Thứ Hai, 2/10/2023, 18:43
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Mất cân bằng giới tính đã ở mức nghiêm trọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mất cân bằng giới tính đã ở mức nghiêm trọng

Hạnh Thư

Mất cân bằng giới tính đã ở mức nghiêm trọng
Việc mất cân bằng giới tính khi sinh cũng liên quan đến mức sống của từng gia đình, khu vực – Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Hiện tại, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đã ở mức nghiêm trọng, với tốc độ gia tăng nhanh và ngày càng lan rộng trên các khu vực. Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, chia sẻ tại hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh, do Bộ Y tế tổ chức diễn ra ngày 3-11 tại Hà Nội.

Chưa thể giảm ngay

Theo số liệt thống kê, những năm gần đây, chênh lêch giới tính khi sinh vẫn tiếp tục tăng cao: 111 bé trai trên 100 bé gái năm 2010, gần 112 bé trai trên 100 bé gái năm 2011, và hơn 112 bé trai trên 100 bé gái năm 2012. như vậy, từ năm 2006 đến 2008, bình quân mỗi năm tăng 1,15 điểm phần trăm; từ năm 2009 đến 2012, mỗi năng tăng bình quân khoảng 0,6 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, 10 tỉnh có tỷ lệ giới tính khi sinh cao nhất đã là 119,7 trở lên. Có tới 18 tỉnh/thành phố có tỷ lệ giới tính khi sinh 115 trở lên. Những tỉnh thành có mức chênh lệch tỷ lệ giới tính khi sinh cao là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng…

Ông Trọng cho hay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta diễn ra khá muộn so với nhiều nước khác trên thế giới nhưng lại xảy ra với tốc độ nhanh. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam với các quốc gia khác chính là việc người dân lựa chọn giới tính ngay từ lần sinh đầu tiên. Ở lần sinh thứ ba trở lên, tỷ lệ giới tính khi sinh lên tới 119,7 bé trai trên 100 bé gái.

Một vấn đề đáng báo động nữa là tại những vùng kinh tế xã hội càng phát triển, các hộ gia đình có thu nhập cao, các cặp vợ chồng có trình độ học vấn càng cao thì tỷ lệ giới tính khi sinh lại càng cao.

Báo cáo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, nếu không có sự can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh thì tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam có thể tiếp tục tăng lên khoảng 115 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2015, 125 bé trai trên 100 bé gái năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2049. Như vậy, vào khoảng năm 2050 số nam giới tại Việt Nam có thể vượt nữ từ 3,3 đến hơn 4 triệu.

Tình trạng này, theo ông Tiến, chưa có nhiều thay đổi đến năm 2025. Tuy nhiên, khi các em đến tuổi kết hôn sẽ kéo theo một loạt hệ luỵ khó lường về an ninh và trật tự xã hội. Việc thiếu phụ nữ có thể sẽ khiến các bé gái nghỉ học sớm hơn để kết hôn; hoặc làm gia tăng nhu cầu về mại dâm, buôn bán phụ nữ… Không những thế, Việt Nam lại nằm trong khu vực có nhiều nước đã xảy ra tình trạng thừa nam thiếu nữ, cộng thêm làn sóng phụ nữ di cư ra nước ngoài vì lý do hôn nhân, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn nhiều so với các nước có tình trạng tương tự.

Dù đã có nhiều chính sách can thiệp nhằm giảm sự gia tăng về tỷ lệ giới tính khi sinh, nhưng Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho hay, dù cố gắng mấy, tỷ lệ giới tính khi sinh sẽ vẫn tiếp tục tăng. Ngành dân số phấn đấu trong những năm tới, tỷ lệ này tăng không quá 0,5 điểmphần trăm, để đến năm 2020, con số này quay chiều giảm xuống.

Nguyên nhân

Theo các đại biểu trong ngành dân số, một trong những vấn đề cốt lõi khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm bởi quan niệm thích con trai, coi trọng con trai hơn con gái.

“Sinh con gái thì ngồi mâm dưới; sau khi con gái lấy chồng thì phụng dưỡng nhà chồng; một số vùng miền cần lao động nam; hay những gia đình không có con trai, khi cha mẹ mất, con gái không được cầm di ảnh mà phải nhờ cháu trai con nhà anh, nhà em… Đó là quan niệm khiến nhiều gia đình tại Việt Nam cố gắng đẻ cho bằng được con trai”, ông Tiến chia sẻ.

Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển, nhất là ở các khu vực nông thôn, nơi có tới 70% dân số đang sinh sống. Người già hầu hết không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội; tất cả phụ thuộc vào khả năng phụ dưỡng của con, mà theo quan niệm truyền thống, trách nhiệm này chủ yếu thuộc về con trai.

Nhóm nguyên nhân phụ trợ cũng xuất phát trừ những chuẩn mực xã hội như gia đình quy mô nhỏ cũng tạp áp lực giảm sinh, khi mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1 đến 2 con. Điều này, dường như xung đột với văn hóa truyền thống là phải có con trai bằng mọi giá. Chính sự xung đột này đã tạo áp lực đối với các cặp vợ chồng, vừa mong muốn có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Đây chính là động lực khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh dẫn đến việc mất cân bằng.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi như sàng lọc tinh trùng, siêu âm, chẩn đoán, phá thai vì lý do giới tính… Tuy nhiên, thực tế những sai phạm này vẫn diễn ra nhưng hầu hết không thể xử phạt. Bởi để xử lý được điều này cần có bằng chứng cụ thể về việc cơ sở khám chữa bệnh đưa ra những tiết lộ về giới tính trước khi sinh. Nhưng trên thực tế, những cơ sở này chỉ nói miệng với nhau là “giống bố hay giống mẹ”.

“Điều này rất khó xử lý và không pháp luật nào có quy định xử lý những trường hợp trên”, ông Trọng nói.

Nóng về mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo ông Tiến, trong những năm tới, với sự phát triển kinh tế-xã hội, mức sống của người dân sẽ tiếp tục được cải thiện nên theo quy luật, mất cân bằng giới tính khi sinh có thể ngày càng lan rộng về mặt địa lý và ở các nhóm kinh tế xã hội khác nhau. Điều này có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng tỷ lệ giới tính khi sinh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh đang là vấn đề nóng của Việt Nam. Sự gia tăng này trong những năm qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại.

“Con số này sẽ không thể giảm được nhanh trong thời gian tới nhưng chúng ta vẫn phải làm. Cần truyền thông mạnh hơn nữa, giảm tư tưởng ‘trọng nam, khinh nữ’, giáo dục con cái có trách nhiệm với cha mẹ không phân biệt con trai, con gái”, Phó thủ tướng nói.

Ngành dân số hiện đặt ra mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức 115 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, theo ông Dương Quốc Trọng “mục tiêu này thực sự khó khả thi”.

Bởi theo đại diện Tổng cục Dân số, trong quá trình tác động nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, khâu truyền thông, tác động vào nhận thức của mỗi người dân, mỗi cặp vợ chồng là rất quan trọng. Tuy nhiên, mức kinh phí dự trù cho công tác dân số năm 2013 có khả năng sẽ bị cắt giảm 123 tỉ đồng (chi phí cho truyền thông) trong tổng số 970 tỉ đồng – tương đương với năm 2012.

Hơn nữa, việc Bộ Tài chính lên kế hoạch cắt giảm phụ cấp cho hệ thống cộng tác viên, những người làm công tác dân số trong năm 2013 có thể sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống tuyên truyền cấp cơ sở mà ngành dân số xây dựng từ năm 2008 tới nay. Điều này cũng tạo ra gánh nặng cho mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về gần mức an toàn trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới