Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

McKinsey: Việt Nam nên thận trọng mở cửa cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

McKinsey: Việt Nam nên thận trọng mở cửa cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng

Đào Loan

(KTSG Online) – Theo McKinsey & Company, Việt Nam cần bảo vệ hiện trạng số ca nhiễm Covid-19 gần như bằng không, không nên mạo hiểm mở cửa biên giới, cho phép đi lại tự do cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Nếu có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp, ngành du lịch có thể phục hồi vào năm 2024 nhờ du lịch trong nước.

McKinsey: Việt Nam nên thận trọng mở cửa cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng
Khách du lịch trên Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Đào Loan

Không nên mạo hiểm mở cửa sớm

Báo cáo "Đổi mới ngành du lịch: Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi như thế nào" vừa được Công ty Tư vấn Quản lý Toàn Cầu McKinsey & Company đưa ra cho thấy một nhận định khác về việc mở cửa biên giới.

Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm sớm mở cửa để thúc đẩy đi lại, giao thương, du lịch thì công ty này cho rằng, Việt Nam cần bảo vệ hiện trạng số ca nhiễm Covid-19 gần như bằng không, không nên mạo hiểm mở cửa biên giới, cho phép đi lại tự do cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Khả năng này chủ yếu dựa vào việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng.

Nếu thực hiện cách này, sẽ mất một thời gian để du khách nước ngoài quay lại với quy mô lớn nhưng điểm đến vẫn có cơ hội thực hiện một số biện pháp từng bước và ít rủi ro hơn. Các công ty lữ hành cần chuẩn bị cho hai kịch bản gồm, bong bóng du lịch giúp mở cửa đón du khách nước ngoài đến Việt Nam hoặc du lịch trong nước vẫn là nguồn động lực chính.

Theo McKinsey & Company, nếu Việt Nam có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp, ngành du lịch có thể phục hồi vào năm 2024 nhờ du lịch trong nước. Vào năm ngoái, du lịch nội địa đã sôi động trở lại không lâu sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Phân tích của công ty cho thấy, nhu cầu du lịch vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và sẽ phục hồi khá nhanh.

Những người không thể ra nước ngoài cũng sẽ chuyển hướng sang tiêu tiền trong nước và có thể tiêu nhiều hơn con số đã chi tiêu của cả năm 2019. Theo đó, du khách Việt đã chi đến 5,9 tỉ đô la Mỹ ở nước ngoài trong năm 2019. Đây là cơ hội lớn nên các công ty lữ hành cần nhanh chóng nắm bắt để khai thác.

Một trong những biện pháp khai thác được gợi ý là có thể tạo ra các chuyến du lịch hạng sang ở trong nước cho khách hàng. McKinsey & Company cũng cho rằng, doanh nghiệp có thể giảm giá để kích cầu nhưng không phải là biện pháp dài hạn vì biện pháp này có thể sẽ dẫn đến tình trạng “pha loãng” giá.

Sáu biện pháp kích hoạt phục hồi

Theo McKinsey & Company, có 6 biện pháp mà Việt Nam cùng các nước đang duy trì tình trạng không ca nhiễm có thể áp dụng khi bắt đầu bước vào hành trình hồi phục du lịch.

Những biện pháp này gồm, chú trọng nhu cầu du khách trong nước, cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu, áp dụng công nghệ số, tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của khách nước ngoài đến Việt Nam, bổ sung trải nghiệm cho khách và xác định lại vai trò của nhà nước trong hoạt động du lịch.

Trong đó, về nhu cầu du khách trong nước, công ty cho biết những loại hình du lịch hàng đầu mà khách đang chọn là du lịch ngoài trời để tận hướng ánh nắng, bãi biển, núi non và thiên nhiên. Ngành du lịch có thể vực dậy nhu cầu trong nước bằng cách tập trung vào những điểm đến đang thịnh hành, với sự phối hợp của chính quyền địa phương, công ty lữ hành trực tuyến, điểm du lịch, khách sạn và hãng hàng không.

Về việc cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu, McKinsey & Company cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu cạn kiệt thì giảm giá là con dao hai lưỡi, vừa cần thiết nhưng cũng rất nguy hiểm. Vì thế, doanh nghiệp có thể tìm cách khác như bán sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm; cùng với đó là đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp và khả năng thu được mức giá cao hơn.

Trong tương lai, doanh nghiệp nên xem xét lại mô hình giá linh hoạt và chức năng quản lý doanh thu vì cơ cấu phân khúc du khách sẽ không còn như cũ, du khách trong nước sẽ nắm thị phần lớn hơn và đa dạng hơn; độ co giãn của cầu cũng khác do mối quan ngại về sức khỏe sẽ đóng vai trò quan trọng chi phối quyết định.

Thêm vào đó, nhu cầu sẽ vẫn tiếp tục không ổn định, như tình trạng số lượng đặt chỗ giảm mạnh trong dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi do bùng dịch.

Để tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của khách nước ngoài đến Việt Nam, công ty tư vấn này cho rằng, các công ty lữ hành cần phải linh hoạt và nhanh nhạy để có thể sớm nắm bắt được nhu cầu du lịch quốc tế nhằm chuẩn bị đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Việt Nam và điểm đến về y tế, an toàn.

Tuy nhiên, McKinsey & Company vẫn nhận định, trông đợi vào chính sách bong bóng du lịch không phải là một chiến lược khôn ngoan trong ngắn hạn do số lượng chuyến bay quốc tế đến Việt Nam dự kiến sẽ vẫn còn thấp trong năm nay và nhu cầu du lịch nước ngoài khó có thể bằng mức của năm 2019 trước năm 2025.

Mời đọc thêm:

Du lịch chấp nhận 'lượm bạc cắc' để kéo khách ra khỏi nhà

Những khuyến cáo gửi đến Thủ tướng về việc nối lại du lịch quốc tế

Vốn FDI đổ vào thành phố vệ tinh kéo theo làn sóng đầu tư khách sạn

Việt Nam phải nhanh hơn nữa thì mới kịp đón khách quốc tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới