Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mạng xã hội: không gian kết nối cộng đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mạng xã hội: không gian kết nối cộng đồng

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(TBKTSG) – “Mạng xã hội là mốt của giới trẻ”. Đó là khẳng định của tác giả Nguyễn Vinh trong tham luận có tên “Một khảo sát nhỏ về mạng xã hội Facebook” tại cuộc hội thảo “Mạng xã hội với lối sống giới trẻ TPHCM” do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức cuối tháng qua. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Trưởng ban tổ chức, trong 25 tham luận gửi về hội thảo đa số là của những tác giả trẻ có quan tâm đến trào lưu xã hội này.

Tính hai mặt của thực tế

Từ góc độ vốn xã hội thể hiện qua ba yếu tố: mạng lưới các quan hệ xã hội, sự tin cẩn và các chuẩn mực, quy tắc hành xử, chị Nguyễn Thị Lệ Uyên thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhấn mạnh việc thiết lập niềm tin của cá nhân với cộng đồng trên không gian ảo: “Yêu cầu quan trọng đặt ra cho bạn là ý thức nuôi dưỡng, phát triển các mối quan hệ xã hội ảo đó như những mối quan hệ xã hội thực ngoài đời. Mạng lưới xã hội đúng nghĩa không chỉ có diện tích bao phủ rộng mà còn là những sợi thừng đan kết bền chặt mạng lưới ấy.

Ngược lại, vì tính nhanh chóng, dễ dàng trong kết nối quan hệ xã hội trên trang web mạng xã hội, bạn khó tránh khỏi các yếu tố rủi ro khi đồng ý làm bạn với một người lạ (…). Yếu tố mấu chốt của vốn xã hội chính là sự tin cẩn từ cộng đồng xung quanh đối với chính mình, bạn sẽ vượt qua những hạn chế của mạng xã hội ảo như thế nào để đạt được lòng tin của mọi người” (Một vài nhận định về mạng xã hội ảo từ cách tiếp cận vốn xã hội).

Rất nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc mang lại sự tự do và dễ dàng kết nối, thì những ngụy trang và mạo nhận qua những mối quan hệ trên mạng xã hội ẩn chứa nhiều nguy cơ cho người sử dụng.

Từ cái nhìn xã hội học về tính hai mặt của thực tế đó, với những dự báo đầy âu lo, thạc sĩ Nguyễn Hải Nguyên, giảng viên bộ môn đô thị học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nói về vấn đề quản lý việc sử dụng các mạng xã hội: “Vấn đề không phải của riêng ai mà cần có sự phối hợp của các thiết chế xã hội” (Vài nhận định về mạng xã hội trong giới trẻ TPHCM hiện nay từ góc độ xã hội học).

Nhu cầu bày tỏ và kết nối cộng đồng

Nhìn từ góc độ tiện ích, anh Trần Hoàng Tùng ở Đại học Văn Hiến cho rằng: “Các đô thị nước ta đang hình thành một hiện tượng xã hội mới: “mạng xã hội ảo”. Trong xã hội ảo đó, con người tồn tại, giao thiệp với nhau thông qua việc chia sẻ cảm xúc, ý nghĩ, quan niệm một cách tương đối tự do, không bị ràng buộc về không gian và thời gian mặc dù vẫn phải tuân thủ luật lệ của thế giới thực và những quy tắc ứng xử nhân văn. Mạng xã hội ảo mới manh nha nhưng nhanh chóng trở thành một hiện tượng vì nó đáp ứng nhu cầu được lên tiếng, được bày tỏ và chia sẻ của người dân”.

Qua khảo sát thực tiễn tương tác giữa các thành viên người Việt trên các trang mạng xã hội từ Facebook, MySpace, Twitter, ZingMe,…, từ nhu cầu dễ nhận thấy là kết nối bạn bè và giải trí, ảnh hưởng như một kênh truyền thông, thì mạng xã hội chưa thật nổi trội. Theo bảng đánh giá top 10 trang web được truy cập nhiều nhất ở Việt Nam, gần phân nửa (4/10) là những trang thông tin hay báo điện tử. Trong khi đó, top 10 trang truy cập nhiều nhất ở Mỹ, trên quê hương Facebook và MySpace thì không có trang báo điện tử hay thông tin nào.

Tại Indonesia, 14/30 triệu người sử dụng Internet có tài khoản ở Facebook. Ở Singapore, 50% của 3,4 triệu người dùng Internet xài Facebook. Tại Việt Nam, tỷ lệ dùng mạng xã hội chưa cao – thời gian sử dụng các trang mạng xã hội và blog hiện chỉ chiếm 22% tổng thời gian người sử dụng dành cho các phương tiện trực tuyến. Song, cũng theo tác giả này thì “những phản ứng với Facebook khá tốt, đặc biệt với những chương trình, kế hoạch mang tính hành động, tính cộng đồng cao”.

Gần đây, chính phủ một số nước đã có những động thái cụ thể để ngăn chặn và kiểm soát sự lớn mạnh của mạng xã hội. Việc kiểm soát, kiểm duyệt nội dung của các tài khoản người sử dụng các trang mạng xã hội đã dẫn đến nhiều tranh cãi và bất đồng trong giới sử dụng. Sự lo lắng của nhà quản lý, các cơ quan chức năng trước cơ chế vận hành, hoạt động của mạng xã hội là dễ hiểu.

Song, một hành lang mở cho mạng xã hội phát triển và phát huy tối đa tiện ích, tính hữu dụng của nó, kích thích sự chia sẻ ý tưởng, những thông tin có giá trị nơi người sử dụng sẽ tạo ra đề kháng tốt nhất để giảm thiểu mầm mống tiêu cực trên xa lộ ảo và cả trong thế giới thực. Không thể vì một vài vụ va quệt giao thông trên xa lộ mà phải kéo barie chặn đứng xa lộ hoặc khuyến khích toàn dân lưu thông bằng… đường hẻm.

Mạng xã hội cần một cái nhìn, một cơ chế mở hơn là những thiết chế kiểm soát và khống chế. Hơn nữa, việc kiểm soát và khống chế sẽ trở nên bất khả giữa xu thế phát triển từng ngày của công nghệ thông tin trong thời đại mạng toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới