Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lúng túng quản lý chất độc hại trong thực phẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lúng túng quản lý chất độc hại trong thực phẩm

Do ngành y tế chưa có quy chuẩn về quản lý chất độc hại trong thực phẩm nên trong thời gian qua đã bị động trong vụ sữa nhiễm melamine – Ảnh minh họa: Hữu Thắng

(TBKTSG Online) – Việc phát hiện sữa có chứa melamine tại Việt Nam một lần nữa lại đặt ra vấn đề về kiểm soát chất lượng thực phẩm. Các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế nên sớm xây dựng bộ quy chuẩn và ban hành thường quy việc quản lý các chất độc hại trong thực phẩm để tránh bị động, lúng túng trong việc công bố, quản lý các chất này.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Sở Y tế TPHCM nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng hiện nay, ngành y tế chỉ mới xây dựng được các tiêu chuẩn VSATTP quy định các chất được phép có trong thực phẩm với hàm lượng nhất định. Còn đối với các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng không được phép tồn tại trong thực phẩm thì chưa có quy định cụ thể.

“Trong ngành thực phẩm, Việt Nam mới chỉ xây dựng được bộ tiêu chuẩn TCVN và tiêu chuẩn bắt buộc đối với đặc thù từng ngành (gọi là tiêu chuẩn ngành) như ngành sữa, đường, bột ngũ cốc, dầu ăn… Các chỉ tiêu về VSATTP này hiện chủ yếu chỉ quy định các đặc tính lý hóa của sản phẩm, vi sinh vật, phụ gia bảo quản, hàm lượng kim loại nặng được phép có mặt trong sản phẩm”.

Theo quy định, một doanh nghiệp muốn nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam phải tuân thủ theo một quy trình. Trước hết, doanh nghiệp phải có giấy phép nhập khẩu cho một sản phẩm đang được lưu hành trên thị trường nước ngoài. Nhà nhập khẩu phải có hồ sơ đầy đủ liên quan đến chất lượng sản phẩm được nước sản xuất cấp.

Sau đó, căn cứ vào các tiêu chuẩn của TCVN và tiêu chuẩn ngành, doanh nghiệp này phải xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm nhập khẩu và nộp lên Cục VSATTP – Bộ Y tế và ngành liên quan. Cục VSATTP sẽ kiểm tra, đối chiếu căn cứ vào bộ tiêu chuẩn TCVN và bộ tiêu chuẩn ngành đối với tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm mà doanh nghiệp nộp lên. Nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chuẩn TCVN và tiêu chuẩn ngành, bộ sẽ cấp phép cho sản phẩm thực phẩm đó lưu hành tại Việt Nam.

Theo ông Hòa, như vậy dựa vào TCVN và bộ tiêu chuẩn ngành thì khó mà phát hiện được các chất độc hại có trong sản phẩm đang lưu hành.  

“Đến nay, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan chưa xây dựng các danh mục các hóa chất độc hại có thể có trong các sản phẩm thực phẩm. Vì vậy, chúng ta luôn bị động, lúng túng trong việc phát hiện, xử lý các chất độc hại trong thực phẩm và Việt Nam luôn đi sau các nước khác trong việc phát hiện, cảnh báo các chất độc hại này”, ông Hòa nói.

Những bất cập trên được minh chứng trong câu chuyện nước tương và dầu hào có chất 3-MCPD ở mức nguy hại đã được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2001.

Bẵng một thời gian, đến năm 2007 nó lại bùng lên khi Cục VSATTP – Bộ Y tế Việt Nam nhận được thông báo vào ngày 3-4-2007 từ hệ thống cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) của Ủy ban An toàn thực phẩm Liên minh châu Âu về việc phát hiện lô hàng nước tương nhãn hiệu Chinsu được nhập khẩu vào thị trường Phần Lan do Công ty Vitecfood sản xuất với số lượng 678kg có chứa thành phần 3-MCPD (chất có thể gây bệnh ung thư) rất cao: 9,4mg/kg.

Trước đó, chất 3-MCPD được phát hiện nhiều lần tại Việt Nam từ cuối năm 2001 theo các khuyến cáo tương tự của RASFF. Tuy nhiên, mãi đến tháng 3-2005, Bộ Y tế mới ban hành quy định hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, dầu hào, xì dầu không được vượt quá mức 1mg/kg và yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu nước tương, xì dầu, dầu hào phải xuất trình các bằng chứng chứng minh sản phẩm không chứa 3-MCPD theo tiêu chuẩn mà bộ đã ban hành.

Tương tự, vụ sữa chứa độc tố melamine được phát hiện tại Việt Nam sau khi hàng ngàn trẻ em Trung Quốc bị sạn thận do độc tố melamine trong sữa gây nên. Trước khi các ngành chức năng phát hiện sữa YiLi của Trung Quốc nhập vào Việt Nam có chất melamine, một đại diện của Bộ Y tế cũng khẳng định không phát hiện có sữa chứa melamine tại Việt Nam.

Do thiếu bộ quy chuẩn quản lý chất độc trong thực phẩm, các viện nghiên cứu, phân tích cũng gặp khó khăn trong việc xét nghiệm melamine.

Ông Nguyễn Văn Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng cũng cho biết hiện Bộ Y tế chưa có quy định nào về việc xét nghiệm các hóa chất độc hại nằm ngoài danh mục bắt buộc theo bộ tiêu chuẩn TCVN. Do vậy, các viện từ trước tới nay chỉ thực hiện việc phân tích mẫu theo tiêu chuẩn TCVN và hầu như không chuẩn bị trang thiết bị cho việc phân tích các chất độc hại nằm ngoài danh mục này. “Hiện tại, viện chúng tôi chỉ có 3 máy để đo kiểm melamine và phải gồng mình để thực hiện hàng trăm mẫu xét nghiệm mỗi ngày”, ông Mai nói.

Vì vậy, để tránh bị động trong việc quản lý các chất độc hại, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng VSATTP – Sở Y tế TPHCM kiến nghị bộ nên sớm xây dựng danh mục quản lý, tầm soát các hóa chất độc hại có thể có trong thực phẩm. Chuyên gia này cũng đề xuất bổ sung ngay chất melamine vào trong kiểm định chất lượng sữa trong thời gian tới.

THU HIỀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới