Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lường trước khó khăn từ FTA để chuẩn bị phương án đối phó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lường trước khó khăn từ FTA để chuẩn bị phương án đối phó

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Bên cạnh những cơ hội và sự thuận lợi trong giao thương đến từ việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cũng có không ít khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nhìn trước những nguy cơ, khó khăn để có những chiến lược và nguồn lực, giải pháp thích ứng để tồn tại.

Lường trước khó khăn từ FTA để chuẩn bị phương án đối phó
Bà Đinh Ánh Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế tại buổi tọa đàm. Ảnh: Vân Ly

Đó là một phần nội dung của cuộc tọa đàm “5 năm tới cơ hội và thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức vào ngày 8-12.

Tại tọa đàm, bà Đinh Ánh Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay tính đến nay Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia, ngoài ra có 2 FTA khác hiện đang trong quá trình đàm phán.

Bà Tuyết cho rằng, việc tham gia vào các FTA mới giúp cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan để hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bà cũng dẫn chứng theo đánh giá của Bộ Công Thương thì dự kiến hiệp định CPTPP sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam tăng thêm 1,3 điểm phần trăm và tăng giá trị xuất khẩu thêm 4 điểm phần trăm vào năm 2035. Còn dự kiến hiệp định EVFTA sẽ giúp tăng GDP từ 2,18-3,25 điểm phần trăm trong giai đoạn từ năm 2019-2023, tăng GDP thêm từ 4,47-5,3 điểm phần trăm trong giai đoạn 2024 đến năm 2028.

Tuy nhiên, những hiệp định Việt Nam vừa tham gia ký kết cũng tăng sức ép cho các doanh nghiệp Việt Nam hơn. Bởi các hiệp định này đặt tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội… làm cho chi phí sản xuất tăng lên, theo phân tích của vị chuyên gia này.

"Những hiệp định này cũng có thể tạo rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam. Khi doanh nghiệp không tuân thủ các tiêu chuẩn nêu trên, các đối tác sẽ áp dụng các biện pháp xử lý mới mà đến giờ có thể cũng chưa biết là cái gì vì nó được xuất hiện lần đầu tiên trong các hiệp định”, bà Tuyết nói.

Các hiệp định cũng đặt ra cho Chính phủ nghĩa vụ phải tạo ra các quy định để nâng cao tiêu chuẩn môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, công đoàn… Với nền kinh tế mà dựa vào lao động như Việt Nam hiện nay (các ngành xuất khẩu đều dựa vào lao động) thì những vấn đề về lao động có thể sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng thêm, làm cho các doanh nghiệp phải giải quyết nhiều vấn đề hơn… đó là những rủi ro mới đặt ra với các doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Nhưng các doanh nghiệp bắt buộc phải thích nghi với những điều này và cần phải chuẩn bị sẵn sàng để tuân thủ nếu không muốn bị phạt. Doanh nghiệp cần nhìn thấy những nguy cơ từ xa để có những chiến lược và giải pháp để đối phó”, bà Tuyết nói.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế cho hay bà từng đại diện cho một số ngành xuất khẩu của Việt Nam và dẫn chứng ví dụ thực tế về chuyện nếu doanh nghiệp có sự chủ động đối phó với tình hình thì không chỉ có thể tiếp tục tồn tại mà còn phát triển tốt. Đơn cử, như ngành xuất khẩu tôm từ năm 2004 đến nay có nhiều vấn đề rủi ro xảy ra. Song, qua ghi nhận, các doanh nghiệp ngành này đã chủ động đầu tư, đưa ra chiến lược đối phó nên họ thành công lớn.

“Có những doanh nghiệp ngành tôm vào năm 2004 xuất khẩu chỉ đạt 100 triệu đô la Mỹ nhưng nhờ có chiến lược đối phó với rủi ro nên hiện đã đạt doanh thu xuất khẩu 700 triệu đô la Mỹ. Có những doanh nghiệp trước chỉ ở tầm Việt Nam nay đã vươn lên tầm khu vực”, bà Tuyết kể.

Một kinh nghiệm được vị chuyên gia này chia sẻ tại tọa đàm đó là khi doanh nghiệp nhìn thấy dấu hiệu thương mại có sự tăng vọt về lượng cả nhập khẩu và xuất khẩu thì phải đo lường trước việc chuẩn bị đối phó với những vụ điều tra, các biện pháp về áp đặt thuế chống bán phá giá. Thậm chí, trước những vấn đề liên quan đến gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa doanh nghiệp lập tức phải có biện pháp điều chỉnh và đa dạng hóa thị trường.

“Các hiệp định thương mại cho phép doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường. Tập trung quá vào một thị trường sẽ có rủi ro trong giai đoạn hiện nay”, bà Tuyết nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới