Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Thùy Dung thực hiện

Lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ
Ông Đào Trần Nhân – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Thương mại Việt Mỹ đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng từ khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương (BTA). Theo đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, từ khi BTA có hiệu lực vào tháng 12-2001, thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng hơn 1.200%, từ 1,5 tỉ đô la Mỹ lên hơn 20 tỉ đô la Mỹ.

Tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2011 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14-12 tại Hà Nội, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ phụ trách Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ xoay quanh mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, và những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.

TBKTSG Online: Ông có thể cho biết mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ phát triển ra sao kể từ BTA có hiệu lực năm 2001?

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ 11 tháng năm 2011. Đồ họa: Thu Nguyệt

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

– Ông Đào Trần Nhân: Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ (BTA) có hiệu lực vào cuối năm 2001. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ liên tục tăng trưởng cao, đạt bình quân 20%/năm.

Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 14,8 tỉ đô la Mỹ, gấp hơn 14 lần so với năm 2001. Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 27 của Mỹ.

Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ từ thị trường Việt Nam kể từ năm 2001 đến nay cũng đã tăng hơn 8 lần. Việt Nam hiện đứng thứ 45 trong số các nước nhập khẩu lớn nhất của Mỹ.

Vậy là cơ hội vẫn đang mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng ông có thể cho biết những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ?

– Những biện pháp hạn chế nhập khẩu được áp dụng tại Mỹ nhằm vào hàng hóa Việt Nam trong những năm qua đã ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, và theo tôi đây có thể cũng là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.

Những biện pháp hạn chế nhập khẩu hiện nay chịu tác động bởi hoạt động vận động hành lang của các nhóm lợi ích tại Mỹ. Vận động hành lang là một trong những đặc trưng nổi bật của hệ thống chính trị Mỹ. Tại Washington DC, có tới 12.000 người vận động hành lang chuyên nghiệp, như các doanh nghiệp, các công đoàn, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xã hội, các bang.

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ trong 11 tháng năm 2011. Đồ họa: Thu Nguyệt

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Đơn cử như trường hợp các da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Vì không cạnh tranh được với cá da trơn của Việt Nam, các nhà nuôi cá catfish của Mỹ đã vận động và gây sức ép với đại biểu của mình tại Quốc hội Mỹ nhằm đưa vào luật trang trại năm 2002 điều khoản cấm cá da trơn của Việt Nam mang tên catfish.

Sau đó, do vẫn không cạnh tranh được với cá tra và basa, họ lại kiện bán phá giá. Khi thuế chống bán phá giá vẫn không ngăn cản được cá da trơn của ta, họ lại vận động và gây sức ép với Quốc hội Mỹ đưa vào luật trang trại năm 2008 điều khoản bắt buộc cá tra, basa nhập khẩu phải chịu sự kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Việc kiểm tra này nghiêm ngặt hơn nhiều so với yêu cầu kiểm tra hiện do cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thực hiện.

Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì khi xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ?

– Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần quan tâm tốt tới bạn hàng, tham gia hội viên của các hiệp hội ngành hàng Mỹ để khi có xảy ra tranh chấp có nhiều người ủng hộ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng lưu tâm đến các thủ tục pháp lý, hàng rào kỹ thuật của thị trường Mỹ. Để cho hàng hóa của Việt Nam có chỗ đứng và phát triển được ở thị trường này, các doanh nghiệp cần sẵn sàng đáp ứng các thủ tục khắt khe của thị trường và cũng sẵn sàng tâm lý cho các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Để duy trì được tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp tốt với các cơ quan chính phủ vì các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng cần có sự hỗ trợ pháp lý của Nhà nước. Hơn nữa, các hoạt động xúc tiến thương mại phải chú trọng đến xây dựng quan hệ đối tác dài hạn với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối hàng Việt Nam ở thị trường nước ngoài cũng như tăng các hoạt động xúc tiến thương mại tại các bang và trung tâm thương mại lớn của Mỹ.

Các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư tại nước ngoài có thể tham khảo trang web của các thương vụ tại www.ttnn.com.vn. Tất cả các thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài đều cập nhật thông tin chính sách, thị trường, đối tác, cơ hội kinh doanh tại các thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua trang web trên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với các thương vụ Việt Nam tại các nước về chính sách quản lý, cơ hội thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, các hội nghị, hội thảo để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Các thương vụ có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xử lý tranh chấp trong buôn bán, kinh doanh tại nước ngoài.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới