Mất tiền tỉ cho bảo lãnh thuế nhập khẩu
Thái Hằng
![]() |
ông Nguyễn Phạm Thanh, Tổng giám đốc Công ty Highland Dragon phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thái Hằng |
(TBKTSG Online) – Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), riêng khoản phí mà doanh nghiệp ngành thủy sản phải đóng cho ngân hàng bảo lãnh khi nhập khẩu nguyên liệu sẽ lên đến 70 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep cho hay nếu tính Việt Nam nhập khẩu 600 triệu đô la Mỹ/năm với mức thuế nhập khẩu bình quân là 20%, số thuế không được ân hạn sẽ là 120 triệu đô la Mỹ. Ngân hàng tính phí bảo lãnh là 2,5% tương ứng 3 triệu đô la Mỹ trong vòng 12 tháng, cộng với lãi suất của 3 triệu đô la Mỹ là 12%/năm thành 3,36 triệu đô la Mỹ, tương đương 70 tỉ đồng.
“Có thể thấy rằng trạng thái thuế nhập khẩu không đổi (không thu thêm được thuế), mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản phải mất đi 70 tỉ đồng/năm, đưa vào chi phí sản xuất. Có thể thấy chỉ có ngân hàng tăng doanh thu từ khoản thu hộ này”, ông Nam cho hay tại hội nghị lấy ý kiến “Dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng” do Vasep tổ chức chiều ngày 15-10.
Đa số các doanh nghiệp thủy sản đều phải dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu một khoảng thời gian nhất định trong năm, khi rơi vào mùa biển động, tàu thuyền không đánh bắt được.
Phản hồi ý kiến doanh nghiệp cho rằng quy định trên làm phát sinh chi phí do phải có tài sản đảm bảo để ký quỹ, Tổng cục Hải quan, đơn vị phối hợp soạn thảo dự thảo trong công văn 4895 cho rằng doanh nghiệp có thể sử dụng các L/C (Letter of credit – Tín dụng thư) của lô hàng kế tiếp làm tài sản ký cược bảo lãnh và không làm phát sinh tài sản ký quỹ.
Đối với phản hồi trên, ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương chuyên về sản phẩm cá ngừ cho rằng những người soạn văn bản đang xa rời những người nộp thuế. “Đâu phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng phương thức thanh toán mở L/C. Các khách hàng ở châu Âu trong bối cảnh kinh tế suy giảm hiện nay cũng rất ngại ký quỹ ở ngân hàng”, ông Nam nói.
“Nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận rồi tăng nguồn thu từ phần thuế đó, thay vì gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Nam nhận xét.
Là đơn vị kinh doanh sản phẩm thủy sản đóng hộp và có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, ông Nguyễn Phạm Thanh, Tổng giám đốc Công ty Highland Dragon cho hay rất bất ngờ với thông tin trên.
Ông Thanh cho hay là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chính cam kết ưu đãi của nhà nước cùng môi trường kinh doanh thân thiện đã thu hút nhà đầu tư từ ngày đầu. “Nhưng hiện nay những thay đổi, sự thiếu ổn định về mặt chính sách đang làm cho chúng tôi rất thất vọng”, ông Thanh nói.
Vasep cho hay sẽ có văn bản gửi Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về vấn đề này trong kỳ họp thứ 4 ngày 22-10 tới đây. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng sẽ tiến hành vận động để giảm thuế nhập khẩu xuống 0%.
Theo Vasep, trong 2 năm trở lại, lượng và giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản tăng mạnh, trên 2 con số. Giá trị nhập khẩu tăng từ 247,7 triệu đô la Mỹ năm 2007 lên 541 triệu đô la Mỹ năm 2011, tăng 2,2 lần. Riêng năm 2011, nguyên liệu nhập khẩu đóng góp khoảng 900 triệu đô la Mỹ giá trị xuất khẩu. Dự kiến giá trị nhập khẩu năm 2012 sẽ trên 600 triệu đô la Mỹ. |