Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mạng trực tuyến tiếp thị dịch vụ ăn uống đang phất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mạng trực tuyến tiếp thị dịch vụ ăn uống đang phất

Hà Vân

Trang web tìm kiếm địa chỉ nhà hàng Foody.vn vừa được Quỹ CyberAgent rót vốn. Ảnh: chụp từ Internet

(TBKTSG Online) – Lĩnh vực nội dung Internet trong ngành kinh doanh ăn uống đang là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư khi hàng loạt vụ mua bán và sáp nhập diễn ra khá nhộn nhịp trong thời gian qua.

Theo một khảo sát mới đây của Ogilvy & Mather châu Á – Thái Bình Dương (Tập đoàn chuyên về quảng cáo và tiếp thị), Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, bởi Việt Nam là nước có dân số đông và người dân thường có thói quen ăn uống bên ngoài.

Một trong những điểm đáng chú ý của khảo sát này là các nhà kinh doanh dịch vụ ăn uống không chỉ quan tâm đến chất lượng dịch vụ mà còn đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, đặc biệt là mô hình tiếp thị trực tuyến.

Tính riêng ở TPHCM đã có hơn 2.000 địa điểm quán xá hiển thị thông tin trên Internet.

Nhộn nhịp đầu tư

Hôm 21-11, quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản CyberAgent đã công bố đầu tư vào Foody, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến địa điểm ăn uống và giải trí tại www.foody.vn.

CyberAgent cho hay họ đầu tư vào Foody bởi công ty này có một tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực tìm kiếm địa điểm dịch vụ ăn uống tại Việt Nam. Chỉ sau 3 tháng ra mắt kể từ khi thành lập vào tháng 8 năm nay, Foody đã thu hút hơn 10.000 nhà hàng và địa điểm ăn uống tham gia và 5.000 bình luận (comments) trên website này.

CyberAgent nói rằng việc họ rót vốn đầu tư vào Foody cũng nhằm giúp công ty này phát triển nhanh hơn về lượng người dùng cũng như nội dung mà Foody cung cấp.

Trước khi được CyberAgent đầu tư, Foody.vn cũng đã mua lại trang web vnNhahang.com, một website tập hợp 3.000 địa điểm ăn uống tại TPHCM.

Thương vụ đầu tư của CyberAgent trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống trực tuyến đã không còn lạ lẫm khi hồi đầu năm nay, hàng loạt vụ đầu tư trong lĩnh vực này đã được công bố.

Hồi tháng 8 vừa qua, Công ty VCCorp đã bỏ ra 2,6 tỉ đồng để mua lại trang web đặt món trực tuyến Eat.vn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc khối thương mại điện tử (TMĐT) Công ty VCCorp, nói rằng mua Eat.vn nhằm tăng cường thêm nhân sự làm thương mại điện tử và để mở rộng các dự án  hiện có của VCCorp sang đối tượng khách nước ngoài tại Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn TMĐT MJ Group cũng đã mua đứt trang website OrderFood.vn vào hồi tháng 6.

Ngoài MJ và VCCorp tham gia, Công ty Rocket Internet (Đức) cũng nhảy vào mô hình đặt món trực tuyến bằng việc tự xây dựng website HungryPanda.vn vào hồi đầu năm nay.

Bình luận về những vụ mua bán này, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), nói rằng thị trường TMĐT sẽ là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư như VCCorp nhận tiền từ Intel Capital hay MJ được đầu tư 60 triệu đô la Mỹ từ quỹ IDG Ventures Việt Nam, Rebate Networks và Ru-Net. Việc các công ty khởi nghiệp (starup) bị mua lại sẽ xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

Ông Linh cũng nói thêm rằng thị trường TMĐT đang có sự chuyển dịch theo hướng cung cấp dịch vụ. Nếu như trước đây, nói đến TMĐT người ta chỉ nghĩ đến sàn giao dịch, bán lẻ thì nay thị trường đang chuyển dần mảng dịch vụ trực tuyến, mà đặt món trực tuyến chỉ là một trong các dịch vụ đó.

Mạng xã hội nhập cuộc

Trước xu thế ngành dịch vụ ăn uống lên mạng tiếp thị, các mạng xã hội trong nước cũng tỏ ra khá nhạy bén.

Hồi tháng 8 mạng xã hội Zing Me (thuộc Công ty cổ phần VNG) đã đưa ứng dụng thiên đường ẩm thực me.zing.vn/apps/food là nơi tập trung các cửa hàng ăn uống cho ngành hàng ăn uống lên mạng xã hội của mình.

Theo đó, người dùng Zing Me có thể tìm thông tin về quán ăn dựa theo địa điểm và tên loại thức ăn mà họ muốn.

Ngoài ra, người dùng còn có thể đánh giá, nhận xét về một nhà hàng nào đó mà họ đã từng đến. Ứng dụng này hiện đang đăng tải thông tin của hơn 100 cửa hàng.

Ông Nguyễn Văn Đức Trọng, Giám đốc phát triển kinh doanh Zing, cho hay hiện Zing Me có 8 triệu thành viên, trong đó đa phần là những người trẻ có độ tuổi từ 13-25 tuổi. Thêm vào đó, mạng xã hội này cũng có một cộng đồng yêu thích ăn uống lên đến gần một triệu thành viên, hoạt động chủ yếu tại các trang yêu thích (fanpage) như Hội những người thích café, Quán xá bốn phương, Ăn vặt, Hội mê fastfood…

“Đây là lượng khách hàng rất tiềm năng để ngành hàng ăn uống có thể tiếp cận. Hiện, Zing Me cung cấp miễn phí ứng dụng này và cửa hàng lại không tốn bất cứ chi phí nào để quảng bá”, ông Trọng nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới