Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lương khu vực FDI sẽ tăng 15%/năm trong hai năm tới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lương khu vực FDI sẽ tăng 15%/năm trong hai năm tới

Thanh Thương thực hiện

ông Phạm Minh Huân

(TBKTSG Online) – Đa phần các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dựa vào lương tối thiểu để tính mức lương trả cho người lao động. Nhiều ý kiến cho rằng cách tính này khiến tiền lương người lao động được hưởng quá thấp. TBKTSG Online đã trao đổi thêm với ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội.

TBKTSG Online: Thưa ông, ông nghĩ sao khi các doanh nghiệp FDI trả lương cho người lao động chỉ cao hơn 7% so với lương tối thiểu, tức chỉ hơn 1,43 triệu đồng/tháng đối với lao động vùng 1, một mức mà nhiều ý kiến cho rằng quá thấp?

Ông Phạm Minh Huân: Đúng là có hiện tượng một số doanh nghiệp trả lương khá thấp, nhưng thêm vào đó họ trả nhiều phụ cấp khác, mục đích là để giảm bớt các khoản đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy thu nhập bình quân của người lao động trong nhiều doanh nghiệp FDI chắc chắn cao hơn mức 1,43 triệu đồng vừa nói.

Năm 2009 và năm nay, do khủng hoảng nên mức lương tối thiểu tăng chưa nhiều do lo ngại doanh nghiệp phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, nếu buộc tăng lương nữa thì còn phải gánh nặng hơn.

Tuy vậy, nhìn vào bình diện chung thì thu nhập của nhiều lao động vẫn còn thấp nên bộ đã đưa ra lộ trình tăng lương cho khu vực FDI trong thời gian tới. Cụ thể là trong 2 năm kế tiếp, mức tăng sẽ vào khoảng 15%/năm. Như trong năm sau là mức lương tối thiểu của doanh nghiệp FDI vùng 1 sẽ có thể điều chỉnh tăng lên mức từ 1,5 đến 1,6 triệu đồng/tháng.

Nhưng mức lương tăng không đủ bù lạm phát khiến cuộc sống người lao động vẫn gặp khó khăn?

– Tuy là rất muốn tăng lương để bảo đảm cuộc sống cho người lao động, nhưng về bản chất, lương là sự thỏa thuận giữa 2 bên, người lao động và người sử dụng lao động. Thực ra nhà nước cũng phải đứng giữa 2 nhóm lợi ích này để đưa ra quyết định.

Nếu tăng lương quá cao thì các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ có ý kiến, vì nếu lương tăng cao làm tăng chi phí thì nhiều doanh nghiệp sẽ không đầu tư vào Việt Nam. Điều này cũng sẽ khó cho nhà nước trong chính sách thu hút đầu tư để tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động. Còn mức lương tối thiểu nhà nước đưa ra chỉ để đảm bảo quyền lợi cho nhóm lao động yếu thế nhất.

Việc tăng lương tối thiểu phải thực hiện từ từ, theo lộ trình để doanh nghiệp không bị bất ngờ, bị động. Song, tôi nhấn mạnh rằng đây là việc doanh nghiệp và người lao động phải chủ động, không nên dựa vào lương tối thiểu để trả lương.

Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu của doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang thấp hơn doanh nghiệp FDI theo vùng là khoảng hơn 30%, nên nếu tăng lương tối thiểu của doanh nghiệp FDI quá cao thì mức lương của doanh nghiệp nhà nước khó tăng tương ứng. Trong khi theo lộ trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì đến năm 2012 mức lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI phải bằng nhau.

Như ông nói thì theo lộ trình là sẽ phải tăng lương của khu vực doanh nghiệp nhà nước lên cao bằng doanh nghiệp FDI trong năm 2012. Như vậy mức lương của khu vực hành chính sự nghiệp có tăng không vì hiện tại mức lương của nhóm này đang nằm ở vị trí thấp nhất, bằng với lương tối thiểu của vùng 4, tức là 730.000 đồng/tháng?

– Hiện tại thì tôi không có ý kiến về việc này, vì mức lương của khu vực hành chính sự nghiệp là phụ thuộc ngân sách nhà nước. Trong khi tình hình bội chi ngân sách vẫn đang ngày càng tăng lên như hiện nay thì việc tăng nhanh mức lương tối thiểu cho nhóm này là không dễ.

Để lương của doanh nghiệp nhà nước tăng mà không ảnh hưởng đến ngân sách thì bộ cũng đang đề xuất tách mức lương tối thiểu của doanh nghiệp nhà nước ra khỏi mức lương tối thiểu của khu vực hành chính sự nghiệp. Tức là doanh nghiệp nhà nước cũng giống như doanh nghiệp FDI phải xây dựng thang bảng lương, quy định khung lương cho các vị trí lao động ở doanh nghiệp mình. Bộ đang cho thí điểm trong các tập đoàn nhà nước về việc này. Tuy vậy để thay đổi một cơ chế đã tồn tại từ rất lâu là một vấn đề nan giải đối với ngành lao động.

Thưa ông, hiện tại, mức lương tối thiểu đã phân theo 4 vùng, tuy vậy nhiều tỉnh đang có ý kiến đề nghị phân lại vùng cho phù hợp. Vì các tỉnh dù có vùng kinh tế trọng điểm, doanh nghiệp FDI nhiều, trả lương cho người lao động cao, giá cả cũng không rẻ hơn TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai, hay Bà Rịa Vũng Tàu, vẫn nằm trong vùng 2. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

– Việc phân mức lương tối thiểu vùng chủ yếu dựa theo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của từng vùng, chỉ số giá tiêu dùng, mức chi tiêu dân cư bình quân, tỷ lệ hộ nghèo, quy mô doanh nghiệp, mặt bằng tiền công, tiền lương của từng khu vực. Vùng có mức lương cao nhất là vùng 1, chủ yếu là ở TPHCM và Hà Nội, vùng có mức lương thấp nhất là vùng 4 gồm các khu vực vùng sâu vùng xa. Việc này cũng vừa được thực hiện từ đầu năm 2009 nên khó tránh khỏi những sai sót. Hiện bộ cũng đã nhận được đề nghị của các tỉnh nhưng bộ cũng có ý kiến lại là các tỉnh nên họp, lấy ý kiến của doanh nghiệp, để thống nhất các tiêu chí, và đề xuất phân vùng cho phù hợp.

Bên cạnh đó, chủ trương bộ chỉ đưa ra mức lương tối thiểu chung, còn từng tỉnh xem xét và phân vùng thì cũng rất khó. Vì khi đó bộ sẽ không có một hệ thống chung để quản lý mà doanh nghiệp cũng sẽ có sự so sánh giữa các tỉnh. Hiện tại thì mỗi năm bộ đều họp vào tháng 6 để quyết định mức tăng lương từng vùng cho năm sau nên các tỉnh có ý kiến vào thời điểm này là kịp thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới