Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mầm xanh hy vọng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mầm xanh hy vọng?

Hồ Quốc Tuấn (*)

Một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán New York.

(TBKTSG) – Tuần qua, thị trường chứng khoán ở nhiều nền kinh tế đã tăng điểm mạnh hơn mong đợi của nhiều người. Điều gì đã xảy ra?

Kinh tế Mỹ – chỉ vài tín hiệu tốt

Trong những tuần qua, đã có nhiều thông tin lạc quan về sự hồi phục của kinh tế thế giới, bất chấp nhiều nhà phân tích vẫn chỉ ra đầy những bằng chứng cho thấy kinh tế vẫn đang xấu đi. Điển hình là gần đây, Giáo sư Paul Krugman – người đoạt giải Nobel Kinh tế 2008 – đưa ra nhiều nguyên nhân để tranh luận rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn rất tệ hại.

Một số nguyên nhân mà ông dẫn ra bao gồm: sản xuất công nghiệp đình trệ, thị trường nhà vẫn ảm đạm và làn sóng phá sản vẫn tiếp tục, đặc biệt là phá sản trong khối tài chính – khối các công ty có tốc độ tăng giá chứng khoán rất nhanh trên nhiều thị trường chứng khoán tuần qua.

Những điều mà Giáo sư Krugman đưa ra còn có thể được bổ sung bằng nhiều phân tích của các chuyên gia khác, như các tập đoàn công nghiệp lớn – điển hình là General Motors – đang điêu đứng vì những mô hình kinh doanh cũ kỹ của họ, những áp lực từ thị trường việc làm, và khả năng thất bại của các chính sách can thiệp của chính phủ như lo ngại của nhà kinh tế Joseph Stiglitz – người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001.

Và còn rất nhiều luận điểm nữa để củng cố cho quan điểm: một vài số liệu tốt không có nghĩa là nền kinh tế không bị tổn hại nữa.

Lợi nhuận doanh nghiệp – thấy vậy mà chưa chắc là vậy

Trong một thời đại mà người ta phát hiện ra nhiều vụ bê bối lừa đảo hơn là phát hiện ra tấm gương doanh nghiệp tốt thì kết quả lợi nhuận quí 1-2009 của các doanh nghiệp Mỹ mới được công bố cũng khiến nhiều người nghi ngờ. Như hình dung của một số nhà phân tích của Wall Street, luật chơi đang thay đổi, trước mắt là về các chuẩn mực báo cáo kế toán theo giá trị hợp lý (fair value accounting) hay là báo cáo kế toán gắn với thị trường (mark-to-market).

Nhờ sự nới lỏng nhất định của các quy định về việc phải sử dụng phương thức định giá và cách báo cáo mà các công ty có thể đưa ra một con số bất kỳ cho một số khoản mục rất khó định giá trên báo cáo của họ (trong đó đương nhiên có những sản phẩm tài chính cao cấp rất phức tạp đã góp phần làm cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn). Không hẳn các công ty của Mỹ gian dối, nhưng nhà đầu tư cũng có quyền đặt một dấu hỏi ở đây.

Có lẽ chúng ta đang đạt đến chỗ hy vọng quá nhiều trong thị trường và cần có một chút điều chỉnh lại của thị trường để hy vọng của ta về gần với thực tại hơn. Vì vậy, thị trường giảm điểm có khi là một cơ hội để tạo lập lại cân bằng trước khi một loạt báo cáo lợi nhuận tiếp tục công bố và khi người Mỹ công bố kết quả “thanh tra” (stress test) một loạt tổ chức tài chính của họ. Đó là lúc để xem “mầm xanh hy vọng” sẽ còn lớn được đến đâu trong năm nay.

Không kể đến thủ thuật nhờ những thay đổi trong báo cáo theo giá trị hợp lý, thì thủ thuật kiểu của Goldman Sachs cũng có thể được “học hỏi”, đó là đổi niên độ kế toán. Nhờ vậy, ngân hàng này không cần phải báo cáo số liệu kinh doanh vào tháng 12-2008 (trước đó năm tài khóa của Goldman Sachs kết thúc vào tháng 11, bây giờ thì bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc vào tháng 12, do đó tháng 12 năm ngoái đã “biến mất” khỏi các báo cáo tài chính vì báo cáo trước đó thì không có nó, báo cáo sau này thì bắt đầu từ tháng 1-2009).

Những thông tin mất đi không chỉ là con số lỗ 780 triệu đô la trong tháng 12 của ngân hàng này, mà còn là vì sao trong tháng 12 họ lỗ nhiều như vậy. Và điều gì đã và sẽ xảy ra đối với những hoạt động kinh doanh liên quan đến các số lỗ đó? Không ai biết rõ vì Goldman Sachs không buộc phải cung cấp thông tin về nó một cách chi tiết.

Chưa hết, theo báo cáo quí 1, lợi nhuận của Goldman Sachs được ghi nhận là từ giao dịch hàng hóa (commodities), tiền tệ và chứng khoán thu nhập cố định (fixed-income) – ví dụ như trái phiếu. Như một số nhà phân tích đoán định, từ các số liệu của những bộ phận kinh doanh này, có thể giả thuyết rằng thu nhập của ngân hàng này là nhờ vào tình trạng lãi suất thấp và độ biến động cao của các công cụ giao dịch như hàng hóa và tiền tệ.

Nghĩa là ngân hàng này kinh doanh chênh lệch (trading) theo kiểu chấp nhận rủi ro để có lợi nhuận. Và đương nhiên, kinh doanh kiểu này thì có lời có lỗ, và ngân hàng này “may mắn” hưởng lợi kép từ nỗ lực giữ lãi suất thấp và tìm mọi cách bơm tiền khôi phục thị trường chứng khoán nợ cộng với nỗ lực bơm tiền vào các ngân hàng của Chính phủ Mỹ (mà Goldman Sachs là một trong những đối tượng tham gia nhận tiền hỗ trợ). Như vậy, lợi nhuận của họ không bền vững.

Nếu không xét trường hợp của Goldman Sachs mà nhìn nhiều tập đoàn khác từ công nghiệp máy tính, viễn thông, thương mại điện tử, xe hơi, và công nghệ mạng đã đưa ra báo cáo thì không ai có số liệu thật sự tốt đẹp cả, chỉ có điều là một số trong các công ty đó có số liệu “tốt hơn dự đoán” mà thôi. Đó là chưa kể một số ngân hàng nhỏ và tập đoàn tài chính khác không được may mắn như Goldman Sachs tiếp tục thua lỗ và đóng cửa trong tháng trước.

Nói cách khác, số liệu kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ vẫn góp phần củng cố quan điểm kinh tế Mỹ sẽ còn nhiều khó khăn. Khối tài chính có thể hưởng lợi từ việc thị trường tài chính bớt khó khăn do đó tài sản của họ không mất giá từng ngày nữa và những khoản đầu tư và kinh doanh chênh lệch lại sẽ có lời. Nhưng khu vực nền kinh tế thực (sản xuất chẳng hạn) sẽ lại tiếp tục bị “tàn phá”. Tuy nhiên, nếu điều kiện thị trường lại chuyển biến xấu hay không điều chỉnh tốt nhiều nữa, thì những khoản lợi nhuận tốt ngoài dự kiến của khối tài chính có thể sẽ nhanh chóng “bay hơi”.

Thị trường chứng khoán – bức chân dung của dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tuần qua của Mỹ vẫn tăng điểm và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn dễ dàng tăng lên gần 350 điểm trước khi điều chỉnh lại, và nhiều người đã kêu lên là thị trường tăng quá nhanh hay vô lý. Một lý lẽ thường được đề cập là chứng khoán là hàn thử biểu hay là tấm gương phản ánh nền kinh tế. Kinh tế không tốt, chẳng qua là giảm chậm hơn trước thôi mà sao chứng khoán tăng mạnh vậy? Câu trả lời có lẽ nằm ở tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trong nền kinh tế.

Nói cách khác, thị trường chứng khoán thật ra phản ánh diễn biến của dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư, là những thứ nhìn về tương lai hơn là về quá khứ. Số liệu kinh tế, báo cáo kinh doanh của công ty là số liệu quá khứ (thường là trễ một tháng, một quí chẳng hạn). Dựa trên đó, mỗi nhà đầu tư vẽ ra cho mình một bức tranh riêng về tương lai của chỉ số chứng khoán và giá cổ phiếu mà thôi. Gam màu của bức tranh và nội dung trong đó sẽ khác nhau tùy vào từng người.

Điều gì là sự khác biệt giữa bức tranh hiện tại và bức tranh cách đây một tháng? Hãy điểm qua một số tít báo thời điểm đáy của ngày 9-3, chúng ta sẽ nhận thấy các tin kiểu như “thương mại thế giới tệ hại nhất trong 80 năm!”, “kinh tế Mỹ sẽ phục hồi sau năm năm”, “thâm hụt tài khoản vãng lai của Nhật lên cao nhất trong 24 năm”, “Chính phủ Anh thâu tóm ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất nước”, “nhà đầu tư ngày một chuộng vàng”… 

Một loạt tin “ấn tượng” như vậy đến cùng một lúc, có nghĩa là tâm lý nhà đầu tư lúc đó đã rất tệ hại và tưởng tượng đến những kết cục chưa hề có trong lịch sử. Và dòng tiền đương nhiên tránh xa chứng khoán. Cổ phiếu vì vậy bị bán quá đà, đi kèm với đà bán tống bán tháo tài sản của các ngân hàng. Gam màu của bức tranh sẽ là màu đen, và sẽ không có “mầm xanh hy vọng” trong đó.

Một tháng sau, một số “mầm xanh hy vọng” xuất hiện từ số liệu kinh tế. Một số số liệu “không tệ như dự đoán”, một số cái “tốt bất ngờ”. Và bất chấp chúng có phải là toàn bộ chân dung của nền kinh tế hay không, chúng cũng giúp nhà đầu tư nhận ra đâu đó có những tia hy vọng yếu ớt và cũng nhận ra “khoan đã, tôi đã bán quá đà”. Cùng lúc đó, các ngân hàng không gặp sức ép bán tài sản ra để đạt thanh khoản như trước. Một sự phân phối lại danh mục đầu tư tất yếu sẽ xảy ra, và dòng tiền quay lại với cổ phiếu.

Do đó, trong hơn một tháng qua, thị trường cổ phiếu đã phản ánh chân dung của tâm lý nhà đầu tư và quá trình phân bổ lại dòng tiền trên thị trường: giảm bớt giữ vàng và tiền mặt, đi mua thêm cổ phiếu. Đây là sự lựa chọn của nhà đầu tư trên toàn cầu, vì không có tin xấu “kiểu mới” nữa, toàn tin xấu “kiểu cũ” và thêm một số “mầm xanh hy vọng”. Theo quan điểm của người viết, mầm xanh hy vọng trong mấy tuần qua có thể không thật sự đến từ nền kinh tế (ít nhất như một số nhà kinh tế nhìn nhận như vậy), nhưng chắc chắn nó có đến từ tâm lý của nhà đầu tư và dẫn đến việc phân phối lại danh mục đầu tư.

Có hy vọng đương nhiên sẽ có thất vọng. Đợt tăng giá mạnh vừa qua đưa chúng ta đi từ chỗ không có hy vọng gì đến chỗ có hy vọng, và từ hy vọng ít thành hy vọng nhiều. Hy vọng nhiều, thì… thất vọng càng cao và nỗi sợ hãi sẽ càng lớn khi sự tham lam càng gia tăng. Có lẽ chúng ta đang đạt đến chỗ hy vọng quá nhiều trong thị trường và cần có một chút điều chỉnh lại của thị trường để hy vọng của ta về gần với thực tại hơn. Vì vậy, thị trường giảm điểm có khi là một cơ hội để tạo lập lại cân bằng trước khi một loạt báo cáo lợi nhuận tiếp tục công bố và khi người Mỹ công bố kết quả “thanh tra” (stress test) một loạt tổ chức tài chính của họ. Đó là lúc để xem “mầm xanh hy vọng” sẽ còn lớn được đến đâu trong năm nay.

____________________________________________

(*) Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới