Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Lướt sóng” trái phiếu và lợi nhuận ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Lướt sóng” trái phiếu và lợi nhuận ngân hàng

Khách hàng giao dịch tại Sacombank -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG) – Sau hàng tháng trời “chăm chăm” bán ra, đến tuần rồi nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua ròng trái phiếu, với giá trị khoảng 600 tỉ đồng.

1. Động thái này có giống việc họ mua trái phiếu dồn dập cuối năm ngoái, đầu năm nay không? Hoàn toàn không, nhưng mục tiêu thì giống nhau: tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Họ chỉ mua ròng trái phiếu từ khi tỷ giá được Nhà nước điều chỉnh theo hướng sự mất giá gia tăng của đồng nội tệ.

Giám đốc một quỹ đầu tư phân tích: “Lãi suất cơ bản sẽ còn giảm, mặt bằng lãi suất còn giảm nữa. Mua trái phiếu bây giờ với mức chiết khấu chừng 9%/năm và đợi khi lãi suất chung giảm, bán ra trái phiếu, chắc chắn có lời”. Tuy nhiên, ông cảnh báo việc đầu tư như vậy cũng khá rủi ro bởi khi chuyển đổi từ tiền đồng ra ngoại tệ trở lại, nhà đầu tư nước ngoài có thể phải gánh thêm sự trượt giá tiền đồng. Nhưng với những quỹ “sống chết” với Việt Nam, đang có tiền nhàn rỗi mà chưa thể giải ngân vào cổ phiếu, thì “lướt sóng” trái phiếu cũng là một phương thức kinh doanh.

Trái phiếu đang là tấm gương phản ánh sự dịch chuyển của dòng tiền buổi giao thời chính sách, từ thắt chặt tiền tệ sang nới lỏng linh hoạt. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài đi trước một bước “lướt sóng” trái phiếu niêm yết, thì các tổ chức tài chính nội địa vẫn còn đang băn khoăn chưa biết đổ vốn vào đâu cho an toàn và hiệu quả.

Ngân hàng thừa tiền song vẫn rất cẩn trọng trong tín dụng. Một phần vì lãi suất thấp, nhưng phần khác quan trọng hơn là ngân hàng sợ rủi ro, sợ mất vốn, e ngại nợ quá hạn. Nhưng không phải vì tín dụng chưa thông mà ngân hàng sẵn sàng mua trái phiếu với bất cứ giá nào. Lãi suất trái phiếu thấp quá họ cũng không ham vì còn đang phải “ôm” một lượng vốn tồn đọng huy động lãi suất cao từ những tháng trước. Vậy nên mới có chuyện 500 tỉ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn ba và năm năm do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành cuối tháng 12-2008 không bán được. Bộ Tài chính đang cố gắng kéo mặt bằng lãi suất xuống nên chỉ duyệt lãi suất trần 8,5%/năm trong khi những đơn vị đăng ký mua bỏ thầu lãi suất thấp nhất cũng là 8,8%/năm.

Bài toán trái phiếu sẽ còn giằng co. Nhu cầu phát hành trái phiếu của Nhà nước năm 2009 khá lớn, ít nhất là 2 tỉ đô la Mỹ. Đó là chưa kể mới đây trong cuộc họp với lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã gợi ý và cho phép thành phố phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng. Thường trái phiếu của địa phương phát hành có lãi suất cao hơn trái phiếu chính phủ, nhưng cũng không thể vượt quá xa mức trần lãi suất của Bộ Tài chính (như trái phiếu đô thị TPHCM đã phát hành những năm trước). Dự đoán Bộ Tài chính sẽ không nâng lãi suất lên để phát hành cho kỳ được. Vậy cung – cầu sẽ gặp nhau thế nào?

Thực ra không phải các ngân hàng không biết kênh trái phiếu là an toàn và do đó có thể chấp nhận đầu tư trái phiếu với một mức lợi nhuận vừa phải.

“Chúng tôi đang dư tiền đồng, nhưng tốt hơn hết là gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng để khi cần có thể ứng phó nhanh, đảm bảo thanh khoản”, tổng giám đốc một tổ chức tín dụng nói, “Tình hình bây giờ không thể dự đoán chính xác được. Lãi suất đã từng tăng nhanh đột ngột, giờ lại đang giảm nhanh gấp gáp. Đầu tư trái phiếu, lỡ thanh khoản không được tốt, phản ứng không kịp”.

Không chỉ ngân hàng, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư cũng đang trong tình trạng tương tự. Họ đang đề phòng để có một sự an toàn tối đa có thể!

2. Cổ phiếu ngân hàng đang ở mức giá thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Trên sàn cổ phiếu Sacombank và ACB được giao dịch với mức giá thấp nhất kể từ ngày niêm yết. Ở thị trường OTC, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng về bằng mệnh giá mà vẫn không tìm được người mua. Những cổ phiếu vốn có thanh khoản tốt như Eximbank, Quân đội… gần đây khối lượng giao dịch cũng sụt giảm.

Vì sao nhà đầu tư không còn “tha thiết” với cổ phiếu “vua”? Không chỉ đơn giản là do thị trường chứng khoán nói chung đang ảm đạm, mà chủ yếu là vì thông tin về lợi nhuận nói riêng, các chỉ tiêu tài chính nói chung của ngân hàng năm nay không còn được cập nhật đầy đủ, rõ ràng như năm ngoái. Vì không nắm được thông tin, giới đầu tư thấy tốt nhất là đứng bên lề, không mua không bán.

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng thực chất thế nào? Đúng là có một số ngân hàng gặp khó khăn, lợi nhuận sút giảm, nên e ngại công bố thông tin. E ngại đến mức trong những buổi họp báo, lãnh đạo những ngân hàng này né tránh câu hỏi của báo chí về lợi nhuận. Tuy nhiên nhiều ngân hàng vẫn làm ăn có lãi, thậm chí lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ, nhưng cũng chọn giải pháp “im lặng”, không công bố. “Lúc này có lợi nhuận là tốt rồi, công bố ra người ta bảo “chảnh”, dễ ghét” – một ngân hàng giải thích. Thế là tốt, xấu, vàng thau lẫn lộn. Nhà đầu tư chẳng còn biết bấu víu vào đâu để có thông tin.

Lợi nhuận các ngân hàng TPHCM

Ngân hàng

Lợi nhuận sau 11 tháng 2008

Lợi nhuận sau thuế năm 2007

Tỷ lệ 11 tháng 2008/năm 2007

Á Châu

1.609

1.760

91.42%

Eximbank

972

463

209,94%

Sacombank

933

1.398

66,74%

Đông Á

464

332

139,76%

TMCP Sài Gòn

458

259

176,83%

Đệ Nhất

59

35

168,57%

SaigonBank

136

171

79,53%

Phương Nam

115

190

60,53%

Gia Định

41

64

64,06%

Phương Đông

38

169

22,49%

Việt Á

29

147

19,73%

Nam Á

12,4

75

16,53%

An Bình

3,14

162

1,94%

Đơn vị tính: tỉ đồng; Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới