Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mắc ca là loài cây duy nhất tại Việt Nam được hỗ trợ bởi một ngân hàng và một hiệp hội riêng biệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mắc ca là loài cây duy nhất tại Việt Nam được hỗ trợ bởi một ngân hàng và một hiệp hội riêng biệt

Macadamia hay còn được biết đến với tên gọi là mắc ca, là một loại cây có xuất xứ từ Úc và đã du nhập vào Việt Nam hơn 20 năm nay. Cây mắc ca là một loại cây rừng, có sức sống mạnh mẽ, dễ trồng, phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Hạt mắc ca có giá trị sử dụng cao, vỏ được dùng làm chất đốt, phân bón và nhiên liệu.

Mắc ca là loài cây duy nhất tại Việt Nam được hỗ trợ bởi một ngân hàng và một hiệp hội riêng biệt
Hoa và quả mắc ca.

Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe

Có tới 90% lượng hạt mắc ca được dùng cho mục đích thực phẩm, bởi vì thành phần của hạt rất giàu vitamin A, Omega 3, Omega 6 và các chất dinh dưỡng khác có lợi cho sức khỏe, giúp chống oxy hóa, giúp giảm cân, giảm bệnh tim mạch…

Cây mắc ca ra hoa nhiều, có mùi thơm nhẹ nên rất thu hút ong lấy mật

Sản phẩm đa dạng

Mắc ca có thể chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng trong những ngành hàng khác nhau và có giá trị cao như thực phẩm, dầu ăn, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Ngoài ra, các bộ phận khác của quả mắc ca như vỏ cứng, vỏ mềm có thể dùng làm phân bón, chất đốt…

Thị trường tiêu thụ rộng lớn

Theo thống kê của Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC) về tình hình tiêu thụ nhân mắc ca trên thế giới thì trong vòng 5-6 năm tới, nhu cầu sử dụng hạt nhân mắc ca vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao. Cũng theo dự báo của Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC), đến năm 2030, lượng cung mắc ca trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Thị trường chính tiêu thụ các sản phẩm mắc ca hiện nay là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông, Ấn Độ… Trong tương lai, số lượng người tiêu dùng biết đến các sản phẩm mắc ca tại các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ… sẽ tăng nhanh, vì vậy nhu cầu tiêu thụ mắc ca tại các thị trường tiềm năng này sẽ ngày càng tăng cao.

Sự ủng hộ của các cấp chính quyền

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn trồng và chăm sóc chế biến mắc ca, văn bản quy trình công nhận câymắc ca đầu dòng. Đặc biệt, ngày 16-11-2018, Bộ đã ban hành thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT, quy định cây mắc ca là một trong 20 cây lâm nghiệp chiến lược, điều này tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để phát triển các vườn giống chuẩn mực, tạo tiền đề quyết định cho việc phát triển vững mạnh ngành công nghiệp mắc ca của Việt Nam.

Hiệu quả kinh tế

Với hình thức trồng thuần cây mắc ca và giá bán ước tính 80.000 đồng/kg (đây là cách tính thận trọng trong khi hiện nay giá thị trường vào khoảng 110.000 đồng/kg), từ năm thứ 5 khi cây đã cho sản lượng thu hoạch ổn định thì doanh thu đem lại trung bình từ 150-200 triệu đồng/ha/năm với chi phí chăm sóc hàng năm chiếm khoảng 25% doanh thu.

Sản phẩm mỹ phẩm mắc ca có giá trị cao.

Sự hỗ trợ của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

Mắc ca là loài cây duy nhất tại Việt Nam được hỗ trợ bởi một ngân hàng và một hiệp hội riêng biệt. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được thành lập với vai trò lớn nhất là đảm bảo quyền lợi và định hướng những cá nhân, tổ chức trồng và chăm sóc cây mắc ca tại Việt Nam. Những nhiệm vụ rõ ràng nhất của Hiệp hội bao gồm:

(1) Hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng một hành lang pháp lý để các địa phương yên tâm phát triển các vườn ươm và các vùng trồng mắc ca rộng lớn; Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng các mô hình trồng mắc ca thành công trên nhiều địa phương của cả nước.

(2) Hướng dẫn, tập huấn kĩ thuật cho bà con trồng và chăm sóc cây mắc ca hay đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các thành viên của mình với giá 85% giá mắc ca của Úc (hiện tại giá mắc ca của Úc tương đương khoảng 85.000 đồng, Hiệp hội sẽ bao tiêu với giá khoảng 75.000 đồng), hợp đồng bao tiêu sẽ có giá trị trong thời gian 10 năm từ khi bắt đầu trồng.

(3) Hiệp hội Mắc ca Việt Nam (Hiệp hội) là thành viên của Hiệp hội Mắc ca thế giới và cũng là thành viên của Hiệp hội hạt quả khô thế giới. Hiệp hội thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan học hỏi ở nước ngoài cho các lãnh đạo nhà nước cũng như người trồng mắc ca để mọi người học hỏi việc phát triển ngành công nghiệp mắc ca của các nước đi trước như Úc, Nam Phi, Trung Quốc, Thái Lan… Đồng thời, hiệp hội cũng thường xuyên tham dự các cuộc hội nghị của Hiệp hội Mắc ca thế giới và Hiệp hội hạt quả khô thế giới, từ đó hiệp hội sẽ nắm bắt được xu hướng phát triển của ngành hạt toán cầu cũng như nghiên cứu, khảo sát và  dự báo nhu cầu tiêu thụ mắc ca trên thế giới để tổ chức, hướng dẫn cho các doanh nghiệp mắc ca ở Việt nam sản xuất, tiêu thụ hết số lượng mắc ca mà các doanh nghiệp và người trồng ở Việt Nam đã sản xuất.

(4) Hiệp hội là đơn vị chủ trì và liên kết các đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu về các loại sâu bệnh hại mắc ca cũng như nghiên cứu về dinh dưỡng cho mắc ca để từ đó có các giải pháp phù hợp về dinh dưỡng cho cây mắc ca cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống sâu bệnh hại đối với mắc ca, góp phần thúc đẩy ngành mắc ca phát triển một cách bền vững và ổn định.

(5) Làm việc với các cơ quan báo đài, xây dựng các chương trình truyền thông để tuyên truyền đẩy mạnh việc phát triển mắc ca một cách an toán và ổn định.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam còn đóng vai trò cầu nối giữa hai đơn vị kinh tế vững mạnh là Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam với bà con trồng và chăm sóc cây mắc ca bằng những định hướng lâu dài của mình.

Với các điều kiện thuận lợi về thị trường, sự hỗ trợ về kỹ thuật của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, sự hỗ trợ về tài chính của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đây là cơ hội rất tốt cho bà con nông dân và tất cả mọi người triển khai phát triển cây mắc ca góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho chính mình cũng như cho đất nước.

Huỳnh Ngọc Huy – Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới