Mặc cả chuyện ưu đãi
Ngọc Lan
(TBKTSG) – Trong tình hình thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay, việc các dự án FDI, trong đó có cả dự án liên doanh lớn xin triển khai ở nhiều tỉnh, thành bị Chính phủ đặt lên bàn cân có vẻ lạ. Song, những cân nhắc đó là rất cần thiết, nếu không muốn lại sập “bẫy” thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Hiện có ba dự án đầu tư FDI đang đặt điều kiện với địa phương và Chính phủ khi đăng ký. Đó là dự án đầu tư sản xuất điện thoại di động của Nokia tại Bắc Ninh (vốn đăng ký 200 triệu euro); dự án xây dựng nhà máy lắp ráp động cơ ô tô, máy phát điện và máy nông ngư cơ (165 triệu đô la Mỹ) của liên doanh Hyundai – Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam); và dự án mở rộng sản xuất của nhà máy sản xuất điện thoại di động cũng đặt tại Bắc Ninh của hãng Samsung (nâng tổng vốn đầu tư từ 670 triệu đô la Mỹ lên 1,5 tỉ đô la).
Ngoại trừ trường hợp của Samsung bị Chính phủ “bác” đề nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ngay từ đầu do Luật Đầu tư hiện chưa cho phép ưu đãi phần mở rộng sản xuất, hai trường hợp còn lại hiện vẫn theo đuổi những đề nghị khá giống nhau dù khác ngành nghề, địa bàn đầu tư.
Thứ nhất là đề nghị ưu đãi của Nokia và Hyundai – Trường Hải đều là dựa trên (hoặc vượt quá) các quy định ưu đãi dành cho các ngành sản xuất công nghệ cao, trong khi cả hai chủ đầu tư chưa chứng tỏ được các dự án của mình đáng được nhận những ưu đãi theo tiêu chuẩn đó. Ví dụ, chỉ các dự án công nghệ cao mới được miễn tiền thuê đất thì cả Nokia và Hyundai – Trường Hải đều đề nghị được miễn. Phần tiền thuê đất cho cả đời dự án của Nokia, tỉnh Bắc Ninh sẽ hỗ trợ qua công ty TNHH VSIP; còn phía Hyundai-Trường Hải đề nghị thu tượng trưng 1 đô la/70 năm.
Phần thuế suất thuế TNDN, Hyundai – Trường Hải đưa ra mức nộp 10%/30 năm, miễn 10 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, miễn 50% thuế thu nhập cá nhân cho những người lao động có thu nhập chịu thuế tại đây. Các đề xuất của Nokia cũng không khác là bao: thuế suất thuế TNDN cũng là 10%/15 năm, trong đó miễn bốn năm đầu và giảm 50% trong chín năm tiếp theo… Ngay cả mức ưu đãi cao nhất Chính phủ dành cho các dự án công nghệ cao cũng chỉ bằng một nửa những yêu cầu này. Đây là mức ưu đãi chỉ dành cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao ở các địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn.
Cho dù các địa phương tìm mọi cách để đưa các dự án nhiều triệu đô về địa phương mình thì kinh nghiệm thu hút đầu tư nhiều năm qua cho thấy, đây không phải là thời điểm Việt Nam còn thu hút đầu tư bằng mọi giá. |
Thứ hai, dù không ai nghi ngờ năng lực triển khai dự án của các doanh nghiệp nói trên tại Việt Nam, nhưng việc Nokia đề nghị được nhận ưu đãi đầu tư trước và cần thời gian ba năm để chứng minh dự án mang tính công nghệ cao, nếu không sẽ từ bỏ ưu đãi, là một lời giải ngược.
“Họ cần chứng minh dự án có hàm lượng công nghệ thế nào, giá trị gia tăng vượt trội ra sao, tác động đối với việc hình thành ngành sản xuất hay dịch vụ mới đến đâu. Hoặc ít nhất cũng chứng minh trình độ của ngành sản xuất hiện tại của địa bàn đầu tư rồi mới tính đến diện đưa vào danh sách xét ưu đãi hay không”, ông Trần Quang Hùng, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Điện tử Việt Nam, nói.
Phía Hyundai – Trường Hải không đề xuất thẳng dự án vào danh mục công nghệ cao song những đề nghị của họ lại “ăn theo” những ưu đãi kiểu này. Có điều, chính đề nghị lại mâu thuẫn: tính thuế ban đầu là theo công nghệ cao nhưng sau đó nếu 70% sản phẩm được xuất khẩu, tính thuế ưu đãi như các doanh nghiệp chế xuất. Trong khi doanh nghiệp chế xuất là bậc dưới của doanh nghiệp công nghệ cao và tất nhiên là nhận ưu đãi thấp hơn.
Cho dù các địa phương tìm mọi cách để đưa các dự án nhiều triệu đô về địa phương mình thì kinh nghiệm thu hút đầu tư nhiều năm qua cho thấy, đây không phải là thời điểm Việt Nam còn thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhất là khi các nhà đầu tư luôn săn tìm những địa điểm có giá thuê đất thấp, giá nhân công rẻ và nhiều điều kiện ưu đãi đi kèm để mở các địa chỉ gia công, lắp ráp dưới hình thức dự án công nghệ cao.
“Nếu đề nghị như của Nokia hay Hyundai – Trường Hải đến từ cách đây 5-10 năm thì có thể chấp nhận được, nhưng ở thời điểm này, sức ép đó đã quá cũ”, ông Hùng phân tích. Nhiều doanh nghiệp điện tử, lắp ráp ô tô hay cơ khí nước ngoài từng được mong đợi sẽ đào tạo kỹ sư, chuyển giao công nghệ hay gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các ngành công nghiệp trong nước đều không thực hiện cam kết ban đầu. Sự thất bại của công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô từ các nhà đầu tư nước ngoài hay liên doanh trong nước là một ví dụ.
Với ngành sản xuất điện tử, sự ra đi hay chuyển hướng nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp FDI thay cho sản xuất tại chỗ trong những năm gần đây cũng thế. “Gần 20 năm làm việc trong doanh nghiệp FDI, Việt Nam không đào tạo được kỹ sư thiết kế, có chăng là chỉ các kỹ sư chấp hành công nghệ”, ông Hùng nhận định. Như trường hợp Sony đóng cửa nhà máy thì lực lượng công nhân cắm linh kiện giản đơn ở đây đã không tìm được việc làm ở chỗ khác.