Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Màu ngoại ô cao nguyên

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Những ngôi làng bốn mùa rực rỡ muôn hoa, cứ như thể tự nhiên cho cỏ hoa hào phóng để con người quên đi cái nghèo, cái lạnh mà ở lại với đất đai, núi đồi từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác… Họ tạo nên vẻ thuần chất của những vùng ngoại ô miền cao.

Các thành phố Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Pleiku hay Kontum đều có những vùng ngoại ô bốn mùa rực rỡ muôn hoa như vậy. Số phận bên rìa thành phố dễ thường đi với sự lãng quên. Chúng tạo nên một vành đai nhẹ nhàng bên ngoài sự phát triển của thành phố. Với những du khách đi thoáng qua, thật dễ dàng để quy giản cảnh sống ngoại vi ấy vào các tính từ: đơn điệu, nghèo nàn, hẩm hiu và quên lãng.

Trại Mát, Cầu Đất, Trạm Hành vẫn trực thuộc Đà Lạt đó thôi. Chỉ cách trung tâm thành phố sương mù trong vòng 35 cây số nhưng tính chất ngoại ô ở cung đường này được thể hiện thật rõ: đó là một sự tách biệt về cảnh sống, nếp sinh hoạt của khu trung tâm. Vào thời Pháp thuộc, đây là những vùng đất hoang vắng cho đến khi núi rừng rộn ràng bởi tiếng còi tàu của tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt vào thập niên 1920. Dân tứ xứ đổ về làm vườn rau, vườn hoa, làm công nhân đồn điền chè…, tạo nên một vùng nông nghiệp trù phú và hình thành những cụm dân cư, lâu dần phát triển thành những thị tứ nghèo mang vẻ đẹp thơ mộng nhưng cô lẻ. Con lộ nối Đà Lạt với Dran qua ngõ Xuân Thọ nhỏ nhắn quanh co dưới những cánh đồi thông và chè lâu năm cứ như xưa sao giờ vậy. Các nhà kho, nhà ga hoang phế và những khu chợ tập kết nông sản để phân phối cho miền xuôi bằng tàu hỏa trong quá khứ vẫn còn trong bộ dạng hoang phế như thể quá khứ đã không muốn trôi đi.

Trong các tùy bút của những văn nhân miền Nam một thời viết về Đà Lạt thì những vùng đất này cũng để lại nhiều dấu ấn hoài niệm bên cạnh một Đà Lạt giàu có ký ức. Hoài niệm về một vùng hoang vu hiu quạnh có khi là qua một ánh đèn hắt hiu nơi sân ga giữa đêm sương, một khoảng sân nhà vườn nhiều hoa hay một ánh mắt của cô thôn nữ thẫn thờ nhìn theo chuyến tàu. Trong một bài thơ về Dran, Đinh Cường viết: “Mấy mươi năm dấu ngựa thồ đã mất/ làm sao tìm mấy bậc thềm rêu/căn nhà gỗ có người đứng ngóng/gã thanh niên lang bạt kỳ hồ/đêm qua đèo Dran ngang ga Đa Thọ ngọn đèn bão nào đốm sáng âm u/ôi một thời đường xe lửa răng cưa/tiếng rít sắt cuối cùng và nụ hôn rừng núi” (Đêm trở lại Dran). Thế hệ những nghệ sĩ lãng mạn miền Nam như Đinh Cường đã dành cho vùng đất bên lề này một sự lưu luyến sâu nặng bởi đây là những nơi chốn họ tìm thấy một nguồn cảm hứng, một khuôn mẫu lý tưởng cho không gian bình yên mang vẻ đẹp mộng mị, thoát ly.

Như được mặc định là vùng bên ngoài của phát triển đô thị, các vùng ngoại ô được những cơn lốc cuồng khấu nương tay. Hay nói khác đi, nếu có chịu tác động bởi sự phát triển đô thị thì chúng cũng không chịu áp lực nặng nề và ào ạt như các khu trung tâm. Bao giờ cũng vậy, ở những nơi đó luôn cất giấu được kho tàng của sự thảnh thơi, quạnh hiu và chậm chạp bên cạnh những nội ô náo nhiệt dịch biến.

