Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lượng dầu dư thừa khổng lồ trong đại dịch Covid-19 đã được tiêu thụ gần hết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lượng dầu dư thừa khổng lồ trong đại dịch Covid-19 đã được tiêu thụ gần hết

Khánh Lan

(KTSG Online) – Lượng dầu thô dư thừa lớn chưa từng có tiền lệ có ở các kho dự trữ trên toàn cầu trong giai đoạn cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã được tiêu thụ gần hết, tạo nền tảng vững chắc hơn cho đà phục hồi giá dầu, giúp giải cứu các nhà sản xuất nhưng lại gây tốn kém thêm cho người tiêu dùng.

Lượng dầu dư thừa khổng lồ trong đại dịch Covid-19 đã được tiêu thụ gần hết
Các bồn chứa dầu ở một trung tâm lưu trữ dầu thô ở Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Lượng dầu dư thừa suy giảm nhanh

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), có trụ sở ở Paris (Pháp), tính đến tháng 2-2021, lượng dầu dư thừa tích trữ ở các kho chứa dầu tại các các nền kinh tế phát triển trong thời kỳ ban đầu của đại dịch Covid-19 khi nhu cầu sụp đổ đã giảm đến 80%. Kể từ đó, lượng dầu dư thừa ít ỏi còn lại dần biến mất khi nguồn cung tích trữ ở các tàu chở dầu trên biển lao dốc và một kho cảng dầu lớn ở Nam Phi cũng đang cạn kiệt.

Sự tái cân bằng cung cầu trên thị trường dầu diễn ra khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (hay còn gọi là nhóm OPEC+) nhất trí thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục hồi năm ngoái và đà phục hồi kinh tế toàn cầu đang kích thích nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Các diễn biến tích cực đó đã  thúc đẩy giá dầu thô Brent tại thị trường London bật dậy và đang mức gần 67 đô la Mỹ/thùng.

Ed Morse, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Citigroup, cho biết: “Tồn kho dầu thương mại trên toàn OECD đã giảm xuống mức trung bình 5 năm. Phần dầu dư thừa còn lại chủ yếu tập trung ở Trung Quốc”. Một lượng dầu dư thừa đáng kể dường như vẫn còn nằm trên các tàu chở dầu ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc dù số dầu này có thể được tích lũy để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu mới ở nước này, theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit.

Việc giải quyết phần phần dầu dư thừa còn lại trên toàn cầu có thể mất thêm thời gian vì nhóm OPEC + đang khôi phục một số nguồn cung bị tạm dừng và cơn bùng phát dịch Covid-19 mới ở Ấn Độ và Brazil đe dọa nhu cầu.
Tuy nhiên, viễn cảnh chấm dứt tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu dường như đã nằm trong tầm mắt.

Theo ước tính của IEA, vào tháng 2-2021, lượng dầu tồn kho ở các nền kinh tế phát triển chỉ cao hơn 57 triệu thùng so với mức tồn kho trung bình trong giai đoạn 2015-2019, giảm mạnh so với mức chênh lệch đỉnh điểm 249 triệu thùng vào tháng 7-2020.

Đó là một sự thay đổi ngoạn mục so với một năm trước, khi các lệnh phong tỏa khiến nhu cầu nhiên liệu của thế giới giảm 20% và lúc đó, Gunvor Group, một trong những công ty giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới, lo ngại rằng công suất lưu trữ dầu của thế giới sẽ sớm cạn kiệt.

Tồn kho dầu của Mỹ giảm về mức trước đại dịch

Tại Mỹ, lượng dầu tồn kho cũng đã tiêu hao đáng kể. Cuối tháng 2, tổng lượng dầu thô và các sản phẩm dầu tồn kho ở nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm xuống còn 1,28 tỉ thùng, tương đương với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 ập đến Mỹ. Kể từ đó, tồn kho dầu và các sản phẩm dầu của Mỹ vẫn lơ lửng ở mức này, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Tuần trước, lượng dầu tồn kho ở Bờ Đông của nước Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất 30 năm qua.

Mercedes McKay, nhà phân tích cấp cao của Công ty nghiên cứu thị trường năng lượng FGE, nói: “Chúng tôi đang bắt đầu nhận thấy các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đẩy mạnh công suất hoạt động. Điều này có thể giúp rút bớt lượng dầu ở các kho dự trữ”.

Lượng dầu dư thừa ở hệ thống dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia Mỹ với nhiều hang động thuộc mỏ muối được sử dụng để dự trữ dầu cho nhu cầu khẩn cấp, cũng đang suy giảm. Năm ngoái, các nhà kinh doanh dầu mỏ và công ty dầu mỏ được chính phủ Mỹ cho phép tạm cất giữ dầu dư thừa ở các hang muối này. Nhưng trong những tháng gần đây, họ đã lặng lẽ chuyển khoảng 21 triệu thùng khỏi các hang muối, theo các nguồn tin nắm rõ vấn đề này.

Tồn kho dầu thô ở các vùng biển trên thế giới cũng đang giảm dần. Theo IHS Markit, các tàu chở dầu đã bị biến thành kho nổi tạm thời khi các kho dự trữ dầu trên bờ cạn kiệt công suất vào năm ngoái. Tuy nhiên, lượng dầu tồn kho trên các tàu chở dầu cũng đang giảm xuống.

Hai nhà phân tích của HIS Market, Yen Ling Song và Fotios Katsoulas ước tính rằng dầu thô tích trữ trên các tàu chở dầu đã giảm khoảng 27% trong 2 tuần qua, xuống còn 50,7 triệu thùng, mức thấp nhất trong 1 năm. Trong khi đó, các bồn chứa dầu tại trung tâm kho cảng dầu ở Vịnh Saldanha thuộc bờ biển phía tây Nam Phi cũng đang được rút cạn dần.

Đây là một vị trí lưu trữ dầu yêu thích đối với các công ty kinh doanh dầu, cho phép họ linh hoạt trong việc gửi dầu nhanh chóng đến các thị trường nằm ở các khu vực địa lý khác nhau. Theo dữ liệu của Bloomberg, lượng dầu tại kho cảng dầu này ước tính đã giảm xuống mức 24,5 triệu thùng, thấp nhất trong 1 năm qua.

Đối với các nước phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và người tiêu dùng, lượng dầu tồn kho giảm xuống trên toàn cầu không phải là tin vui. Các tài xế ở bang California (Mỹ) đang đối mặt với với việc trả gần 4 đô la cho mỗi gallon (3,78 lít) xăng. Ấn Độ, một trong những nước nhập khẩu dầu lớn, đang lo lắng vì gánh nặng tài chính tăng lên khi giá dầu phục hồi mạnh mẽ.

Theo dự đoán của Citigroup, khi nhu cầu tiếp tục tăng lên, tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm với tốc độ 2,2 triệu thùng / ngày trong nửa cuối năm này, có thể đẩy giá dầu thô Brent ở thị trường London  lên 74 đô la / thùng hoặc thậm chí cao hơn.

Đối với nhóm OPEC +, sự suy giảm lượng dầu dư thừa trên toàn cầu đã chứng minh cho tính đúng đắn của chiến lược táo bạo mà họ đã áp dụng cách đây 1 năm. Họ đã cắt giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng /ngày vào tháng 4 năm ngoái, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, và giờ đây, họ đang trong quá trình khôi phục dần một số sản lượng dầu bị cắt giảm.

OPEC nhiều lần khẳng định rằng mục tiêu chính của họ là bình ổn lượng dầu tồn kho phình to nhanh chóng vào năm ngoái. Nhưng vẫn chưa rõ OPEC có khôi phục hoàn toàn sản lượng dầu khi khi đạt mục tiêu đó hay không.
Trong quá khứ, sức hấp dẫn của giá dầu ở mức cao đã khuyến khích OPEC duy trì thắt chặt hoạt động sản xuất ngay cả khi đã đạt mục tiêu bình ổn lượng dầu tồn kho trên toàn cầu.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới