Mệnh lệnh của thị trường
(TBKTSG) – Bất chấp lệnh cấm của Chính phủ cùng các đợt kiểm tra của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, xi măng ở khu vực miền Nam vẫn tăng giá, thậm chí còn tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua.
Giá xi măng bán tại các nhà máy vẫn không thay đổi từ năm ngoái đến nay, dao động quanh 52.000-54.000 đồng/bao, nhưng tại các điểm bán lẻ đã vọt lên 72.000-76.000 đồng/bao.
Giám đốc một công ty xi măng khẳng định, cơn sốt giá trên thị trường xi măng là do cung không đáp ứng đủ nhu cầu trên từng địa bàn. Theo tính toán của các nhà sản xuất, nhu cầu tiêu thụ xi măng ở miền Nam trong bốn tháng đầu năm nay tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ngành xi măng chỉ đáp ứng được hai phần ba mức tăng thêm đó cho các tỉnh phía Nam.
Tình trạng thị trường xi măng bị mất cân đối cung cầu phần nào bắt nguồn từ lệnh cấm tăng giá của Chính phủ và chính sách thuế nhập khẩu clinker (nguyên liệu sản xuất xi măng) và xi măng thiếu linh hoạt.
Việc không được tăng giá bán sản phẩm, trong khi các chi phí đầu vào như clinker, cước phí vận tải… tăng vọt, khiến cho ngành xi măng càng sản xuất càng lỗ. “Mỗi tấn xi măng sản xuất ra, chúng tôi lỗ mất 100.000 đồng. Nếu chở xi măng từ miền Bắc vào miền Nam thì bị lỗ đến 250.000 đồng/tấn, do chi phí vận tải và bốc xếp quá cao”.
Lẽ đương nhiên, các nhà sản xuất không dám trái lệnh của Chính phủ, nhưng họ cũng khó mà chấp nhận tình cảnh càng sản xuất càng lỗ như vậy. Để đối phó, nhiều công ty đã quyết định ngừng sản xuất với lý do máy móc bị hư hỏng, cần phải sửa chữa hoặc không nhập khẩu được clinker, làm cho nguồn cung xi măng càng thiếu nhiều hơn. Ngoài ra, trong năm nay dự kiến có thêm 10 nhà máy xi măng mới, với tổng công suất 12 triệu tấn/năm, nhưng nhiều nhà đầu tư lại chưa muốn đưa nhà máy của mình vào hoạt động do sợ lỗ.
Hiện nay, giá clinker nhập từ Thái Lan về TPHCM đã lên đến 60 đô la Mỹ/tấn, tương đương giá một tấn xi măng chưa đóng bao của các nhà máy bán ra. Còn giá xi măng thành phẩm nhập khẩu, bao gồm thuế, tới 100 đô la Mỹ/tấn, nên chẳng doanh nghiệp nào dám nghĩ đến chuyện nhập xi măng để giải tỏa cơn sốt của thị trường.
Trong bối cảnh thị trường như vậy, lẽ ra Bộ Tài chính phải nhanh chóng điều chỉnh lại mức thuế nhập khẩu, để khuyến khích doanh nghiệp nhập thêm clinker, xi măng. Nhưng sau nhiều lần kiến nghị giảm thuế của các doanh nghiệp, đến nay mức thuế nhập khẩu xi măng vẫn là 20% và clinker 5%.
Các nhà sản xuất xi măng cho rằng, biện pháp tốt nhất để chống sốt giá xi măng là cho phép họ được tăng giá bán lên ngang với giá thành, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng sản lượng. Biện pháp cấm tăng giá chỉ có thể áp dụng với các nhà sản xuất, nhưng lại không có tác dụng trên thị trường bán lẻ. Thậm chí nó còn làm tăng nguy cơ mất cân đối cung – cầu và đẩy giá cả lên cao hơn.
TẤN ĐỨC