Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lượng tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ của Mỹ giảm kỷ lục

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ của Mỹ giảm kỷ lục sau sự cú sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), theo dữ liệu do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm 24-3.

Các cơ quan quản lý ở Mỹ đang theo dõi chặt chẽ sức khỏe của ngân hàng First Republic Bank và sẵn sàng hành động nếu tình hình chuyển biến bất ngờ. Ảnh: Reuters

Lượng tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ, được định nghĩa là những tổ chức tài chính không nằm trong danh sách 25 ngân hàng lớn nhất Mỹ, giảm 119 tỉ đô la xuống còn 5,46 nghìn tỉ đô la trong tuần kết thúc vào ngày 15-3. Mức giảm này cao gấp đôi so với mức giảm kỷ lục trước đó được thiết lập vào tuần giữa tháng 3- 2007.

Lượng tiền vay của các ngân hàng nhỏ cũng tăng thêm 253 tỉ đô, lên mức kỷ lục 669,6 tỉ đô la trong tuần sau khi SVB sụp đổ.

“Kết quả là các ngân hàng nhỏ có thêm 97 tỉ đô la tiền mặt trong tay trong tuần đó. Điều này cho thấy một số khoản vay của họ là nhằm  củng cố lượng tiền dự trữ như một biện pháp phòng ngừa trong trường hợp khách hàng đổ xô rút tiền”, nhà phân tích Paul Ashworth của Công ty tư vấn Capital Economics, nói

Trong cùng kỳ, các ngân hàng lớn ở Mỹ nhận được thêm 67 tỉ đô la, nâng tổng số dư tiền gửi của họ lê mức 10,74 nghìn tỉ đô la.

Nhìn chung, trong năm qua, các ngân hàng ở Mỹ chứng kiến dòng tiền gửi bị rút ra đều đặn khi khách hàng muốn tìm kiếm lợi suất cao hơn ở những tài sản khác. Khi mối lo ngại về hệ thống ngân hàng bắt đầu lan nhanh, lượng tiền gửi cũng bị rút mạnh hơn. Nhiều khách hàng rút tiền để rót vào các quỹ thị trường tiền tệ, chuyên đầu tư vào các tài sản an toàn bao gồm trái phiếu chính phủ Mỹ. Trong tuần kết thúc vào ngày 22-3, có hơn 117 tỉ đô la được rót vào các quỹ này, theo dữ liệu của Investment Company Institute.

Cơn hoảng loạn lan rộng khắp cộng đồng khởi nghiệp liên quan đến về tình hình tài chính bất ổn của SVB, một nhà băng chuyên phục vụ các công ty công nghệ non trẻ, đã thúc đẩy làn sóng rút tiền khỏi SVB. Do không đáp ứng được nhu cầu rút tiền nhanh chóng và ồ ạt với quy mô hàng chục tỉ đô la chỉ trong vài giờ, ngân hàng SVB đã sụp đổ.

Tại một hội nghị ngân hàng vào đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng tất cả người gửi tiền ở các ngân hàng nhỏ có thể được bảo vệ đầy đủ giống như cách mà giới chức trách đã bảo toàn tất cả tiền gửi của ở hai ngân hàng đã sụp đổ là SVB và Signature Bank (SB). Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, tại cuộc điều trần trước thượng viện Mỹ, bà loại trừ khả năng bảo vệ tiền gửi không được hiểm ở các ngân hàng. Theo quy định hiện tại, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) chỉ bảo hiểm số tiền gửi ở ngân hàng cho mỗi khách hàng không vượt quá 250.000 đô la. Phần tiền gửi vượt quá ngưỡng này sẽ không được bảo hiểm. Trong trường hợp của SVB và SB, giới chức trách đã can thiệp để bảo vệ cả phần tiền gửi không được bảo hiểm

Giới chức trách Mỹ đang xem xét mở rộng chương trình cho vay khẩn cấp để cho phép các ngân hàng đang gặp bất ổn chẳng hạn First Republic Bank (FRB) có thêm thời gian để củng cố bảng cân đối kế toán. Có khoảng 55% lượng tiền gửi ở nhà băng này không nằm trong phạm vi được bảo hiểm.

Cổ phiếu của FRB đã giảm hơn 90% trong tháng này giữa mối lo ngại nó có thể trở thành nạn nhân gục ngã  tiếp theo từ đòn lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Trong khi làn sóng rút tiền buộc ngân hàng SVB phải bán lỗ trái phiếu chính phủ Mỹ để củng cố thanh khoản, FRB cho đến nay vẫn chưa hành động tương tự. Mới đây, một nhóm ngân hàng lớn nhất ở Phố Wall đã chung tay giải cứu FRB bằng cách gửi 30 tỉ đô la vào ngân hàng này.

Theo các nguồn thạo tin, giới chức trách Mỹ vẫn đang theo dõi chặt chẽ sức khỏe của FRB và sẵn sàng hành động nếu tình hình chuyển biến bất ngờ. Họ đánh giá dòng tiền gửi ở FRB đã ổn định lại và không dễ bị rút đột ngột và nhanh chóng giống như những gì đã xảy ra ở SVB, khiến họ phải can thiệp và tiếp quản.

Sau cuộc họp của Hội đồng Giám sát ổn định tài chính liên bang hôm 24-3, Bộ Tài chính Mỹ ra tuyên bố cho hay dù một số ngân hàng đang căng thẳng, hệ thống tài chính tổng thể của Mỹ vẫn vững mạnh.

FRB đang tìm kiếm giải pháp bao gồm huy động thêm nguồn vốn để duy trì hoạt động hoăc chấp nhận sáp nhập vào một ngân hàng ổn định hơn. Nếu không thể làm như vậy, có nguy cơ cơ quan quản lý sẽ tiếp quản FRB tương tự như cách đã làm với SVB và SB, các nguồn tin cho biết.

 Theo CNN, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới