Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mây mù trên thị trường bảo hiểm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mây mù trên thị trường bảo hiểm

Hồng Phúc

Mây mù trên thị trường bảo hiểm
Tư vấn bảo hiểm tại Công ty Bảo Việt. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Hà Nam cuối năm 2010, hai xe máy đâm nhau làm một người chết. Một chủ xe ô tô ở Hà Nam sau đó lập hiện trường giả, mua bảo hiểm của năm công ty bảo hiểm ở các tỉnh khác nhau và làm thủ tục đền bù. Khi ông đã nhận bồi thường của ba công ty thì bị phát hiện gian lận trục lợi bảo hiểm.

Lỗ hổng cho gian lận

Ở các thị trường bảo hiểm đã phát triển, gian lận không dễ xảy ra do các doanh nghiệp bảo hiểm có bộ dữ liệu chung. “Việc chia sẻ dữ liệu bảo hiểm rất quan trọng nhưng không doanh nghiệp Việt Nam nào chịu làm. Điều đó dẫn đến bảo hiểm chồng chéo cho cùng một đối tượng và sau đó, mỗi doanh nghiệp lại thống kê một lần nên các báo cáo không thể hiện đúng bức tranh thị trường. Ở nước ngoài, khi xe đã bị tổn thất, chủ xe sang công ty khác mua bảo hiểm sẽ phải chịu mức phí cao hơn. Còn ở Việt Nam, nếu xe bị tổn thất đã được bồi thường với công ty này, năm tới công ty tăng phí, chủ xe sang công ty khác mua bảo hiểm thì mức giá vẫn như cũ hoặc có khi mềm hơn. Khách hàng cứ chạy lòng vòng quanh các doanh nghiệp bảo hiểm mà không ai kiểm soát”. Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ.

Chia sẻ thông tin để hạn chế rủi ro là một trong những việc cần làm ngay để có một thị trường bảo hiểm minh bạch, song vẫn còn nhiều đám mây mù che phủ thị trường bảo hiểm Việt Nam. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm, cho biết nhiều năm nay hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ danh sách khách hàng trục lợi bảo hiểm để hạn chế rủi ro, nhưng hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm không hưởng ứng. Họ sợ lộ thông tin, bị doanh nghiệp bạn lấy mất khách hàng.

“Với tình trạng cạnh tranh lộn xộn trên thị trường bảo hiểm như hiện nay, dù có biết là khách hàng trong danh sách “đen”, đại lý sẽ vẫn bán bảo hiểm, vì hoa hồng trên hợp đồng bảo hiểm vẫn được lĩnh, nhưng rủi ro thì doanh nghiệp bảo hiểm chịu. Thậm chí biết đại lý đó có vấn đề và bị doanh nghiệp A sa thải, doanh nghiệp B vẫn nhận, đơn giản vì họ chỉ cần doanh thu và hợp đồng mới”, ông Lộc nói.

Bát nháo từ cạnh tranh không lành mạnh

Nạn trục lợi bảo hiểm, các vụ tranh chấp giữa công ty bảo hiểm và khách hàng tăng đột biến gần đây là một hệ quả bắt đầu lộ ra của tình trạng cạnh tranh bằng mọi giá để chạy theo doanh số bảo hiểm trong thời gian dài của các công ty bảo hiểm. Trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, vẫn có những sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp này mà mức phí chỉ bằng một nửa sản phẩm tương tự của doanh nghiệp khác, thậm chí thấp hơn quy định của Bộ Tài chính nhiều lần. Để giành được dịch vụ, nhiều công ty bảo hiểm sẵn sàng hạ phí bằng mọi giá.

Ví dụ, với mặt hàng sắt thép, phí bảo hiểm theo thông lệ chung có “bèo” cũng phải đạt 0,14%/tổng giá trị lô hàng, song hiện có doanh nghiệp chỉ bán phí 0,06%. Thực tế nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đã chào phí dịch vụ bảo hiểm xây dựng, lắp đặt thấp hơn cả mức phí của công ty tái bảo hiểm. Để nhanh chóng có thị phần, các doanh nghiệp bảo hiểm còn áp dụng biện pháp mở rộng quá mức quyền lợi bảo hiểm để dễ dàng ký kết hợp đồng. Một số doanh nghiệp còn dựa vào các biện pháp hành chính để lôi kéo người mua, như có những doanh nghiệp đã chi trả cho nhà trường một khoản kinh phí thậm chí còn cao hơn cả phí bảo hiểm thu được để độc quyền bán bảo hiểm cho học sinh ở trường đó.

Một số đại lý lợi dụng nghiệp vụ của mình để giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm làm cho bên mua bảo hiểm nhầm lẫn về quyền lợi của mình mà giao kết hợp đồng bảo hiểm. Hoa hồng bảo hiểm, sau khi Bộ Tài chính khống chế mức trần đã biến tướng thành chi phí khách hàng. Sự quản trị rủi ro trong các công ty bảo hiểm không được để ý, hầu hết chỉ chú trọng bán hàng, bán được càng nhiều càng tốt và chạy theo doanh thu dẫn đến làm ẩu, không kiểm tra kỹ chất lượng, không đánh giá rủi ro một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Người phụ trách bộ phận giám định và bồi thường của một công ty bảo hiểm chia sẻ: “Nói thật, nhiều lúc tôi rất nản khi biết một số doanh nghiệp bạn còn liên kết với nhau điều chỉnh giá bảo hiểm, thậm chí đại lý bảo hiểm còn vào bệnh viện vận động người ốm mua bảo hiểm. Có những người chúng tôi từ chối bán dịch vụ vì kê khai gian dối trong giấy đề nghị mua bảo hiểm nhưng ngay sau đó có doanh nghiệp khác đón chào ngay”.

Đường nào cho một thị trường bảo hiểm bền vững?

Lấy đâu ra một thị trường bảo hiểm bền vững nếu các các công ty đều lỗ từ kinh doanh bảo hiểm? Tình trạng hạ phí và cạnh tranh không theo chất lượng dẫn đến nguy cơ nếu có các sự cố dẫn đến phải bồi thường, các nhà tái bảo hiểm sẽ từ chối thanh toán do hợp đồng của nhà bảo hiểm gốc với khách hàng không đúng tiêu chuẩn. Có những doanh nghiệp đạt doanh thu cả ngàn tỉ đồng nhưng lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc chỉ còn 1 tỉ. Thị trường không lớn nổi, mới chiếm chưa đầy 3% GDP so với tỷ lệ trung bình 8-10% trên thế giới nhưng số lượng doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm lại không ít. Hệ số RBC (risk base capital) chưa có. Nếu xảy ra rủi ro đồng loạt thì nguy cơ phá sản đồng loạt trên thị trường bảo hiểm rất rõ ràng. Ai còn dám khẳng định bảo hiểm là lá chắn an toàn cuối cùng của nền kinh tế?

Hậu quả tất cả cùng hứng chịu. Ngành bảo hiểm thu nhập nhìn chung không cao, định vị trong xã hội chưa tốt. Thị trường bảo hiểm, theo WTO, là thị trường mở cửa sớm nhất nhưng không thể hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện một hãng bảo hiểm nước ngoài thậm chí nói thẳng rằng: “Chúng tôi dù muốn nhưng không thể vào Việt Nam, vì nếu làm theo cách các doanh nghiệp đang làm thì chúng tôi vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và quản trị công ty đã cam kết với cổ đông”.

Hệ thống pháp lý cho hoạt động bảo hiểm hiện nay mới mang tính chất để các doanh nghiệp vận hành được nhưng chưa định hướng thị trường bền vững, chưa đưa ra những rào cản kỹ thuật giám sát được rủi ro và đảm bảo an toàn cho người chơi. Bảo hiểm cần chọn lọc ra những doanh nghiệp tốt chứ không phải “cá mè một lứa”. Và “nếu cứ để tình trạng này, nhiều công ty muốn làm ăn chân chính sẽ tự hỏi phải chăng có những nhóm người chi phối và không thích có sự minh bạch trên thị trường? Chúng tôi không thích mỗi người đi một con đường”, giám đốc một công ty bảo hiểm nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới