Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lượng người mua sắm trực tuyến ở ASEAN tăng vọt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lượng người mua sắm trực tuyến ở ASEAN tăng vọt

Ricky Hồ – Lê Hiếu

(TBKTSG Online) – Số người mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đạt 310 triệu người vào cuối năm nay – cột mốc mà các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ đạt vào năm 2025.

Lượng người mua sắm trực tuyến ở ASEAN tăng vọt
Mức chi tiêu cho mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á chiếm 5% doanh thu bán lẻ, vượt con số 4% ở Ấn Độ. Ảnh minh họa: Bloomberg

Chi tiêu trực tuyến tăng vọt bắt nguồn từ giãn cách xã hội

Facebook và hãng tư vấn Bain & Co đã tiến hành khảo sát 16.500 người tiêu dùng mua sắm trên mạng ở 6 quốc gia Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Bản báo cáo mới nhất của hai công ty này nhận định rằng: “Sự tăng vọt trong chi tiêu trực tuyến là do các biện pháp giãn cách xã hội, người dân buộc phải ở nhà”.

Con số 310 triệu "người tiêu dùng số” (digital consumers) đồng nghĩa với 70% dân số trên 15 tuổi của khu vực sẽ số hóa thói quen tiêu dùng của mình vào cuối năm nay, chi tiêu trực tuyến trung bình của mỗi người sẽ tăng gấp ba lần con số của năm 2019 và đạt 429 đô la Mỹ vào năm 2025. Praneeth Yendamuri, một đối tác tại Bain, phát biểu: “Lượng người tiêu dùng kỹ thuật số tại Đông Nam Á đã tăng đáng kể và xu hướng tiêu dùng của họ sẽ định hình các tiêu chuẩn trong tương lai”.

Nghiên cứu trên của Bain và Facebook cho thấy lượng chi tiêu trực tuyến của Đông Nam Á hiện chiếm 5% tỷ lệ của tổng thị trường bán lẻ, vượt qua con số 4% của Ấn Độ. Thêm vào đó, tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử của khu vực đã tăng 23% mỗi năm từ năm 2018 đến 2020, nhanh hơn Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ trong cùng thời điểm. Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội đã giảm nhẹ, cho phép người dân được đi lại bên ngoài, nhưng tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến của khu vực vẫn được dự kiến sẽ đạt 53 tỉ đô la trong năm nay trước khi tăng gấp 3 lần vào năm 2025, đạt 147 tỉ đô la.

Sandhya Devanathan, giám đốc điều hành mảng trò chơi điện tử của Facebook tại Châu Á – Thái Bình Dương, phát biểu rằng: “Những gì chúng ta đang thấy là Đông Nam Á đang tự lực vươn lên. Nếu thập kỷ trước là thúc đẩy người tiêu dùng lên mạng mua sắm, thì thập kỷ tiếp theo sẽ là thuyết phục họ tiếp tục chi tiền mua sắm trực tuyến”.

Các công ty công nghệ tài chính (fintech) cùng ví điện tử tiến về nông thôn khu vực Đông Nam Á với các khoản vay nhỏ và siêu nhỏ, các sản phẩm tài chính và bảo hiểm khác. Ảnh: Nikkei Asian Review

Cư dân Đông Nam Á đang ưa chuộng kênh trực tuyến

Bản báo cáo của Facebook và Bain đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý. Trong đó, người tiêu dùng Đông Nam Á đang mua sắm trực tuyến nhiều hơn, đặc biệt là hàng tạp hóa và thực phẩm, với 43% trong số người tham gia khảo sát cho biết, bây giờ họ đã chuyển sang mua hàng tạp hóa đóng gói thông qua các dịch vụ thương mại điện tử.

Khoảng 62% số người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ thích sử dụng các kênh trực tuyến như mạng xã hội, video ngắn và nhắn tin để tìm hiểu về các sản phẩm và thương hiệu mới. Đáng chú ý, ví điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi hơn, với 22% của người tiêu dùng nói rằng đây là hình thức thanh toán ưa thích hiện tại của họ. Mức này cao hơn con số 14% vào năm 2019.

Một trong những yếu tố giúp gia tăng lượng người tiêu dùng số tại Đông Nam Á chính là dự báo kinh tế của khu vực này sẽ hồi phục vào giữa năm 2021, sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong thập kỷ tới, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với thị trường tiêu dùng trị giá khoảng 4.000 tỉ đô la. Dù mỗi thị trường sẽ phát triển khác nhau, nhưng mọi quốc gia trong khu vực sẽ đều có thể tiếp cận với những cơ hội tăng trưởng phong phú.

“Tương lai ngành tiêu dùng tại thị trường tiêu thụ phát triển nhanh” là một dự án kết hợp của Bain & Company, tập trung vào các thị trường đang nổi lên, chiếm 40% dân số toàn cầu. Sau khi nghiên cứu Trung Quốc vào năm 2017, Ấn Độ vào năm 2018, dự án tập trung nghiên cứu ASEAN vào năm 2019-2020. Lúc này, khu vực ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về y tế, kinh tế và an sinh xã hội do ảnh hưởng của Covid-19. Trong báo cáo công bố vào tháng 5 vừa rồi của Bain & Co, đa số các vị giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) trong khu vực được Bain hỏi ý kiến (vào tháng 4-2020) đã dự đoán những khó khăn có liên quan đến Covid-19 sẽ còn kéo dài suốt quí 3 và quí 4-2020, sau đó các nền kinh tế sẽ phục hồi vào giữa 2021.

Tám xu hướng mua sắm hậu Covid-19 đến năm 2030

1/ Chi tiêu mua sắm sẽ tăng gấp đôi, do sự bùng nổ của giới trung lưu ASEAN – chiếm đến 70% dân số
2/ Hàng đắt tiền, hàng xa xỉ không còn được khao khát như trước.
3/ Công nghệ và smartphone trở nên phổ biến hơn: số giờ trung bình sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) là 4,2 giờ mỗi ngày, trong khi giới trẻ sử dụng đến 5 giờ mỗi ngày.
4/ Công nghệ sẽ phá bỏ bức tường kinh tế – xã hội: tỷ lệ xài công nghệ tăng 3 lần, ví điện tử trở nên phổ biến.
5/ Cạnh tranh nội địa và trong khu vực sẽ xảy ra: đa số người tiêu dùng sử dụng hàng nội địa, sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
6/ Người tiêu dùng sẽ tìm kiếm nhiều kênh để mua sắm tại mọi địa điểm: người lớn tuổi cũng mua sắm trên mạng, mọi lứa tuổi thích sự tiện lợi của giao hàng tận nhà.
7/ Sự tiện dụng sẽ trở thành thế mạnh cạnh tranh: tiền mặt ít được sử dụng, các siêu ứng dụng đa dịch vụ và công nghệ tài chính có cơ hội phát triển vượt bậc.
8/ Không thể đánh đổi sự bền vững: Theo nghiên cứu về người tiêu dùng ngoại tuyến của Bain, 80% người tiêu dùng ASEAN cho biết họ coi trọng tính bền vững và đã thay đổi lối sống theo hướng thân thiện với môi trường hơn.


Theo Bloomberg, Nikkei Asean Review

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới