Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mạnh tay với làm giá chứng khoán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mạnh tay với làm giá chứng khoán

Lưu Hảo

Nhà đầu tư chứng khoán trên sàn của SSI. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Lần đầu tiên giới đầu tư chứng khoán đồng thuận phản ứng tích cực trước thông tin ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Viễn Đông (DVD – Hose) bị bắt tạm giam vì hành vi thao túng giá chứng khoán theo điều 181c Bộ luật Hình sự. Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM lập tức ra thông báo đưa cổ phiếu DVD vào diện cảnh báo từ ngày 30-11-2010.

Đại diện các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nội và ngoại, nhà đầu tư cá nhân, tổ chức mà TBKTSG tham khảo ý kiến đều nhất trí đó là việc cần thiết phải làm nhằm “quét sạch” hoạt động làm giá cổ phiếu, vốn làm thị trường “méo mó” cả năm nay, từ đó gây dựng sự minh bạch, khuyến khích nhà đầu tư cũ trở lại, thu hút nhà đầu tư mới.

Nỗi khổ của Dược Hà Tây

Trước khi ông Dũng bị bắt bốn ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt hành chính DVD 50 triệu đồng. Lý do là ngày 22-6-2010 ông Dũng, DVD và Công ty Đầu tư Y tế Medi (cổ đông lớn của DVD) đã mua cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược Hà Tây (DHT – Hnx) số lượng lớn, lên tới 28,68%, nhưng không thực hiện chào mua công khai, vi phạm quy định của Nghị định 36/2007/NĐ-CP.

Việc xử phạt hành chính như vậy gần đây xảy ra với tần suất ngày càng dầy. Không ít người đã tưởng rằng vụ việc của DVD cũng chỉ xử lý ở mức độ nhẹ, rồi “chìm vào quên lãng”.

DHT có vốn điều lệ 41 tỉ đồng, niêm yết vào tháng 12-2008. Kể từ ngày lên sàn cho đến cuối tháng 5-2010 giá DHT dao động trong khoảng 20.000-35.000 đồng/cổ phiếu. Thế rồi chỉ trong vòng năm tuần, từ 20-5 đến 29-6-2010, giá cổ phiếu công ty này liên tục tăng, vọt lên mức 61.700 đồng. Đó cũng là thời điểm ông Dũng và DVD đã có trong tay gần một phần ba số lượng cổ phiếu lưu hành của DHT.

Từ đấy, trong phần công bố thông tin của DHT chỉ thấy toàn báo cáo giao dịch mua – bán cổ phiếu của những cổ đông lớn, nắm giữ hàng trăm ngàn cổ phiếu/người. Lúc họ đăng ký mua, lúc đăng ký bán. Ngày 20-8-2010, bốn cổ đông lớn đăng ký bán cùng thời điểm tới 1,92 triệu cổ phiếu, bằng 46,7%. Sự biến động giá cổ phiếu Dược Hà Tây là điều tất yếu phải xảy ra, từ 60.000 đồng chạy lên hơn 100.000 đồng, sau đó rớt về 50.000 đồng/cổ phiếu. Đi sau những phiên dư mua giá trần hàng triệu cổ phiếu là những phiên dư bán giá sàn cũng hàng triệu.

DHT khi phát hiện ra sự việc có thể bị thâu tóm đã tự vệ bằng cách mua cổ phiếu quỹ và phát hành cổ phiếu tăng vốn. Ý định phòng vệ phá sản khi nhóm cổ đông lớn và ông Dũng biểu quyết không tán thành nhờ tỷ lệ cổ phiếu sở hữu lớn. Điều đáng nói là DHT đã mất quá nhiều công sức cho việc trả lời cổ đông, khách hàng, đối tác làm ăn về sự lên xuống bất thường của giá cổ phiếu, về đối phó với nguy cơ bị thâu tóm. Cái giá quá đắt mà lỗi không phải do họ.

Mạnh tay răn đe

Năm 2010 có thể gọi là năm làm giá cổ phiếu của chứng khoán. Các công ty vốn nhỏ, khối lượng cổ phiếu lưu hành thấp thường là đối tượng của nhóm các nhà đầu cơ. Rất ít những công ty nhỏ làm ăn hiệu quả, nên thông thường giá cổ phiếu thấp, người ta có thể đẩy giá mà không cần nhiều vốn. Tác hại lớn nhất của sự làm giá đó là tạo nên cái nhìn lệch lạc về thị trường trong mắt những nhà đầu tư chân chính. Những tổ chức hay tự doanh của những công ty chứng khoán tên tuổi không thể giải ngân vào những cổ phiếu mà giá trị cơ bản là những con số tầm thường, thậm chí thua lỗ. Có những người đã không còn tin chứng khoán từ những vụ làm giá, ban đầu họ còn lên tiếng, sau họ im lặng đứng ngoài, rời bỏ thị trường. Giống như bạn yêu một ai đó, khi anh ta (cô ta) còn dằn dỗi, la mắng, khóc lóc, nài nỉ… thì vẫn còn đâu đó bóng dáng tình yêu. Nhưng khi sự im lặng bắt đầu, hãy coi chừng!

Nhìn trở lại, không khó điểm mặt các vụ giá cổ phiếu thay đổi bất thường như PVA, AMV, VHG, HTV, AGC, VTV, VSP, SRA, AAA… Có thời điểm, cổ phiếu càng lỗ càng lên giá, tăng gấp hai, ba lần giá ban đầu. Cơ quan quản lý có biết những vụ làm giá đó không? Phần lớn là biết. Chỉ cần quan sát giao dịch bất thường vài ba phiên của cổ phiếu làm giá là phát hiện ra. Hiện nay, Trung tâm Lưu ký có thể quản lý tới tài khoản của từng nhà đầu tư và cũng có thể lọc ra những tài khoản có khối lượng cổ phiếu tăng giảm đột biến. Việc mua tay phải, bán tay trái của một nhóm nhà đầu cơ, vì thế có thể kiểm soát được.

Ở Hose hoặc Hnx, bộ phận giám sát giao dịch còn có thể kiểm tra cụ thể lượng cổ phiếu đặt mua, đặt bán, lệnh lớn lệnh nhỏ đến từ công ty chứng khoán nào, mã tài khoản nào… Nói như lãnh đạo một sở, công nghệ thiết bị cho phép nhìn rõ các giao dịch bất thường, nhưng vấn đề là các sở có quyền công bố và xử lý không, nếu có đến mức độ nào, vì bảo mật là một nguyên tắc của giao dịch chứng khoán.

Xử lý các vụ làm giá, do đó, thường được các sở báo cáo lên bộ phận thanh tra UBCKNN. Ngoài việc xử phạt hành chính, chủ yếu bằng tiền, ủy ban chưa thể làm gì khác. Gần đây việc sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán đã trao thêm quyền cho UBCKNN và Bộ Tài chính trong xử lý các trường hợp thao túng, lũng đoạn thị trường. Sẽ cần có những thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể. Còn từ phía Bộ luật Dân sự, các văn bản dưới luật này cũng cần cụ thể hóa hơn tội danh thao túng giá chứng khoán.

Mức độ xử phạt cho các hành vi lũng đoạn giá chứng khoán đang trở nên nghiêm khắc hơn như tịch thu toàn bộ số lời thu được từ thao túng giá, kể cả xử lý hình sự như vụ việc ông Dũng. Cách thức xử lý vụ việc ông Dũng đang tỏ rõ tác dụng răn đe của nó. Nó đồng thời cảnh báo mức độ trầm trọng của hiện tượng làm giá và đòi hỏi mức chế tài cao hơn.

Để kết luận, xin trích dẫn ý kiến của một nhà đầu tư nước ngoài lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán Việt Nam: “Chúng tôi ủng hộ cách xử lý của Nhà nước đối với vụ việc DVD, hy vọng sẽ còn những vụ việc khác được xử lý đến nơi đến chốn”.

Công ty Chứng khoán Mê Kông, trong 10 ngày qua đã tiếp xúc với 25 quỹ đầu tư tại châu Âu, châu Á, trong đó có một số đã đầu tư, số khác chưa từng đến Việt Nam. Có những quỹ đã giao dịch ở Việt Nam không hài lòng với công ty môi giới của họ. Mười quỹ quan tâm đến Việt Nam và chuẩn bị mở tài khoản lần đầu. Mười quỹ khác tỏ ra quan tâm đến thị trường nhưng chưa mở tài khoản giao dịch trong tương lai gần. Một trong những lý do khiến họ quyết định chưa vào là hoạt động thao túng giá làm lệch lạc thị trường. Mạnh tay hơn với làm giá cổ phiếu, như thế, là điều cả thị trường đang trông chờ ở cơ quan quản lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới