Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Máy bay hai động cơ bán buôn – bán lẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Máy bay hai động cơ bán buôn – bán lẻ

Lãnh đạo của hai ngân hàng Standard Chatered và ACB tại buỗi lễ ký kết hợp đồng liên kết hệ thống ATM và cung cấp sản phẩm thẻ tín dụng vào cuối tuần qua. Ảnh: Thanh Tùng

(TBKTSG) – Ngày 12-3-2009 Ngân hàng Standard Chartered Vietnam và ACB thông báo liên kết hệ thống máy rút tiền tự động ATM và hợp tác ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng.

Trong lễ ra mắt, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, nói đến việc hai bên cùng nhau chiếm lĩnh thị phần thẻ, khai thác thị trường nội địa; khách hàng của ACB khi đi nước ngoài có thể sử dụng hệ thống máy ATM và mạng lưới của Standard Chartered để được cung cấp dịch vụ. Cả hai sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm bán lẻ, quản lý rủi ro, ngân quỹ để tận dụng hệ thống hạ tầng sẵn có.

Còn ông Steve Bertamini, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Standard Chartered, phụ trách ngân hàng bán lẻ, nhấn mạnh đây là thời điểm đưa ra những sản phẩm giá trị gia tăng có lợi cho khách hàng.

Sự kết nối mang lại “lợi kép”

Việc kết nối ATM giữa ACB và Standard Chartered giúp khách hàng của cả hai ngân hàng sử dụng miễn phí hệ thống 270 máy ATM tại Việt Nam. Với Standard Chartered, họ sẽ không mất tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng máy ATM ở Việt Nam còn ACB lại được lợi từ những hỗ trợ kỹ thuật cũng như mạng lưới của Standard Chartered trên thế giới.

Bên cạnh đó, khách hàng sở hữu thẻ tín dụng đồng thương hiệu có thể tận hưởng những chương trình khuyến mãi của ACB ở trong nước cũng như các chương trình khuyến mãi khác của Standard Chartered trên toàn cầu. Đây là những ví dụ điển hình cho việc một ngân hàng thương mại cổ phần đứng đầu của Việt Nam với một ngân hàng quốc tế hàng đầu đã biết khai thác thế mạnh của nhau để cùng phát triển và mang lại lợi ích cho các khách hàng và các đối tác

“Máy bay hai động cơ bán buôn – bán lẻ”

Standard Chartered không đem vào Việt Nam những sản phẩm ngân hàng bán lẻ hiện đại nhất, mà là những sản phẩm phù hợp với dân cư địa phương, đặc biệt là với giới trẻ. Kể từ giữa năm 2007, thời điểm khai trương dịch vụ bán lẻ, đến nay Standard Chartered đã có lượng khách hàng tương đối lớn.

Như tất cả những ngân hàng nước ngoài khác, Standard Chartered thực hiện một chiến lược bài bản và chuyên nghiệp trong việc mở rộng thị phần ở Việt Nam. Đầu tháng 9-2008, ngay khi nhận được giấy phép lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, Standard Chartered đã sẵn sàng để đóng góp tích cực vào một chương mới của ngành ngân hàng Việt Nam.

Khi đó, phát biểu với báo giới, ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered Vietnam, nhận xét tiềm năng phát triển dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam còn nhiều. Chỉ có khoảng 10% trong số 87 triệu dân của Việt Nam mở tài khoản ngân hàng. Chính vì thế Việt Nam là thị trường tăng trưởng chủ lực của Standard Chartered ở châu Á.

Bằng chứng cho các hoạt động ngân hàng bán buôn, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Anh mùa xuân năm ngoái, Standard Chartered ký biên bản ghi nhớ cung ứng khoản tín dụng trị giá 200 triệu đô la Mỹ cho Vinalines và một khoản 600 triệu đô la Mỹ khác trong hợp tác với Vietinbank. Những khoản tín dụng lớn rõ ràng cho thấy tiềm lực của Standard Chartered trong việc hỗ trợ các khách hàng công ty và các định chế tài chính, một thế mạnh mà họ có được từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, Standard Chartered không chỉ dừng ở mảng cung ứng dịch vụ ngân hàng bán buôn. “Chúng tôi đang lái chiếc máy bay hai động cơ bán buôn và bán lẻ” – ông Ashok Sud đã hình tượng hóa như vậy về hoạt động của Standard Chartered. Trong một lần trả lời phỏng vấn TBKTSG, ông thêm rằng Standard Chartered không đem vào Việt Nam những sản phẩm ngân hàng bán lẻ hiện đại nhất, mà là những sản phẩm phù hợp với dân cư địa phương, đặc biệt là với giới trẻ.

Kể từ giữa năm 2007, thời điểm khai trương dịch vụ bán lẻ, đến nay Standard Chartered đã có lượng khách hàng tương đối lớn. Trước và sau thời điểm đó, Standard Chartered đều chuẩn bị kỹ lưỡng khi tung dịch vụ bán lẻ ra thị trường.

Để đo lường sự kỹ lưỡng này cần phải “lục lại hồ sơ” hợp tác chiến lược Standard Chartered – ACB. Tháng 7-2008 Standard Chartered Bank (Hồng Kông) bỏ ra 137 triệu đô la Mỹ mua lại 16,2 triệu cổ phiếu ACB từ IFC với giá 140.000 đồng/cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 8,84% lên mức tối đa mà một ngân hàng nước ngoài được phép nắm giữ là 15%. Giá mua của Standard Chartered cao gấp hai lần giá giao dịch trên sàn lúc bấy giờ.

Ông Ashok Sud trả lời báo chí sau “thương vụ” trên: “Việc chúng tôi gia tăng vốn đầu tư là một tuyên bố mạnh mẽ thể hiện Standard Chartered nhìn vào tương lai lâu dài, vào triển vọng dài hạn của Việt Nam”.

Việc trở thành cổ đông lớn nhất của ACB không chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính, mà còn tạo điều kiện cho Standard Chartered khảo sát hoạt động thực tế của ngành ngân hàng Việt Nam từ góc độ một ngân hàng cổ phần có quản trị tốt.

Còn nhớ Standard Chartered không phải là ngân hàng nước ngoài đầu tiên đàm phán mua cổ phần ACB. Citi Group khi đó là ngân hàng khởi xướng, nhưng Citi và ACB đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Standard Chartered vào sau nhưng lại thành công khi chào một giá mua hợp lý nhất cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật đáng giá nhất cho ACB.

“Họ đã khảo sát hầu hết các khách hàng chủ chốt của chúng tôi” – một quan chức ACB khi đó, năm 2004, nói với TBKTSG. Nhưng ACB cũng đưa ra yêu cầu được hỗ trợ về đào tạo nhân lực và quản trị rủi ro từng chi tiết. Phải thừa nhận rằng sau này các sản phẩm bán lẻ, từ duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản tiền đồng và ngoại tệ để được tính lãi suất cao của Standard Chartered rất cạnh tranh và thích hợp với thu nhập bình quân của giới trung lưu Việt Nam.

Liệu Standard Chartered có tiếp tục gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu ở ACB lên 20% như HSBC đã làm với Techcombank? Hiện tại thì chưa. Ông Ashok Sud cho biết điều mà họ cùng ACB đang làm là gia tăng sự lớn lên của chiếc bánh dịch vụ ngân hàng nói chung, qua đó thị phần của mỗi bên sẽ lớn hơn. Chiến lược kinh doanh của Standard Chartered dường như không chỉ là bề rộng nữa, nó đang cắm rễ cả chiều sâu.

LƯU HẢO

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới