Microsoft bắt đầu lên “đám mây”
H. Minh
![]() |
Microsoft đang đặt cược lớn trên đám mây với sản phẩm thành công nhất của họ là bộ ứng dụng Office. |
(TBVTSG) – Tập đoàn Microsoft đã tham gia cung cấp dịch vụ “đám mây” với lời tuyên bố đặt cược lớn vào thị trường này. Người ta đang chờ xem liệu “gã khổng lồ” sẽ “chiến đấu” ra sao trên môi trường web.
Microsoft vừa có bước nhảy lớn lên “đám mây” với việc tung ra phiên bản trên đám mây của bộ ứng dụng Office dành cho doanh nghiệp – gọi là Office Web Apps. Sản phẩm mới này của Microsoft đã dập tắt những nhận định trước đó cho rằng công ty phần mềm khổng lồ này sẽ không bao giờ làm như thế.
Canh bạc lớn của Microsoft
Tim O’Brien, Giám đốc chiến lược nền tảng của Microsoft, nói: “Nhiều người nói vui rằng chừng nào heo biết bay thì Microsoft Office mới xuất hiện trên đám mây. Chúng tôi đang đặt cược lớn trên đám mây với sản phẩm thành công nhất của mình. Chúng tôi cũng đang đầu tư mạnh cả về sản phẩm lẫn cơ sở hạ tầng”.
Dù Microsoft đã cung cấp những dịch vụ đám mây khác nhau trong 15 năm qua – theo lời ông O’Brien – thì sự ra mắt của Office Web Apps vẫn đáng được chú ý. Động thái này đánh dấu sự đối đầu giữa Microsoft và những công ty cung cấp ứng dụng văn phòng trên mạng, trong đó đáng kể nhất là Google.
Điện toán đám mây, trong đó ứng dụng và thông tin được lưu trữ trên những máy chủ ở xa thay vì trên máy tính và cơ sở dữ liệu của cá nhân, là xu hướng mới nhất trong ngành công nghiệp điện toán. Các công ty từng thống trị ngành công nghiệp này với những mô hình điện toán truyền thống, như Microsoft và IBM, buộc phải tìm kiếm những cách thức để tự đổi mới hoặc đối mặt với nguy cơ trở nên lỗi thời.
Đối với Microsoft, Office Web Apps vẫn chưa phải là một sự đổi mới toàn diện, nhưng nó vẫn cho phép người sử dụng truy xuất phiên bản trực tuyến của những chương trình như Word, Excel và PowerPoint.
Tương tự như Google Docs, các tài liệu trên Office Web Apps có thể được biên tập và chia sẻ thông qua trình duyệt web. Microsoft cho biết những công cụ này được cung cấp miễn phí cho hơn 500 triệu người sử dụng các dịch vụ Windows Live, như Hotmail và Live Messenger.
Ngoài ra, bộ ứng dụng văn phòng trực tuyến này cũng được cung cấp cho hơn 400 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook.
Đổi mới để phát triển
Các nhà phân tích cho rằng Microsoft có thể thu về nhiều lợi ích nhất từ đối tượng khách hàng doanh nghiệp khi tăng cường tham gia điện toán đám mây. Sheri McLeish, nhà phân tích của công ty Forrester Research, nhận định: “Có hàng triệu khách hàng đã quen với những sản phẩm của Microsoft. Người ta đã có Office nên không cần Google. Nếu họ đã có thứ gì đó, thì không cần phải tìm kiếm nó nữa”.
Forrester Research ước tính rằng khoảng 81% doanh nghiệp sử dụng phiên bản Microsoft Office 2007. Theo McLeish, cho dù số lượng người sử dụng phiên bản Google Docs thu phí dành cho doanh nghiệp đang tăng, thì tỷ lệ sử dụng nó vẫn chưa đến 10%. Bản thân Microsoft cũng tin rằng Google có ít cơ may lấy đi thị phần của họ. Ông O’Brien đánh giá: “Google là một công ty web tiêu dùng đang tìm kiếm cách bán dịch vụ cho doanh nghiệp. Họ vẫn còn một chặng đường dài để đi”.
Tuy nhiên, Google không xem những ứng dụng của mình là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Microsoft. Ông Ken Norton, một quản lý viên dự án cao cấp của Google, nói: “Google Apps đi theo một hướng khác biệt và hoạt động kinh doanh này đang rất thành công”. Theo Google, có hơn hai triệu doanh nghiệp đang sử dụng Google Apps. Mỗi ngày lại có hơn 3.000 người đăng ký sử dụng,
Theo Norton, một trong những thách thức lớn nhất đối với Microsoft là liệu công ty này có đổi mới đủ nhanh trong môi trường không ngừng thay đổi của web. Ông chỉ ra rằng Google có phiên bản dịch vụ e-mail Gmail được tối ưu hóa cho máy tính bảng iPad ngay sau khi Apple tung ra thiết bị này hồi tháng Tư. Ngoài ra, công ty này còn không ngừng giới thiệu hoặc thử nghiệm tính năng, sản phẩm mới. Ông Norton nói: “Chúng tôi có thể thường xuyên tung ra sản phẩm, từ đó cho phép chúng tôi đổi mới, và nhận ngay phản ứng từ người sử dụng. Chúng tôi đang ở vị thế có thể phản hồi rất nhanh chóng”.
Những nhà cung cấp phần mềm đám mây khác, như Zoho và SalesForce, cho biết họ hoan nghênh sự tham gia của Microsoft và không xem động thái này là một mối đe dọa lớn đối với hoạt động kinh doanh của mình. Raju Vegesna, một nhà lãnh đạo của công ty Zoho, nói: “Điều quan trọng nhất là cải tiến. Đúng là Microsoft thống trị thế giới máy tính để bàn, nhưng trên web thì mọi chuyện rất khác”.
Jeremy Cooper, Giám đốc tiếp thị vùng châu Á-Thái Bình Dương của SalesForce, tin rằng Microsoft đang chơi một canh bạc rủi ro. Ông nhận định: “Microsoft có nhiều thứ để mất hơn trong môi trường này, trong lúc các công ty net không có gì để mất cả. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi dựa hoàn toàn vào mô hình này. Khả năng thu hút khách hàng trong môi trường này của chúng tôi không hề xung đột với những mô hình kinh doanh và công nghệ trước đó”.
(CNN)