Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mê ly gành Đá Dĩa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mê ly gành Đá Dĩa

Phương Kiều

Gành Đá Dĩa. Ảnh: CT

(TBKTSG Online) – Gành Đá Dĩa là một thắng cảnh độc đáo ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, đã được công nhận di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Từ ngã ba Ngân Sơn trên quốc lộ 1A vào đến gành khoảng 12 cây số theo con đường đất, quanh năm nắng bụi mưa bùn. Nhưng ngày nay, con đường này đã được tráng nhựa hoặc đúc bê tông nên xe lớn lưu thông khá thuận tiện.

Vừa xuống xe, đi bộ một đỗi, sẽ thấy những viên đá màu đen xếp chồng lên nhau hiện ra, nửa nổi nửa chìm trong sóng biển xanh màu ve chai, ta có cảm giác những tầng đá này giống như những ổ ong khổng lồ. Bước sâu xuống gành mới thấy nó giống những chiếc chén, chiếc dĩa xếp chồng trong một cuộc triển lãm, trưng bày lạ mắt nào đó. Có lẽ chính vì vậy mà người ta đặt cho nó cái tên gọi dân dã: “gành Đá Dĩa”.

Gành đá nằm sát biển, sự khác biệt độc đáo là những hòn, những thanh đá khá lớn, xếp chồng lên nhau như có bàn tay thần diệu nào đó sắp đặt. Thoạt nhìn, những thanh đá này có hình dạng giống nhau: dài như khúc cây đẽo thành hình lục giác. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy có góc toàn những thanh đá hình ngũ giác, nơi kia mặt đá toàn hình lục giác, có chỗ thì hình tròn…

Những thanh đá xếp kề nhau theo chiều thẳng đứng trông như những bó củi, dáng chuồi xuống biển như triền đồi; lại có nơi sườn bên này những viên đá hình lục giác xếp chồng lên nhau, còn bên sườn đối diện lại là những thanh đá dài nằm liền kề nhau nối ngọn.

Bước từng bước chậm lên những viên đá, qua những “chiếc dĩa” thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa, ta sẽ thích thú hơn vì những vũng nước nằm chen trong đó, sóng đánh tung bọt trắng ngần. Rồi, theo viền gành đá chuồi sâu xuống biển, hoặc những viên đá xếp chồng cao từng bậc thang, ta thấy ngư dân nửa chìm, nửa nổi trên mặt biển dập dềnh sóng vỗ, đeo kính lặn úp mặt xuống nước, tay lăm lăm mũi chĩa sẵn sàng đâm lấy một chú cá xấu số nào đó.

Mặt cắt ngang những thanh đá xếp dọc trông như mặt những chiếc dĩa. Ảnh: CT

Phóng tầm mắt ra xa, biển xanh ngút ngát tới chân trời. Còn bên trái hoặc bên phải, ta sẽ thấy cảnh đẹp thiên nhiên của gành Đá Dĩa với những bãi cát trắng mịn viền vòng cong một bờ biển như vành trăng khuyết, với những chiếc thuyền đánh cá nhẹ chao trong sóng xanh đang chờ một chuyến ra khơi đem về sự no ấm cho ngư dân…

Theo nghiên cứu bước đầu của các nhà khoa học thuộc Đoàn Địa chất 703 thì đá ở gành Đá Dĩa là loại đá bazan, được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa), cách vị trí gành Đá Dĩa khoảng 30 cây số theo đường chim bay.

Núi lửa này hoạt động cách nay khoảng gần 200 triệu năm, nham thạch nóng phun từ miệng núi lửa ra mé biển, bị nước biển lạnh đông cứng ngay, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lưu, tạo sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch khổng lồ này. Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những viên hình ngũ giác, bát giác hoặc những cột thẳng đứng nhiều khúc hoặc xiên thoai thoải…

Khách tham quan khắp nơi về thăm gành Đá Dĩa chỉ biết loay hoay chụp ảnh lưu niệm rồi về sau khi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp lạ mắt nơi đây. Ảnh: CT

Ngoạn cảnh đẹp mê ly của gành Đá Dĩa, hưởng những ngọn gió muối từ đại dương xa thẳm, buồng phổi no nê sự trong lành của đất trời, trên đường về đừng quên ngắm nhìn những “công trình” xây dựng khá độc đáo. Không phải chỉ ở ngay gành mới có những viên đá ngũ giác hoặc lục giác màu đen kia, mà những viên đá này còn nằm lẫn bên dưới lớp cát các triền đồi thấp của địa phương.

Người dân nơi đây đã khai thác số đá này về xây tường nhà, hàng rào quanh nhà, kể cả viền quanh gốc cây hoặc viền quanh các ngôi mộ chống gió lốc thổi tung cát. Cảnh quan lạ lẫm liên tục xuất hiện trước mắt ta cùng với cảnh đẹp của những thửa ruộng xanh non chạy dài tới chân núi, nơi có những sơn thôn sầm uất khói lam mờ tỏa quanh các nóc nhà trong buổi nấu cơm chiều, hay những cô thôn hiu quạnh chìm khuất trong màu nắng chói chang của một miền Trung khô khốc gió nóng.

Tất cả như vẫy tay chào tạm biệt khi xe ta càng lúc càng rời xa khu vực gành Đá Dĩa kỳ vĩ để tiến ra quốc lộ 1A tiếp tục hành trình. Dù đã xa, rất xa gành Đá Dĩa, nhưng những hình ảnh ta có được từ nó có lẽ là những xúc cảm xao xuyến chẳng bao giờ tan trong lòng!

Xếp đá làm tường bọc quanh mộ. Ảnh: CT
Xếp đá làm tường nhà. Ảnh: CT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới