Mất mùa từ đồng tới biển
![]() |
Dọc theo đường lộ 1 A hiếm có nơi nào có được đồng lúa chín vàng này như ở thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hoà. Đồng lúa này không mất mùa nhờ gieo sạ sớm, còn gieo sạ chính vụ phần lớn bị hư hại nặng do thời tiết – Ảnh: HỒNG VĂN |
(TBKTSG Online) – Nông, ngư dân các tỉnh duyên hải nam trung bộ đang đối mặt với một mùa màng thất bát hiếm thấy từ trồng lúa ở đồng bằng tới nuôi tôm, đánh bắt cá của ngư dân ven biển mà nguyên nhân chính là khí hậu thất thường, môi trường ô nhiễm.
Lúa mất mùa
“Hồi nẳm (ý nói xưa lắm) tới giờ, chỉ có năm nay mới như vậy”, bà Mận trạc 60 tuổi ở thôn Phú Đa, xã Hoà Tân Đông, huyện Đông Hoà, Phú Yên, thốt lên như vậy. Chỉ tay ra cánh đồng lúa Tuy Hoà nổi tiếng cò bay thẳng cánh của miền Trung, bà Mận nói bây giờ lúa vụ đông xuân đang chuẩn bị làm đòng (tức đang chuẩn bị trỗ bông), vậy mà trong chục đám lúa (thửa ruộng) thì có tới 3-4 đám bị hư hại nặng.
Đợt rét lạnh, rét hại các tỉnh phía bắc kéo dài hơn 1 tháng hồi Tết Mậu Tý qua tuy không tác động trực tiếp tới các tỉnh duyên hải nam trung bộ như Phú Yên, Khánh Hoà nhưng đã gây mưa nhiều, ngập lụt trái mùa, nhằm vào lúc nông dân đồng lúa Tuy Hoà xuống giống gieo sạ vụ lúa đông xuân 2007/2008.
Bà Mận cho biết, ngoài chuyện ngập lụt làm lúa mới gieo sạ bị hư hại nặng, nhiều đám ruộng sau ngập lụt phải sạ lại, vừa tốn kém phân, thuốc, giống, làm tăng tốn kém cho nông dân, mà còn trễ mùa vụ, đồng nghĩa với năng suất thấp, dịch bệnh nhiều hơn.
“Thời tiết năm nay lạ quá, hàng chục năm qua mới thấy”, ông Tám Hùng ở xã Hoà Vinh của huyện Đông Hoà, cho hay. Mọi năm, qua Tết thường trời nắng ráo, cây lúa mới sinh trưởng tốt, đẻ nhánh làm đòng tốt thì năng suất mới cao. Còn như từ Tết tới nay, thời tiết miền Trung như “trái gió trở trời”. Bầu trời luôn âm u, có khi cả tuần mới thấy ánh mặt trời, rồi mưa liên tục, mưa dầm dề như tháng 11, 12, tức thời gian mưa nhiều và lạnh lẽo nhất miền Trung.
Trong hơn 10 ngày đầu tháng 3 này, lẽ ra mọi năm trời nắng ráo nhưng hiện tại trời lại mưa liên tục, hết mưa nặng hạt tới mưa dầm, trời âm u. Hiếm hoi lắm mới có một ngày có ánh mặt trời được vài giờ. Tiết trời thì se lạnh rất khác thường
Tại nhà máy xay xát gạo của anh Chương ở xã Hoà Tân Đông, tiếng máy gạo không át nổi tiếng cãi cọ tranh mua lúa của hai thương lái chuyên mua lúa. Mấy hôm trước, một nông dân đồng ý bán lúa cho thương lái này giá 4.100 đồng/kg nhưng giờ thấy thương lái kia trả tiền mua lúa giá tới 5.100 đồng/kg, thế là phát sinh cãi cọ.
“Giá lúa bây giờ 5.100 đồng/kg. Từ trước tới giờ chưa hồi nào thấy cao như vậy mà người ta giành giật để mua vì ai cũng nhìn thất viễn cảnh mất mùa lúa đông xuân đang tới gần”, anh Chương nói.
Đồng lúa Tuy Hoà nổi tiếng nhất miền Trung, nó bao trùm lên cả huyện Đông Hoà, Tây Hoà, thành phố Tuy Hoà và huyện Phú Hoà của Phú Yên. Nhưng dọc theo quốc lộ 1, cảnh thửa ruộng lúa bị hư hại khá nhiều, dân chẳng buồn gieo cấy lại vì đã trễ mùa vụ, hiếm hoi lắm mới thấy vùng lúa xanh tốt đều đặn.
Vào tuần trước, khi còn đang ở huyện Ninh Hoà và Vạn Ninh của Khánh Hoà, người viết bài còn nghe nông dân than phiền lúa mùa này quá thất bát, hiếm hoi lắm mới thấy có một vùng lúa chín vàng (trà gieo sớm) hay xanh tốt, nhiều ruộng lúa bỏ không.
Biển “đói”
![]() |
Đồng muối ở xã Ninh Hải trống vắng chẳng thấy bóng người, chỉ toàn là nước mưa, mà trời thì âm u. Lẽ ra vào thời điểm này muối trắng đồng-Ảnh: HỒNG VĂN |
Mọi năm độ này thì dân trong xã lo “cào” (tức thu hoạch muối) muối mệt nghỉ. Muối trắng đồng. “Còn năm nay, diêm dân chỉ tụ tập uống cà phê chứ chẳng có muối mà cào”, anh Nhơn, một diêm dân ở xã Ninh Hải, huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà, nói.
Ninh Hải nổi tiếng làm muối với địa danh muối Hòn Khói. Cánh đồng muối, có cả nuôi tôm của xã Ninh Hải, dù là 10 giờ sáng nhưng chẳng thấy bóng dáng một ai cả.
Anh Nhơn cho biết trời thì âm u, mưa rỉ rả liên tục thì đồng muối xem như bỏ không, còn đìa tôm thì chẳng ai dám thả tôm nuôi, lỡ có thả thì tôm chết sạch vì độ mặn thay đổi đột ngột khi có mưa nhiều.
Nhiều chủ ghe đánh bắt cá ở xã Ninh Hải phải nằm bờ do biển động, trời mưa không có cá. Cách đó vài chục cây số là ngư dân ở thị trấn Vạn Giã hay ngư dân trên bán đảo Hòn Gốm cũng chẳng khác gì hơn, chỉ lo ngồi uống cà phê nhìn ra biển mà trời thì âm u.
Dân xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh của bán đảo Hòn Gốm, ngoài đi biển, còn nuôi tôm hùm thì năm nay cũng thất bát, tôm không chịu lớn, lại cứ chết lai rai, thiệt hại nhiều mà dân nói là nước biển càng ngày càng “độc” nên tôm mới như vậy.
Giá dầu lên cao mà biển thì động nên ra khơi đồng nghĩa với thua lỗ, cá kéo lưới thu được chẳng đủ trả tiền dầu.
Ra thôn Vũng Rô của xã Hoà Xuân Nam, nằm ngay vịnh Vũng Rô của tỉnh Phú Yên, anh Dũng, một ngư dân ở đây, cho biết, mấy tháng qua, cứ một tuần anh leo lên ghe ra biển được có 2-3 ngày. “Có ngày cá thu được chỉ đủ chia cho 5-7 người trên ghe mang về cho vợ nấu ăn chứ chẳng có để bán. Lỗ nặng là cái chắc”, anh Dũng than thở.
Anh Nhân, trưởng thôn Vũng Rô thốt lên: “hổng biết sao tự dưng năm nay như vầy, biển “đói” lắm”. Cả thôn gần như sống bằng nghề đi biển mà ghe thì cứ neo trong vịnh Vũng Rô chứ ít có chiếc ra khơi chong đèn. Mọi khi ban đêm, đi ngang qua Đèo Cả, nhìn xuống vịnh Vũng Rô thấy ghe chong đèn đánh cá sáng choang cả vịnh, nay thì đìu hiu vài chiếc chong đèn.
![]() |
Trời âm u, biển động, giá dầu tăng, ghe đi biển cứ neo đậu tại chỗ chứ ít ra khơi xa – Ảnh: HỒNG VĂN |
Dọc con đường Bãi Ngà Phước Tân, con đường ven biển của huyện Đông Hoà, Phú Yên, đìa tôm trống vắng chẳng thấy ai thả nuôi. Anh Tích, một người dân sống ven đường này ở xã Hoà Hiệp Trung, cho biết mấy năm trước nhà anh làm nghề bán thức ăn thuỷ sản cho dân nuôi tôm. Nay anh chuyển qua làm nghề sửa xe đạp, xe máy.
“Tôm hai năm nay chết dữ quá, dân nuôi tôm thua lỗ, giựt nợ dữ quá nên tôi dẹp tiệm”, anh Tích nói. Thường dân nuôi tôm sú trong vùng cứ mua thức ăn thuỷ sản theo kiểu mua nợ, cuối mùa thu hoạch tôm trả một lần nhưng trúng mùa thì không sao, còn thất mùa liên tục thì chủ đìa tôm chẳng còn tiền để trả cho đại lý bán thức ăn như nhà anh Tích.
Ngoài yếu tố môi trường biển ngày càng ô nhiễm, tôm nuôi dễ bị chết hàng loạt, anh Tích cho biết thời tiết mưa nắng thất thường như mấy tháng qua cũng làm cho dân nuôi tôm “đói” luôn, chẳng ai màng tới đìa tôm, lo kiếm nghề khác mà làm thuê mướn và Sài Gòn là điểm mà thất mùa nông dân hay vào đó kiếm sống như bán vé số, làm phụ hồ.
HỒNG VĂN