Thỉnh thoảng, ta có thể gặp ở những vùng ngoại ô xa vắng ấy thấp thoáng dấu vết của những gì xưa cũ mà các làn sóng đổi thay đã bào mòn và lấy mất ở các trung tâm đô thị. Có thể thấy đây đó những người bản địa gùi lan ra chợ mỗi sớm ở Tà Nung, xã Lát, thấy những chiếc xe ngựa thồ hàng trong sương sớm, thấy nhiều nếp nhà gỗ xinh với khoảng sân đầy hoa ở Túy Sơn, Xuân Trường. Cảnh sống chậm rãi thanh bình của những cung đường còn rộn ràng sắc dã quỳ nhuộm vàng vào mùa đông và rực hồng sắc anh đào vào mùa xuân. Không khí cũng sẽ thoáng đãng hơn với những dãy nhà như giai điệu nương vào tự nhiên. Ngoại ô Đà Lạt làm cho nhiều người vỡ lẽ rằng, trong khi chịu phận bên lề, những vùng đất này lại là nơi giữ gìn nhiều giá trị bản sắc miền xứ hơn cả sự ồn ào của các đô thị trung tâm. Một trong những giá trị cốt lõi đó chính là cảnh sống nhàn tản và phóng khoáng mà các vùng khác không thể có.

Từ đó, trong vai một du khách, ta dễ có cái cảm giác muốn tìm về vùng ngoại ô để thỏa mãn hoài niệm về một khu trung tâm. Với những thành phố “tĩnh tại” hơn như Kontum, Pleiku, các vùng ngoại ô duyên dáng đó càng dễ tìm. Có thể chỉ trong vài ba cây số là đã gặp những bến nước, rẫy nương của người bản địa Banar ở Đăk Rơ Wa. Hay có thể thấy ngay “màu ngoại ô” tại ngôi làng Plei Ốp, trong một thành phố Pleiku đã mở rộng và làn sóng phát triển đã nhiều lần biến đổi theo huyết áp thất thường của tiêu, cà phê, bất động sản.

Nếu rong ruổi vào mùa xuân trên những cung đường đẹp thì “màu ngoại ô” sẽ không đâu xa – là khoảng đường hơn 50 cây số nối giữa Pleiku và Kontum. Những ngôi làng, thị tứ bên đường mang vẻ đẹp bình dị đặc trưng vùng cao. Những khoảng sân đất đỏ bazan với hoa mai vàng rực rỡ, những tán mai lớn phủ lên nếp nhà khiêm nhượng và những rẫy cà phê bạt ngàn. Hàng quán bên đường vẫn đơn sơ, xộc xệch, lưa thưa khách và những bãi chợ dân dã bình dị. Ta dễ gặp ở đó những con người trầm tĩnh nhất trước mọi đổi thay của thế giới bên ngoài. Họ giấu trong kho tàng của lòng mình báu vật của một đời sống biết đón nhận mọi thứ xảy đến với một sự bình tĩnh lạ thường. Họ không nhoài về phía phố, không bị phố cám dỗ và cũng không biệt lập, thoát ly hoàn toàn.

Ở tọa độ ngoại ô của một đô thị, nhịp sống mang sắc thái dung hòa trong vẻ nhàn dật lặng lẽ. Lẽ dĩ nhiên thời bây giờ sẽ không còn nơi chốn nào thực sự yên tĩnh và quạnh hiu như ngày cũ trong tranh vẽ và thơ văn của các nghệ sĩ theo trường phái lãng mạn.

Đôi khi điều khiến ta nhớ nhung và mong muốn quay lại với một đô thị cao nguyên không phải vì sự phù phiếm rộn ràng của nó, không phải vì kho tàng câu chuyện về đời sống dày đặc được tạo nên từ các khát khao phát triển, mà lại là những nét duyên vùng cao trong hồi ức. Ta đến với một trung tâm có khi chỉ để làm nơi dừng chân tạm thời. Các ngoại ô xa vắng, thanh bình mới thực sự là nơi ta muốn tìm lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới