Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lương thấp, khó yêu cầu chất lượng cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lương thấp, khó yêu cầu chất lượng cao

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Giáo dục là vấn đề nóng, liên quan tới hàng triệu hộ gia đình Việt Nam. Nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội đã được gửi tới lãnh đạo của ngành giáo dục, đặc biệt liên quan tới chất lượng giáo dục đại học, giáo dục mầm non.

Lương thấp, khó yêu cầu chất lượng cao
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Sáng nay 6-6, Quốc hội đã có phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ các vấn đề liên quan tới thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

3 tỉ đô la chảy ra ngước ngoài mỗi năm

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho hay, hiện nay đang có hiện tượng gửi con em đi học ở nước ngoài, trong đó có cả học bổng, có cả tự túc với chi phí rất cao, khoảng 400-500 triệu đồng/năm. Trong khi đó nhiều trường đại học trong nước không tuyển sinh được. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này và giải pháp mà Bộ đưa ra để tăng cường chất lượng giáo dục trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng liên quan tới vấn đề đào tạo, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho hay, hiện có hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm. Dù con số này không lớn nhưng là sự lãng phí rất lớn tới nguồn lực xã hội. Điều này cũng cho thấy chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Nhạ thừa nhận, xu hướng gửi con theo học trường đại học ở các nước phát triển là có thật, nhằm tận dụng được nền giáo dục tiên tiến hơn. Hàng năm, theo con số không chính thức, tổng chi phí du học của các em, gồm cả du học tự túc và học bổng khoảng 3 tỉ đô la mỗi năm. Đây là nguồn lực rất lớn, làm sao để các em không phải ra nước ngoài mới có thể tiếp thu được nền giáo dục tốt.

Hiện nay, đầu tư cho giáo dục chiếm khoảng 20% ngân sách. Điều này thể hiện sự quan tâm của nhà nước trong lĩnh vực này. Nhưng số tuyệt đối lại không nhiều. Do đó, vai trò đóng góp của cả xã hội là rất lớn. Chính phủ đã có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho giáo dục, trong đó có doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư cho giáo dục, trong đó tập trung vào chất lượng, thông qua chương trình tốt, chuẩn quốc tế, nhập khẩu chương trình từ nước ngoài. Điều này sẽ giúp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Nếu làm được như vậy thì sẽ giúp các người học có thể ở gần gia đình, việc kết nối gia đình, văn hoá cũng sẽ tốt hơn.

Về hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, theo ông Nhạ, cái gốc của vấn đề chính là chất lượng. Do đó, giải pháp đưa ra là phải nâng cao chất lượng, đào tạo theo địa chỉ.

“Vừa rồi, chúng tôi đã có ban hành quyết định tạo quy chế cho ngành công nghệ thông tin và du lịch, được đào tạo gắn với thị trường lao động. Mở rộng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo”, ông Nhạ nói.

Trách nhiệm của Bộ GDĐT là từng bước phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nhà trường. Còn các trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở khoa, tuyển sinh, họ phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình đào tạo ra.

Lương thấp, khó có chất lượng cao

Giáo dục đại học cũng được các đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), bà rất băn khoăn về chất lượng giáo dục đại học. Đây cũng là điểm yếu được Bộ thừa nhận là chất lượng giáo dục đại học không cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng hạn chế. Thực tế, Việt Nam có gần 300 trường đại học, thì chỉ 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. Đánh của Bộ Trưởng về vấn đề này? Nền giáo dục đại học của Việt Nam đang đứng ở đâu trong khu vực châu Á và giải pháp nào để nâng cao vị trí xếp hạng?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ cho hay: “Nói chung chất lượng giáo dục đại học của chúng ta chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu của cuộc CMCN 4.0”

Về nguyên nhân, theo ông Nhạ, chủ yếu bắt nguồn từ nội tại của ngành. Trước hết chương trình đào tạo chưa thực sự sát với thị trường, chủ yếu do các thầy các cô xây dựng dựa trên hiểu biết và tính toán của mình mà chưa phải nghiên cứu, xây dựng theo thực tế thị trường.

Giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính đối với giáo dục đại học đều có vấn đề. So sánh các nước mà Bộ GDĐT nghiên cứu tại các trường đại học của các nước trong khu vực, nhìn chung tỉ lệ tiến sĩ trên tổng giảng viên rất cao, cỡ 40-50%, thậm chí 70% nhưng ở Việt Nam chưa được 23% trên toàn ngành.

Cơ sở vật chất của phần lớn các trường đại học của chúng ta chưa đủ điều kiện cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nâng cao và nghiên cứu.

Về tài chính cũng thấp, suất học phí mỗi năm bình quân cho mỗi sinh viên của Việt Nam là 630 đô la, trong đó những ngành tương tự  tại Mỹ là 19.000 đô la, New Zealand, Úc là 17.000 đô la, hay nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc cũng 3.500 đô la.  “Như vậy, chi phí thấp thì chất lượng giáo dục đại học khó mong đợi cao được”, ông Nhạ nói.

Về giải pháp, sắp tới, Bộ sẽ không thực hiện đầu tư bình quân, dàn trải mà có phân loại những trường chất lượng cao. Còn những trường chất lượng thấp, thậm chí có thể xem xét sáp nhập, giải thể.

Không hiểu giáo dục mầm non tốt ở chỗ nào?

Vấn đề giáo dục mầm non cũng gây bức xúc các đại biểu khi gần đây báo chí và xã hội đã phát hiện những vụ bạo hành trẻ em, những người không có khả năng tự vệ và tâm lý yếu ớt.

Nhưng đây lại được coi là điểm sáng của ngành giáo dục. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, nền giáo dục Việt Nam đang ở giai đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ và có kết quả. Ví dụ đối với giáo dục mầm non, đã phổ cập mần non 3 tuổi. Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ, toàn dân. So với các nước trong khu vực, chúng ta được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, ông Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho hay, giáo dục mầm non đang nóng, quy mô phát triển không đồng đều ở các vùng miền; chất lượng giáo dục mầm non chưa ổn định; mạng lưới giáo dục chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non thấp nhất trong ngành; cơ sở vật chất, giáo viên, công tác quản lý không đáp ứng được yêu cầu; trong tỉ lệ chi cho giáo dục mầm non thì nhà nước chỉ chi 39%, gia đình là 61%. Điều này cho thấy khi các cháu vào học mầm non đóng góp cao nhất trong số các lĩnh vực khác.

“Mà như vậy, lĩnh vực mầm non lại được Bộ đánh giá cao và coi đây như là thành tích của mình. Tôi cũng không hiểu. Chúng ta cũng chưa có đề án gì cho mầm non, những bất cập, bức xúc của xã hội với mầm non là rất lớn. Tôi mong rằng Bộ trưởng nên xem xét và có biện pháp cho vấn đề này.”, ông Phong nói.

Ông Nhạ thừa nhận, giáo dục mần non đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Chúng ta có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non;  337.000 giáo viên mầm non. Trong đó, cơ bản họ là giào viên yêu trẻ, tâm huyết, nhưng đâu đó vẫn xuất hiện tình trạng bạo hành.

Giải pháp mà ông Nhạ đưa ra là giáo viên mầm non phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên, nâng cấp cơ sở hạ tầng trường lớp và cùng với đó là chế độ đãi ngộ hợp lý.

Lương của giáo viên mầm non mới ra trường chỉ khoảng 2,4 triệu đồng nên các cô gặp nhiều khó khăn.

Mời đọc thêm:

Giáo dục đại học: Đổi mới để thích ứng sức ép tài chính

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới