Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lúng túng chuyện thanh toán bằng quyền khai thác ở dự án BT

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lúng túng chuyện thanh toán bằng quyền khai thác ở dự án BT

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Sau hơn 4 tháng thực hiện Nghị định số 69/2019, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi xây dựng các dự án theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) đến nay vẫn còn nhiều bất cập khiến các địa phương lúng túng chưa biết thực hiện ra sao.

Lúng túng chuyện thanh toán bằng quyền khai thác ở dự án BT
Đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi, dự án BT hoàn thành hơn 3 năm nay mà vẫn chưa thanh toán xong- Ảnh: Anh Quân

Tại TPHCM, chính quyền thành phố muốn xây nhà văn hóa thanh niên bằng hình thức BT (thanh toán chi phí đầu tư xây dựng bằng quyền khai thác công trình), có nghĩa là nhà đầu tư sẽ xây một tòa nhà, sau đó nhà nước cho nhà đầu tư sử dụng một phần để kinh doanh thu hồi vốn. Thế nhưng, Nghị định 69/2019 chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thanh toán bằng quyền khai thác. Vì thế, TPHCM xem xét dùng vốn ngân sách 1.453 tỉ đồng để xây nhà văn hóa thanh niên.

Một dự án BT đã thông xe toàn tuyến từ tháng 8-2016 là đường Tân Sơn Nhất  Bình Lợi (nay đổi tên thành đường Phạm Văn Đồng),  đến tháng 7-2019 vẫn chưa giải quyết được khâu thanh toán do những vướng mắc liên quan đến việc định giá đất.

Vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc thanh toán cho nhà đầu tư ở các dự án BT là việc xác định kết quả đấu giá. Trước đây, việc không đấu giá tài sản ở các dự án là kẽ hở, dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước khi thực hiện dự án BT.

Khi Nghị định 69/2019 được ban hành đã đưa vào quy định “giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu”, thế nhưng việc đấu giá dự án cụ thể như thế nào, đấu giá tài sản trước hay đấu giá dự án trước thì chưa có thông tư hướng dẫn nên các địa phương không thực hiện được. Một vấn đề nữa là khi đấu giá dự án thì không thể đấu giá tài sản vì tài sản đã nằm trong dự án nên không thể đấu giá 2 lần. Vì thế, Nghị định 69/2019 có hiệu lực hơn 4 tháng nay nhưng các địa phương vẫn lúng túng chưa biết thực hiện ra sao.

Do còn nhiều vướng mắc trong thực hiện dự án theo hình thức BT, Sở GTVT TPHCM đề xuất lên chính quyền thành phố chuyển đổi nhiều dự án giao thông như quốc lộ 13; quốc lộ 22; quốc lộ 50; nút giao An Phú, quận 2, đầu tư theo hình thức BOT kết hợp BT chuyển sang sử dụng vốn ngân sách.

Về mặt chính sách, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, đầu tư dự án theo hình thức BT là một mô hình không nên khuyến khích, bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ tham nhũng. Việc chuyển các dự án sang đầu tư công để giảm dự án BT là việc nên làm.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, TPHCM nên đưa các lô đất dự tính thanh toán cho nhà đầu tư BT mang bán đấu giá quyền sử dụng đất, sau đó đấu thầu các dự án hạ tầng và chi trả bằng tiền thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất. Khi đấu giá, cần có cơ chế nhằm đưa số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất công vào một quỹ riêng để chi cho đầu tư hạ tầng bằng một tổ chuyên trách để lo việc này. Quá trình bán đấu giá quyền sử dụng đất cũng có rủi ro, tuy nhiên cách làm này có độ minh bạch cao hơn và dễ giám sát hơn việc thực hiện dự án theo phương thức BT.

Mời xem thêm:

Nghị định thanh toán BT, chưa thực hiện đã thấy bất cập

Quy định mới về dự án BT: Tưởng đấu giá mà không phải vậy

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới