hay đậu nành, được ngâm tẩm bằng hương liệu nào.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty VCC&C, cũng là chuyên gia về chất lượng cà phê, cách làm một ly cà phê robusta ngon không phức tạp như nhiều người nghĩ. “Chỉ cần chọn trái chín đúng độ, phơi đúng quy trình như không cho tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ trên 50 độ C, chủ yếu phơi sấy bằng gió và hơi nóng vừa phải để làm sao giữ được hàm lượng acid, lượng đường và hương vốn có trong hột cà phê… là có cà phê ngon rồi”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, với thói quen thu hoạch “tuốt sạch cả chín lẫn xanh”… như nhiều nhà vườn đã làm bấy lâu nay thì việc có được một ly cà phê ngon là khó. Người tiêu dùng cũng khó uống được những ly cà phê sạch, chất lượng nếu sự làm ăn gian dối bằng cách trộn đậu nành, bột bắp hay hương liệu không rõ nguồn gốc vào bột cà phê của một số cơ sở chế biến không được giải quyết triệt để.

Một ly cà phê Việt Nam ngon không phải không tìm được. Nếu việc thu hái và chế biến thật nghiêm chỉnh, chất lượng nước cà phê robusta của nhiều vườn ở Việt Nam không thua gì arabica. Và để cà phê sạch đến được tay người tiêu dùng, các ngành công thương, nông nghiệp và y tế cần phải kiểm tra, rà soát lại điều kiện vệ sinh đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới