Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Máy nông nghiệp “hụt hơi” trên sân nhà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Máy nông nghiệp “hụt hơi” trên sân nhà

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trong lúc việc tiêu thụ máy nông nghiệp do trong nước sản xuất vẫn khá ì ạch thì hàng ngoại nhập đã qua sử dụng lại phát triển khá rầm rộ khi cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh loại sản phẩm này liên tiếp mọc lên. Vì sao máy nông nghiệp cũ lại hấp dẫn đến vậy?

Máy nông nghiệp “hụt hơi” trên sân nhà
Máy nông nghiệp ngoại nhập đã qua sử dụng ngày càng được nông dân ưa chuộng vì giá rẻ, chất lượng tốt, trong khi đó sản phẩm trong nước ngày một bị bỏ rơi – Ảnh: Trung Chánh

Thời của máy cũ

Tốc độ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL khoảng 2-3 năm trở lại đây tăng lên nhanh chóng, theo đó, nhu cầu sở hữu một chiếc máy nông nghiệp chất lượng cao, giá phải chăng của người nông dân ngày càng lớn. Tuy nhiên, sản phẩm trong nước sản xuất lại không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn ấy (giá rẻ, chất lượng), lập tức, nhiều cơ sở kinh doanh máy nông nghiệp ngoại nhập đã qua sử dụng nhanh chóng được hình thành.

Thực tế, thời gian gần đây, dọc theo tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM); huyện Bến Lức hay các tuyến tỉnh lộ chạy dọc về huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng (Long An), Tiền Giang… nơi đâu cũng thấy cửa hàng máy nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chủ cơ sở kinh doanh máy nông nghiệp Thành Phát (quốc lộ 1A, huyện Bến Lức, Long An) cho biết: “Nhu cầu mua một chiếc máy nông nghiệp, đặc biệt là máy cày, máy xới đất đã qua sử dụng của nông dân gần đây tăng lên ghê lắm! Lý do họ chọn rất đơn giản vì máy chất lượng cao, giá cả hợp lý”.

“Mang tiếng là hàng “xi-can-hen”, hàng đã qua sử dụng nhưng máy còn ngon lắm! Có máy nhập về nước sơn còn mới toanh, nhiều chiếc (ý nói máy) độ “gin” (mới) còn 70 -80%, sử dụng rất tốt, tuy nhiên, quan trọng nhất là giá cả rất mềm”, anh Trần Trọng Nghĩa, đại diện doanh nghiệp kinh doanh máy nông nghiệp Đại Nghĩa (huyện Bến Lức, Long An) cho biết.

Theo anh Tuấn, máy có giá bán rất là đa dạng, tùy loại máy, đời máy, công suất…. Đối với máy cày công suất lớn có giá từ 70 – 150 triệu đồng/máy; đối với các loại máy gặt đã qua sử dụng, có giá 50 – 70 triệu đồng/chiếc (loại nhỏ) hay 200 – 300 triệu đồng/chiếc đối với máy loại lớn.

Riêng đối với các loại động cơ diesel (máy dầu) có giá từ 3 – 20 triệu đồng/máy, tùy loại. Giá cả có sự chênh lệch khác nhau giữa các cơ sở kinh doanh và phụ thuộc vào độ còn “gin” của máy. Tuy nhiên, có một điểm chung là các cơ sở kinh doanh máy nông nghiệp đã qua sử dụng chỉ bán máy của Nhật với các nhãn hiệu nổi tiếng như Kubota, Yanmar…

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, cho biết sau gần 4 năm sử dụng chiếc máy gặt đập liên hợp cũ của Nhật, máy vẫn còn hoạt động tốt nhưng do công suất làm việc giảm nên ông quyết định rã máy ra lấy phần khung sửa lại làm máy kéo lúa.

“Nếu so với máy do các cơ sở trong nước chế tạo thì máy ngoại nhập đã qua sử dụng hoạt động ổn định hơn nhiều, còn về mặt giá cả thì chỉ tương đương máy trong nước hoặc thấp hơn thôi”, ông Tùng cho biết. 

“Vấn đề nhập khẩu, kinh doanh máy nông nghiệp đã qua sử dụng không phải do dân mình sính ngoại mà bởi chất lượng máy của họ tốt, dù đã qua sử dụng nhưng hoạt động vẫn ổn định hơn máy của chúng ta, do đó nông dân vẫn mua”, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết.

Máy nông nghiệp cũ nhập khẩu tại một cơ sở kinh doanh máy cũ ở ĐBSCL – Ảnh: Trung Chánh

Sản phẩm trong nước xuống dốc

Trong khi sản phẩm ngoại nhập ngày càng được nông dân ưa chuộng (cả máy mới và đã qua sử dụng), thì sản phẩm trong nước chế tạo ngày càng tỏ ra yếu thế, xuống dốc.

Thạc sĩ Nguyễn Duy Đức, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, cho biết Nhà nước cho nghiên cứu một số loại máy nhưng cũng chỉ làm kiểu mẫu thôi, ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng nhập một số loại máy về gia công. Thế nhưng, sau khi làm thấy năng lực về tài chính và kỹ thuật của ta không mạnh nên ngưng.

“Sản phẩm của mình làm ra (các cơ sở trong nước chế tạo) không đồng bộ về chi tiết do không đầu tư sâu, trong khi đó, các công ty nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật có chính sách đầu tư rất lớn. Chẳng hạn, mấy năm trước hãng Kubota (Nhật) đầu tư xây dựng hẳn một nhà máy ở Bình Dương, họ tập trung nghiên cứu và có bề dày phát triển rộng khắp ở thị trường Việt Nam nhờ có đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp với các trạm bảo hành rộng khắp ở các tỉnh, vì thế máy của Trung Quốc vào đây một vài năm thì bị bật ra, kể cả máy Việt Nam cũng vậy”, thạc sĩ Nguyễn Duy Đức cho biết.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết: “Máy gặt đập liên hợp trong nước sản xuất cũng có nhưng do chất lượng chế tạo kém, kim loại không bền nên không thể cạnh tranh nổi. Ngoài ra, ngành cơ khí đòi hỏi phải làm với quy mô công nghiệp, chứ không phải cơ xưởng nhỏ sao mà làm được”.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chính sự yếu kém về chính sách khuyến khích đầu tư, thiếu ưu đãi về vốn… khiến doanh nghiệp ngại tham gia, làm ngành công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp chúng ta ngày một xuống dốc.

“Khu vực ĐBSCL có nhà máy cơ khí Long An (LAMICO) hay ở Tiền Giang có một vài nhà máy cơ khí nhỏ, trong đó, nhà máy cơ khí Long An mạnh nhất nhưng vẫn hoạt động cầm chừng do nhận được hỗ trợ rất ít, thậm chí không có sự hỗ trợ nào. Ngay cả các thương hiệu mạnh về máy nông nghiệp của Việt Nam như Vikyno, Vinappro… họ cũng chỉ sản xuất được một vài loại động cơ nhỏ thôi (động cơ diesel)”, thạc sĩ Đức cho biết.

Không chỉ ngành cơ khí xuống dốc, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cũng chẳng mấy khả quan. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết: “Vấn đề đào tạo cán bộ kỹ thuật chế tạo máy của mình rất kém. Vừa rồi tôi đi kiểm tra các cơ xưởng chế tạo máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL thì kết quả chỉ có một cơ sở có kỹ sư là của ông Tư Sang (huyện Cái Bè, Tiền Giang), trong khi đó, các cơ sở khác chỉ là những người nông dân mày mò, chế tạo”.

“Học ngành cơ khí nông nghiệp ra không có việc làm cho nên trường Đại học Cần Thơ (TP Cần Thơ) đã bỏ hẳn ngành cơ khí nông nghiệp rồi, ngay cả trường Đại học Nông Lâm (TPHCM) có khoa cơ khí nhưng phải thêm vào từ “công nghệ”, tức khoa “cơ khí công nghệ” mới có sinh viên vào học”, thạc sĩ Đức nêu lên thực trạng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới