Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Máy bay nằm đất các hãng vẫn phải ‘gánh’ nhiều chi phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Máy bay nằm đất các hãng vẫn phải ‘gánh’ nhiều chi phí

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hạn chế các đường bay nội địa từ 1-4, phần lớn máy bay của các hãng bay phải nằm tại bãi đậu. Tuy nhiên, ngay cả khi không hoạt động thì các hãng vẫn phải trả nhiều chi phí liên quan.

Máy bay nằm đất các hãng vẫn phải ‘gánh’ nhiều chi phí
Các đường bay bị cắt giảm do dịch Covid-19, các máy bay phải nằm tại sân bay – Ảnh: Lê Anh

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, do việc dừng nhiều đường bay nội địa và quốc tế khiến số máy bay thương mại không hoạt động vào khoảng hơn 200 chiếc (chiếm 98%). Số tiền thiệt hại theo cập nhật của các hãng hàng không có thể lên tới 65.000 tỉ đồng chứ không chỉ dừng lại ở mức 30.000 tỉ như dự tính trước đó.

Vấn đề khó khăn nhất đối với các hãng hàng không hiện nay là việc các máy bay không hoạt động, song các hãng vẫn phải trả nhiều chi phí liên quan.

Theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không đang chịu 16 loại chi phí dịch vụ tại sân bay. Trong đó có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá; 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.

Mỗi năm các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Ví dụ, năm 2019, các hãng Vietnam Airlines (gồm cả Jetstar Pacific và Vasco), Vietjet Air, Bamboo Airways đã nộp khoảng 12.700 tỉ đồng các loại phí trực tiếp và gián tiếp.

Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.

Ngoài 16 khoản phí do Nhà nước quy định, các hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các sân bay như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng…

Để cùng chia sẻ khó khăn với các hãng, mới đây Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã giảm phí của 7 loại dịch vụ, trong đó có một số dịch vụ giảm đến 50%.

Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là: dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%;  dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng, đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%.

Về phía Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng từ 1-3 đến 31-5-2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch Covid-19.

Ngoài ra, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá để giảm giá cho các hãng hàng không. Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng.

Tuy nhiên, theo tính toán của các hãng nếu giảm về 0 đồng với 11/16 loại phí do nhà nước quy định khung giá như đề xuất của Bộ GTVT, các hãng chỉ giảm được khoảng vài trăm tỉ đồng, không thấm vào đâu so với thiệt hại dự kiến.

Riêng phí cất hạ cánh và điều hành bay nếu giảm 50% trong 3 tháng đối với các tuyến bay nội địa theo phương án đề xuất của Bộ GTVT thì các hãng chỉ tiết giảm được khoảng 200 tỉ đồng. Chia bình quân, mỗi hãng hàng không chỉ tiết giảm được vài chục tỉ đồng. Trong khi đó, các khoản phí khác không được giảm.

Chính vì vậy, các hãng hàng không mong muốn được giảm 50-70% đối với 2 loại phí là phí cất hạ cánh và phí điều hành bay trong cả năm 2020 thì mới tiết giảm được tổng cộng trên 1.500 tỉ đồng. Đồng thời, được miễn phí bãi đỗ trong năm 2020.

Để kích cầu các chuyến bay nội địa khi hết dịch, một số hãng kiến nghị miễn phí phục vụ hành khách đối với các chuyến bay nội địa và giảm 50% đối với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng. Hiện tại loại phí này các hãng đang phải nộp trên 10.000 tỉ đồng/năm, các hãng thu hộ qua vé cho ACV.

Trước những khó khăn chồng chất, các hãng hàng không đã có báo cáo gửi Cục Hàng không về tình hình hiện nay. Cục Hàng không đang tổng hợp các kiến nghị để báo cáo Bộ GTVT rồi kiến nghị lên Chính phủ.

Theo nhận định của ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đến nay không thể đưa ra đánh giá về thị trường hàng không bởi chưa biết khi nào thì dịch Covid-19 kết thúc.

Khi dừng bay quốc tế, các hãng còn hy vọng khai thác thị trường nội địa, tuy nhiên hiện nay thị trường nội địa bị cắt giảm mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày trên một số đường bay trọng điểm thì hy vọng cũng coi như hết. Ông Thắng cho biết, lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như hiện tại.

Trước tình hình khó khăn, các hãng hàng không đã có báo cáo gửi Cục Hàng không Việt Nam về tình hình hiện tại. Cục Hàng không đang tổng hợp để báo cáo Bộ GTVT kiến nghị giải pháp lên Chính phủ.

Để giảm bớt khó khăn cho các hãng, Cục Hàng không Việt Nam đang hỗ trợ ban hành bổ sung các quy định xếp hàng hoá trên khoang hành khách để các hãng chở hàng hoá. Đồng thời, hỗ trợ các hãng xin phép và thực hiện các chuyến bay chở hàng đi nước ngoài nhằm giảm một phần số tàu bay nằm đất và giúp các hãng có doanh thu để trang trải cho hoạt động trong giai đoạn khó khăn.

Mời xem thêm:

Hàng không chuyển sang chở hàng để 'vớt vát' doanh thu trong tâm dịch Covid-19

Từ mai, mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến/ngày trên 5 tuyến nội địa

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới