Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lượng xe kẹt tại các cửa khẩu Lạng Sơn tiếp tục tăng

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tính đến sáng ngày 13-12, tổng lượng xe vận chuyển hàng hoá, nông sản xuất nhập khẩu bị kẹt tại ba cửa khẩu ở tỉnh Lang Sơn đã tăng lên 4.304, tức tăng 304 xe so với con số được ghi nhận hôm 10-12.

Lượng xe chở nông sản bị kẹt ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng. Trong ảnh là nông dân thu gom mít để xuất bán sang Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin từ Bộ Công Thương công bố vào hôm nay, 14-12, cho thấy trung bình lượng phương tiện xuất nhập khẩu thông quan qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn là khoảng 825 xe/ngày. Trong đó, cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 450 xe/ngày, Tân Thanh là 300 xe/ngày và Chi Ma là 75 xe/ngày. Lượng phương tiện qua các cửa khẩu nêu trên tiếp tục tăng cao so với năng lực thông quan, dẫn đến xe tồn đọng tại các khu vực bến bãi, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng.

Cụ thể, tính đến sáng ngày 13-12, tổng lượng xe tồn đọng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 4.304 xe, trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị có 1.083 xe, cửa khẩu Tân Thanh là 2.474 xe và cửa khẩu Chi Ma là 747 xe.

Trước đó, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết tổng lượng xe bị tồn đọng tại ba cửa khẩu nêu trên đến sáng ngày 10-12 là 4.000 xe. Như vậy, so với con số được ghi nhận trước đó, thì tổng lượng xe vận chuyển hàng hoá, nông sản xuất nhập khẩu bị tồn đọng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng 304 xe.

Trước tình trạng nêu trên, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ sở sản xuất… phải thường xuyên cập nhật thông tin từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới cho phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp phải chuyển hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch, tức mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo cần đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248 và 249 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn…, cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với đối tác nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới