Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

M&A lĩnh vực nào sẽ sôi động?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

M&A lĩnh vực nào sẽ sôi động?

Thanh Thương ghi

M&A lĩnh vực nào sẽ sôi động?
Ông Đặng Doãn Kiên trả lời phỏng vấn của báo giới trong "Ngày hội đầu tư" được tạp chí Doanh Nhân, Công ty Vinabull và Công ty Le Bros tổ chức sáng ngày 16-2 tại TPHCM. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Trao đổi với báo giới bên lề “Ngày hội đầu tư” được tổ chức ngày 16-2 tại TPHCM, ông Đặng Doãn Kiên, Trưởng đại diện Quỹ đầu tư Aureos tại Việt Nam, cho rằng hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) năm 2012 sẽ tiếp tục sôi động, nhất là trong lĩnh vực tài chính, bất động sản.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình M&A trong năm 2011 ở Việt Nam?

Ông Đặng Doãn Kiên: Năm 2011, hoạt động M&A ở Việt Nam rất sôi động, chủ yếu tập trung vào ngành hàng tiêu dùng, tài chính, bất động sản. Chỉ tính riêng đến tháng 9-2011, theo số liệu từ Netxus thì giá trị M&A nhận được là 2,67 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 150% so với cả năm 2010. Ngành tiêu dùng được mua bán, sáp nhập nhiều nhất với hơn 1 tỉ đô la Mỹ (chiếm 38,6%), đứng thứ 2 là ngành tài chính với 453,4 triệu đô la Mỹ, chiếm 16,9%. Nguồn vốn mua lại chủ yếu đến từ nước ngoài với khoảng 81,3%, trong khi vốn trong nước chỉ chiếm 18,7%.

Trong năm 2011 cũng chứng kiến nhiều thương vụ M&A do sự thoái vốn của các quỹ đầu tư, do các quỹ hoạt động từ năm 2003 bắt đầu phải đóng quỹ. Trong năm 2012, hoạt động thoái vốn của các quỹ sẽ tiếp tục xảy ra nhiều hơn, vì vậy số lượng và giá trị các thương vụ M&A có khả năng sẽ tăng.

Như ông nói thì trong năm 2011, số lượng thương vụ M&A ngành tài chính rất lớn, vậy trong năm 2012, xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn?

– Trong điều kiện cần phải hợp nhất để có các ngân hàng hoạt động tốt hơn, như đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đồng thời với thực tế là một số công ty tài chính, ngân hàng của Việt Nam hiện rất nhỏ, khiến cho quá trình cạnh tranh chưa hiệu quả, nên trong thời gian tới khả năng diễn ra hoạt động M&A trong ngành tài chính sẽ tiếp tục diển ra mạnh mẽ.

Nhiều công ty chứng khoán ở Việt Nam đang rất muốn bán bớt phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài hay quỹ đầu tư, như vậy, liệu họ có cơ hội trong năm 2012 chăng?

– Thực ra, trong năm 2011 nhiều tổ chức nước ngoài đã mua công ty chứng khoán. Nhưng thực tế, việc mua lại này chính là để mua phần mềm giao dịch của họ. Vì nếu bỏ tiền mua phần mềm thì còn cao hơn tiền mua một công ty chứng khoán.

Như tôi biết, số lượng công ty chứng khoán nước ngoài có nhu cầu mua công ty chứng khoán Việt Nam rất ít, nhưng nhu cầu muốn có nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, xây dựng đội ngũ của công ty chứng khoán Việt Nam thì rất cao. Tuy nhiên, công ty chứng khoán có gì để mua? Nếu nói mua số lượng tài khoản thì không đúng, vì trong tương lai một nhà đầu tư có thể mở tài khoản ở nhiều nơi. Nếu nói mua công ty chứng khoán vì có đội ngũ nhân lực chất lượng tốt thì cũng không hẳn, vì đội ngũ nhân lực ngành này hiện nay rất mỏng, để có được đội ngũ giỏi là rất khó, nhân lực lại liên tục biến động, trong khi rất ít công ty chứng khoán có các tài sản cố định.

Đó là lý do hiện tại nhà đầu  tư nước ngoài chưa mặn mà với việc mua công ty chứng khoán, cho dù trong cam kết WTO thì năm 2012 này nhà đầu tư nước ngoài có quyền mở các công ty chứng khoán 100% vốn tại Việt Nam, và nếu mua lại thì sẽ rút gọn được thủ tục rất nhiều.

Còn M&A trong lĩnh vực ngân hàng? Trong năm nay với đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì cơ quan quản lý cũng rất ưu tiên cho việc tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, vậy liệu hoạt động mua bán sáp nhập ngân hàng trong năm nay có sôi động không?

– Tôi đánh giá các thương vụ M&A của ngành ngân hàng trong năm 2012 sẽ diễn ra nhiều, nhưng sẽ không sôi động bằng bất động sản và hàng tiêu dùng. Vì thực tế, đầu tư vào hoạt động ngân hàng vướng rất nhiều khung pháp lý, trong đó có giới hạn sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời các ngân hàng Việt Nam phát triển rất nhanh,  nhưng số lượng tài khoản, giao dịch thị trường hiện không nhiều, vậy có cần thiết phải có nhiều ngân hàng như vậy không, và có cần phải có những ngân hàng nhỏ đến như vậy không?

Khi nhà đầu tư nước ngoài vào, họ chỉ được nắm một phần nhỏ cổ phần, trong khi họ rất băn khoăn, không biết chuyện gì đang xảy ra bên trong các ngân hàng. Nhiều khi mua phải các ngân hàng mà có nhiều cách làm ăn, hệ thống quản lý, tài sản…không phù hợp với ngân hàng mẹ, ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng mẹ. Vì vậy M&A có thể xảy ra, nhưng có mạnh mẽ hay có nhiều yếu tố nước ngoài hay không thì có thể sẽ không bằng bất động sản.

Vì sao ông cho rằng sôi động nhất trong hoạt động M&A năm nay sẽ nhắm vào thị trường bất động sản?

– Vì tôi cho rằng đây là thị trường cần rất nhiều vốn. Đây cũng là thị trường chỉ mới phát triển manh mún, trong khi tiềm năng lại rất lớn. Trong điều kiện nguồn vốn ở Việt Nam rất đắt đỏ, thì Nhật Bản, Singapore…có nguồn vốn rẻ hơn và nguồn vốn của người nước ngoài kiên nhẫn hơn. Trong thời gian này, bất động sản lại đang ngày càng giảm giá, nên tôi nghĩ rằng việc M&A lĩnh vực này sẽ diễn ra tương đối sôi động.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản rất lớn, tuy vậy hiện tại ngành bất động sản bị vướng phải hạ tầng. Hạ tầng của Việt Nam chưa theo kịp tốc độ phát triển, khiến cho nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Hiện tại cũng đang có xu hướng các công ty quản lý quỹ mở quỹ đầu tư bất động sản. Nhiều nhà đầu tư vẫn đánh giá ngành bất động sản có tiềm năng lâu dài, trong khi sắp tới sẽ có các đợt giảm giá nữa, có nhiều cơ hội cho họ. Như trong năm 2007, nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận với các khu đất tốt, nhưng 2011 các khu đất này được mang ra chào, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận nhiều. Vì vậy tôi cho rằng thị trường bất động sản hiện là cơ hội của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi họ có cả vốn, công nghệ và kỹ năng.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới