Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mái che và sự lắng nghe

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhìn từ trên cao, có thể nói, đường Lê Lợi ở khu trung tâm Sài Gòn hiện giờ trông giống như một ngọn đồi trọc với chừng ba phần tư con đường thiếu hẳn bóng cây xanh – những mảng xanh ngày xưa chỉ còn lại ở một bên đường, từ ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến trước Bệnh viện Sài Gòn.

Cộng với toàn bộ khu Thương xá Tax cũ đã được giải tỏa nay chỉ còn là một bãi đất trống chờ ngày xây dựng, quang cảnh đường Lê Lợi có phần khô cứng khi những vệt dài màu đen của nhựa đường tương phản với những vệt dài màu trắng của vỉa hè xi măng. Cảm giác của nhiều khách bộ hành là con đường này thiếu hẳn màu xanh thường thấy góp phần làm dịu cơn nắng nóng và làm dịu mắt họ trong những ngày mặt trời chói chang.

Thế nên, ngay sau khi báo chí cho biết chính quyền dự định làm mái che kết hợp với cây xanh tạo bóng mát cho người đi bộ trên đường Lê Lợi, thông tin này lập tức thu hút nhiều sự quan tâm.

Ban đầu, ý kiến lắp mái che gặp phản đối từ một số chuyên gia. Có người cho rằng nên trồng cây vì mái che thể làm giảm sự thông thoáng hay giảm vẻ mỹ quan trên con đường. Tuy nhiên, sau khi được giải thích thêm rằng cây xanh sẽ được trồng lại sao cho thích hợp với không gian của tuyến đường xe điện ngầm bên dưới, nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình. Có người còn gợi ý TPHCM nên tham kháo kinh nghiệm của Singapore, nơi người ta đã xây khoảng 200 cây số đường đi có mái che.

Chiều hôm thứ Năm 30-3, báo chí dẫn lời bà Trương Quang Thục Trinh thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, đơn vị đề xuất ý tưởng xây dựng mái che, khẳng định việc trồng lại cây xanh là điều phải làm. “Tuyến đường Lê Lợi hiện cơ bản đã được tái lập, công tác hoàn trả cây xanh là nguyên tắc chính và nằm trong kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền và các đơn vị liên quan thực hiện,” bà Trinh cho biết(1).

Theo bà Trinh, các bên liên quan sẽ trồng lại cây xanh trên con đường “theo đúng hạ tầng kỹ thuật như trước khi thi công tuyến metro số 1”(2) và, bà khẳng định, điều trước tiên phải làm là trồng lại cây xanh, lấy ý kiến đóng góp, rồi sau đó “mới triển khai các công tác khác [kể cả lắp đặt mái che, nếu có]”(3).

Dù không phải là “chuyện đội đá vá trời”, theo người viết, những gì đang xảy ra với ý tưởng lắp đặt mái che và trồng cây xanh trên vỉa hè đường Lê Lợi là rất tích cực.

Thứ nhất, trong một chừng mực nào đó, có thể xem đây là một cuộc đối thoại giữa người dân, giới chuyên môn và chính quyền. Trong tiến trình đó, chính quyền – một bên chủ thể – lắng nghe nguyện vọng, ý kiến và kinh nghiệm của hai chủ thể còn lại. Điều quan trọng là giới thẩm quyền chỉ nên đưa ra quyết định về một vấn đề sau khi lắng nghe, tham khảo và thảo luận với các bên liên quan.

Thiết nghĩ, quá trình này hết sức cần thiết – đặc biệt đối với các vấn đề dân sinh. Sự tham gia của cộng đồng vào các việc có lợi ích thiết thân đối với họ là một phần tất yếu giúp tăng cường hiệu quả các biện pháp giải quyết các vấn đề này. Ngoài ra, nó cũng góp phần cũng cố niềm tin của người dân vào hệ thống chính quyền. Trong ngữ cảnh như vậy, sự cầu thị của chính quyền là không bao giờ thừa vì điều này khuyến khích và tạo thói quen cho người dân tích cực tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề – trước hết là các việc liên quan đến đời sống và quyền lợi của họ, rồi sau đó là các vấn đề khác. Một khi thói quen này đã hình thành, chính quyền sẽ không cần phải hô hào người dân thực hiện một điều gì đó, mà chính người dân sẽ tự nguyện tham gia.

Thứ hai, lời khẳng định “hoàn trả cây xanh là nguyên tắc chính” cũng như “trồng lại cây xanh theo đúng hạ tầng kỹ thuật như trước khi thi công tuyến metro số 1” là sự ủng hộ cho mảng xanh đô thị – điều còn rất thiếu ở TPHCM cũng như nhiều nơi khác ở Việt Nam. Đây là một bước đi tuy nhỏ, nhưng lại rất cụ thể, cho lời cam kết “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” chúng ta đã nhiều lần khẳng định.

Cuối cùng, dù vẫn còn sớm để kết luận, lắp đặt mái che vỉa hè kết hợp với cây xanh, nếu được thực hiện hiệu quả, cũng thể hiện tinh thần không đóng cửa, sẵn sàng tiếp thu điều mới của chính quyền thành phố, đồng thời mở ra một hướng mới cho các địa phương khác.

Mong rằng câu chuyện trên sẽ dẫn đến một kết thúc có hậu cho cả người dân lẫn chính quyền để cuối cùng chúng ta sẽ thấy sự trở lại của một trong những con đường tấp nập nổi tiếng vào bậc nhất ở Sài Gòn đang vẫn có phần khá đìu hiu.

………………………

(1), (2), (3)https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-se-trong-lai-cay-xanh-truoc-khi-lam-mai-che-via-he-duong-le-loi-20230330172547562.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Cây xanh mới là giải pháp quan trọng nhất. Còn mái che chỉ là giải pháp bổ sung. Một đại lộ như Lê Lợi, tất yếu không thể vắng bóng cây xanh, vừa có tác dụng trang điểm đường phố, vừa tạo bóng mát, xanh hóa môi trường beton đang có vẻ quá nặng nề. Lẽ ra phương án trồng cây xanh/ hoặc kiểng cây xanh, phải được đặt ra ngay từ đầu trong phương án thiết kế xây dựng, chứ không phải là bàn bạc, xem xét như hiện giờ. Đề nghị bắt tay vào làm ngay,

  2. Mái che và cây xanh xen lẫn nhau ,cây xanh phải từ 5 năm trở lên mới có bóng mát ,giờ mái che sẽ gánh chuyện ấy ,những khoảng trống lớn cần mái che thiết kế nghệ thuật 1 chút cũng rất ok

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới