Máy lạnh tăng giá đến 15%
Minh Tâm - Kinh Luân
Nắng nóng cao độ, nhu cầu mua và lắp đặt máy lạnh của người dân TPHCM tăng mạnh. Ảnh: Kinh Luân |
(TBKTSG Online) - Nắng nóng cao độ đã khiến nhu cầu đối với mặt hàng điện lạnh, trong đó chủ yếu là máy lạnh ở địa bàn TPHCM trong những ngày vừa qua tăng vọt. Giá bán vì thế cũng đã được không ít cửa hàng đẩy lên đến 15% so với trước.
>>> Điện máy - nội thất: Chờ được đến bao giờ?
>>> Đua mở chuỗi bán lẻ điện máy
Nhu cầu tăng vọt
Hãng điều tra tiêu dùng GfK (Đức) vừa công bố, chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ hơn 150.000 bộ máy lạnh - cao gấp ba lần những tháng trước và sau tết.
Số liệu này được nhiều nhà sản xuất và siêu thị điện máy đồng tình. Ông Liên An Thạch, Giám đốc kinh doanh của Siêu thị Điện máy Chợ Lớn cho biết, ngay từ đầu tháng 3 doanh số hàng điện lạnh đã tăng đột biến. “Càng về sau doanh thu từ nhóm hàng máy lạnh càng tăng, thậm chí có những ngày đội ngũ giao hàng và lắp đặt không đủ lực lượng để đáp ứng đơn hàng”, ông Thạch nói.
Ông Bùi Tấn Cường, Giám đốc kinh doanh hệ thống Trung tâm điện máy và nội thất Thiên Hòa cho biết, trong vòng 10 ngày trở lại, sức mua máy lạnh tăng gấp 3-4 lần so với trước đó. Nhu cầu tăng vọt khiến đơn vị này phải bổ sung lực lượng nhân công lắp đặt để phục vụ khách hàng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm khác như quạt, máy say sinh tố, máy ép trái cây… cũng được tiêu thụ khá. Trước đó, từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu tăng nhanh khiến hệ thống này “chạy” sớm chương trình ưu đãi mùa nóng hơn nửa tháng so với mọi năm để cạnh tranh thu hút khách hàng với đối thủ.
Trong khi đó, những trang mạng bán lẻ hàng điện lạnh được nhiều người biết như Dienmay.com hay maylanhgiare.com cũng lâm vào tình trạng “quá tải”. Một vài nơi phải đề nghị khách hàng cho hẹn ngày đến ráp, còn không thì tặng phí lắp ráp nếu khách đem máy về tự làm. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một nhóm thợ lắp ráp máy lạnh nói rằng họ không phải là nhân viên chính thức của T. - một hệ thống siêu thị khá nổi tiếng ở TPHCM, mà chỉ vừa được gọi từ Long An lên để tăng cường cho mấy ngày cao điểm.
Anh Dương Văn Công, cựu tổ phó tổ điện lạnh của Trung tâm điện máy và nội thất Đệ Nhất Phan Khang, quận Tân Bình, TPHCM cho biết, dù đã nghỉ làm nhưng thời gian qua vẫn liên tục nhận được điện thoại đặt hàng từ khách quen. “So với mùa năm ngoái thì tăng hơn hẳn”, anh Công nói.
Ông Nguyễn Bảo Châu, Phó giám đốc Công ty Điện máy Ree (công ty chuyên sản xuất máy lạnh với thương hiệu Reetech của Công ty cổ phần Cơ Điện lạnh REE) cũng khẳng định, doanh số tháng 3 của đơn vị này tăng gấp 4 lần so với tháng 2.
Về hàng hóa, theo nhiều nhà bán lẻ, phân khúc bán chạy nhất vẫn là loại máy lạnh giá rẻ có công suất từ 1-1,5 HP, giá tầm 6-8 triệu đồng /cái. Các dòng cao cấp sử dụng công nghệ biến tần tiết kiệm điện năng (inverter) với giá cao hơn từ 3-5 triệu đồng/cái cũng tăng tỷ trọng bán nhưng không nhiều, từ 20% lên tầm 32%.
... và giá tăng
Những nhà bán lẻ điện máy lớn không thừa nhận giá sản phẩm đã tăng khi nhu cầu tăng vọt mà khẳng định giá hiện rất tốt, thậm chí rẻ hơn năm ngoái. Điều này thể hiện ở việc những mẫu sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới có giá tương đương với sản phẩm đã tung ra trước đó.
“Bình thường, các nhà sản xuất khi tung ra mẫu mới sẽ chào giá cao hơn hẳn những sản phẩm đang bán. Nhưng năm nay, giá vẫn giữ nguyên. Như vậy nghĩa là rẻ hơn rồi”, đại diện một hệ thống lớn cho biết.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, các chương trình khuyến mãi tuy vẫn được các nhà bán lẻ lớn tung ra nhưng chỉ áp dụng với một số mẫu. Bên cạnh đó, phần tặng vật tư cho khách hàng khi mua máy lạnh ngoài lắp đặt miễn phí, vận chuyển... như cách đây vài tháng không còn được áp dụng.
Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Châu của REE cho biết, từ phía nhà sản xuất như ông, giá sản phẩm xuất xưởng ở thời điểm này tăng từ 5-10% so với năm ngoái do đầu vào, như lương nhân công đã tăng. “Thực ra, từ năm 2012, chi phí đầu vào đã biến động. Tuy nhiên, do sức mua trên thị trường quá yếu nên các nhà sản xuất nén việc tăng giá. Đến nay, cầu tốt hơn nên giá tăng chút đỉnh”, ông Châu giải thích.
Anh Bình, chủ cửa hàng điện lạnh nằm trên đường Tân Trụ, quận Tân Phú, TPHCM khẳng định, giá những ngày này đã tăng 10-15% so với trước vì cầu lớn hơn cung. Theo anh Bình, cung ít vì các nhà bán lẻ lẫn nhà nhập khẩu “không có tiền” để đưa hàng về sau năm 2012 “đầu tư hụt”.
Ông Cường của Thiên Hòa chia sẻ, thực sự tình hình tăng đột biến như hiện nay nằm ngoài dự kiến của các nhà nhập khẩu khiến nguồn cung có phần hạn chế. Theo ông Cường, nguyên nhân là do tình hình vĩ mô chưa mấy ổn định, các công ty thương mại có chuẩn bị hàng cho mùa nóng theo thời vụ nhưng không mạnh tay và không tăng nhiều như mọi năm. Còn từ nhà bán lẻ như Thiên Hòa, sự chuẩn bị cho mùa năm nay là hàng hóa đa dạng hơn, trong đó chú trọng vào quạt.
Cũng theo ông Cường, một vấn đề lo lắng với các nhà nhập khẩu lẫn nhà bán lẻ hiện nay là tình hình tăng “nóng” của thị trường máy lạnh này kéo dài trong bao lâu. Nếu kéo dài thì nguy cơ thiếu hàng có thể xảy ra vì nếu nhập hàng mới cũng không thể có ngay.
Anh Dương Văn Công cũng đồng tình, khi vào mùa nắng nóng, các công ty đều “thủ” hàng. Tuy nhiên, do năm ngoái bị tồn kho rất nhiều khi chuẩn bị lượng hàng lớn nhưng sức mua quá yếu nên năm nay, các doanh nghiệp “chùn tay”, không dám liều.
Ông Châu cho rằng, sức mua năm nay sẽ được hỗ trợ bởi tình hình thời tiết. Và các nhà sản xuất cũng như nhập khẩu sẽ cân đối lượng hàng tung ra dựa trên thực tế thị trường. “Năm nay, doanh nghiệp không liều nhưng cũng không hời hợt với thị trường. Vấn đề là đảm bảo an toàn”, ông Châu nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 3-4.
Trưởng phòng logistics công ty thương mại của một tập đoàn hàng tiêu dùng Nhật Bản không muốn nêu tên thì cho biết, chuyện thiếu hàng không diễn ra ở tất cả các hãng. Hiện tại, có nhà nhập khẩu đang “ôm” một lượng hàng lớn máy lạnh nhãn hiệu D. Vì vậy, giá tăng hay không tăng cũng còn tùy.
Tiết kiệm điện tùy theo nhu cầu sử dụng Anh Dương Văn Công cho biết, việc lựa chọn máy lạnh inverter phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của người mua. Nếu sử dụng dưới 8 giờ/ngày, ví dụ như đi làm cả ngày, chỉ bật buổi tối thì không cần mua máy có công nghệ biến tần. Sử dụng ít, máy không phát huy được hiệu quả trong khi giá mua lại cao hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu sử dụng liên tục cả ngày, loại máy này lại phát huy tác dụng. Phần đầu tư cao ban đầu được bù bằng phần tiết kiệm điện năng mang lại. Bên cạnh đó, hiện tại có nhiều chương trình khuyến mãi, người dùng cần tỉnh táo để xem “đời” của máy, tránh mua phải hàng quá cũ. Quan trọng hơn, phải hỏi và thống nhất rõ ràng các thông tin liên quan như giá vật tư, phí lắp đặt. Điều này để tránh tình trạng giá bán của máy thì có vẻ rẻ hơn như tổng tiền bỏ ra sau khi lắp đặt lại cao. “Không ít cửa hàng niêm yết giá bán thấp nhưng ăn tiền khách hàng bằng đủ thứ chi phí như vận chuyển, lắp đặt, vật tư…”, anh Bình nói. |