Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Máy thở cho bệnh nhân Covid-19: Một góc nhìn khác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Máy thở cho bệnh nhân Covid-19: Một góc nhìn khác

Thư Kỳ

(TBKTSG Online) – Chuyện báo chí Mỹ tràn ngập tin thiếu máy thở buộc lòng các hãng sản xuất ô tô phải nhanh chóng chuyển đổi dây chuyền để sản xuất máy thở rồi các bang tranh nhau máy thở của liên bang… làm nhiều người nghĩ máy thở là chiếc phao cứu sinh với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Nhưng báo chí Mỹ đã trích lời nhiều bác sĩ Mỹ cho biết họ đang dùng máy thở một cách hạn chế bởi thực tế tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi đang dùng máy thở tăng cao.

Bài viết này không đi sâu vào phân tích chuyên môn, cũng không khẳng định máy thở có tác dụng thế nào đối với công tác điều trị bệnh nhân Covid 19. Tác giả chỉ muốn cung cấp một góc nhìn khác để các bác sĩ, độc giả có thông tin tham khảo.

Máy thở cho bệnh nhân Covid-19: Một góc nhìn khác
Giới chuyên môn sử dụng máy thở trong một số trường hợp điều trị bệnh nhân Covid 19. Ảnh: TTXVN.

Nghịch lý của máy thở

Hãng tin AP trích lời nhiều bác sĩ Mỹ cho biết họ dần tránh dùng máy thở chừng nào tốt chừng đó bởi thực tế cho thấy tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi đang dùng máy thở tăng cao đột ngột; một số bác sĩ cho rằng máy thở nhiều lúc có hại hơn là có lợi cho một số bệnh nhân. 

Bình thường tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi đang dùng máy thở do suy hô hấp nặng là vào khoảng 40%-50% nhưng tỷ lệ này với bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở thành phố New York lên đến 80%. Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong khi đang thở máy cao hơn bình thường cũng xảy ra ở các địa phương khác trên nước Mỹ.

Cũng theo hãng tin AP, tình hình tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc và Anh. Một cuộc nghiên cứu ở Anh cho thấy tỷ lệ này ở mức 66% còn ở Vũ Hán, Trung Quốc là 86%. Người ta chưa rõ lý do, có thể do những bệnh nhân buộc phải dùng máy thở tức tình trạng đã nặng nên khó lòng tránh tử vong. Nhưng cũng có thể máy thở làm tình trạng bệnh nặng hơn ở một số bệnh nhân, có thể là do chúng kích thích các phản ứng bất lợi của hệ miễn dịch.

Tất cả chỉ là phỏng đoán. Tuy nhiên, một bài viết trước đó của một bác sĩ người Mỹ trên tờ The New York Times có thể giúp soi sáng nhiều điều.

Kathryn Dreger là bác sĩ nội khoa tại Northern Virginia và là Phó giáo sư tại trường Đại học Georgetown. Bà Kathryn Dreger giải thích, khi ta thở, ta hít không khí đi vào khí quản, khí quản phân đôi thành hai nhánh rồi chia nhỏ, nhỏ dần, nhỏ dần và cuối cùng là những ống khí nhỏ xíu đường kính chưa đầy 1 milimet gọi là tiểu phế quản (bronchioles). Ở cuối mỗi tiểu phế quản là các chùm túi khí gọi là phế nang (alveoli). Thành của các phế nang này cực kỳ mỏng, giúp không khí đi qua để bơm vào các tế bào máu. Hàng triệu bong bóng phế nang rất mềm, rất mịn nên một lá phổi lành mạnh nếu chạm vào, ta có thể ví cảm giác đó như là thò tay vào một chén kem mịn.

Khi bị nhiễm con virus "Cô-Vi" phổi sẽ không còn đẹp mịn như vậy nữa. Người nhiễm bệnh thì các bong bóng khí chứa đầy một chất dịch màu vàng, ngăn cản không cho không khí lưu thông đi vào máu. Nếu chỉ một ít phế nang bị nhiễm, các phần còn lại của phổi sẽ làm việc cật lực để thay thế nhưng nếu càng nhiều phế nang bị tràn dịch, phổi sẽ đơ ra không còn mịn nữa. Lúc đó, người bệnh dễ rơi vào tình trạng suy hô hấp, mức oxy trong máu giảm mạnh, người bệnh không còn tự thở được nếu không có máy thở trợ giúp.

Xuyên qua bức tường gạch

Để giúp người bệnh, một nhân viên y tế có chuyên môn sẽ đưa một ống dài chừng 25 cm qua miệng vào sâu trong khí quản. Máy thở tạo ra một áp lực đủ mạnh để bơm khí oxy vào phổi, lực phải mạnh để đẩy oxy qua phổi bị tổn thương để đi vào máu. Máy thở được kỳ vọng duy trì cung cấp oxy cho não, tim và thận cho tới khi bệnh nhân qua cơn nguy hiểm, phổi phục hồi và tự thở được.

Thế nhưng máy thở không giúp phục hồi các tổn thương phổi mà virus gây ra – nếu bệnh vẫn tiến triển phổi sẽ cứng lại thêm. Các bác sĩ điều trị phải đối diện với những chọn lựa khó khăn: Cho oxy nhiều quá sẽ làm thương tổn các túi khí, làm phổi thêm hư hại; Cho ít oxy quá thì não sẽ bị tổn thương, suy thận.

Nói cách khác tăng áp lực sẽ làm tổn thương phổi mà giảm áp lực thì oxy không đi vào được các cơ quan đầu não. Bác sĩ điều trị phải điều chỉnh, tăng, giảm sao cho tối ưu. Một bác sĩ nói với bà Kathryn Dreger rằng có trường hợp họ cho chạy máy thở mà có cảm giác như thông cho không khí "xuyên qua một bức tường gạch".

Không bệnh nhân nào có thể chịu nổi quá trình chạy máy thở này nếu không có thuốc an thần làm người bệnh rơi vào tình trạng lơ mơ nửa tỉnh nửa mê. 

Dùng thuốc an thần liều cao như thế kéo dài có khả năng làm người bệnh sau khi cai được máy thở vẫn có thể suy tim và tử vong sau đó vài ngày. Các biến chứng khác có thể là nhược cơ dẫn tới không đi lại được. Với những ai may mắn ra viện sau khi chạy máy thở, việc phục hồi có thể cần cả vài ba tháng hay hơn; bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng trở lại trong quá trình này và có thể phải quay lại bệnh viện.

Mục đích của bác sĩ Kathryn Dreger khi viết bài này không phải là khuyên người ta đừng nên dùng máy thở nữa mà là một sự cân nhắc về cái giá phải trả, khi người bệnh phải tự trả lời những câu hỏi đau lòng về những sự chọn lựa sống chết. Chính vì thế mà các bác sĩ ở Mỹ đang cân nhắc giảm bớt sử dụng máy thở chừng nào bệnh nhân còn chống chọi được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới