Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Miền quê” yên ả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Miền quê” yên ả

Hải Lý

Một ngôi đền ở thành phố Vientiane. Ảnh: Laovoices.

(TBKTSG) – Vientiane, thủ đô Lào, là một “miền quê” yên ả. Nắng không quá chói chang, thỉnh thoảng điểm xuyết vài cơn mưa rào nhiệt đới, không ồn ào, không bụi bặm, không khói xăng, không những tòa nhà cao tầng. Khu nhà cao duy nhất là khách sạn Don Chan Palace nằm bên bờ sông.

Con sông là biên giới Lào – Thái. Mùa này nước cạn, giữa sông nổi lên những cồn đất. Chỗ sâu có thể bơi, chỗ nông có thể lội qua được. Phía bên Thái, những ngôi nhà nằm san sát, chẳng bù cho phía bên Lào bờ sông chỉ toàn cây cối xanh um.

Cuối tuần, người dân Vientiane thường lái xe đi đường vòng, qua đất Thái mua đồ, kể cả trái cây, thực phẩm, sản phẩm gia dụng… Có lẽ vì thế mà đồng baht Thái khá thông dụng ở đây. Trong chợ Sáng, chợ trung tâm Vientiane, giá cả hàng hóa được ghi bằng tiền kip của Lào và cả đồng baht.

Cây cao su không “yên tĩnh”

Cảm giác ở Vientiane vài ngày là được sống chậm. Anh Đào Nguyên Chi, Trưởng phòng Nghiệp vụ kinh doanh, Ngân hàng liên doanh Lào – Việt, sang đây làm việc đã hơn nửa năm, kêu nhớ không khí ô nhiễm và náo nhiệt của Sài Gòn. Mấy người khách từ Việt Nam qua ồ lên. Làm sao có thể “chấp nhận” có người “chê” sự bình yên quyến rũ của mảnh đất triệu voi này! Anh Chi phân bua: “Không phải nơi nào cũng yên tĩnh đâu nhé!”.

Tôi hiểu câu nói của anh rất nhanh sau khi gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Công nghiệp Cao su Lê Quang Thung vừa sang dự hội nghị cao su Asean.

Chẳng phải ngẫu nhiên, năm nay các quốc gia sản xuất mủ cao su tự nhiên nhiều nhất thế giới lại tụ họp ở Lào. Lào đã có gần 300.000 héc ta cao su trong vòng chưa đầy sáu năm.

Theo Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Lào, Việt Nam sẽ trồng khoảng 100.000 héc ta cao su tại đây. 12 doanh nghiệp của ngành cao su trong đó có Công ty Cao su Việt – Lào, Dầu Tiếng, Đồng Nai, Daklak, Hoàng Anh Gia Lai, Quảng Trị, Bình Định, Thanh niên xung phong TPHCM… đã có mặt. Riêng Công ty Cao su Lào – Việt đã trồng được 30.000 héc ta. Các đơn vị khác trồng được trung bình 3.000 héc ta/doanh nghiệp. Nếu nỗ lực tối đa, năm nay các công ty Việt Nam có khả năng nâng diện tích cây cao su lên 80.000 héc ta. Bốn tỉnh Nam Lào đã phủ đầy cây cao su do Việt Nam trồng. Hiện các công ty Việt đang tiến về Trung Lào – vùng thổ nhưỡng được coi là màu mỡ và có khí hậu lý tưởng cho cây cao su.

Tuy nhiên Trung Lào không chỉ có cây cao su Việt Nam trồng. Các công ty Trung Quốc, sau khi phủ kín Bắc Lào với 150.000 héc ta cao su vào năm ngoái, đang di chuyển xuống Trung Lào. Ông Nguyễn Văn Hiển, Tổng giám đốc Ngân hàng liên doanh Lào – Việt, dự đoán năm nay các công ty Trung Quốc trồng thêm chừng 50.000 héc ta nữa. Họ đem công nhân Trung Quốc sang Lào làm việc và tiến độ trồng rất nhanh.

Khi được giao, thí dụ, 50 héc ta đất tại một địa phương nào đó, các công ty Trung Quốc triển khai trồng đồng loạt trên diện rộng. Họ trồng ngay cả ở các sườn đồi, lưng chừng đồi, nơi có độ nghiêng cỡ 10 độ, trong khi Việt Nam chỉ trồng ở vùng chân đồi. Một chuyên gia cao su nhận xét việc trồng ở lưng chừng đồi như thế không hiệu quả xét về kỹ thuật canh tác, nhưng có thể phía Trung Quốc có kỹ thuật riêng, giống cây riêng của họ.

Cơ hội không lặp lại

Trụ sở ngân hàng liên doanh Lào – Việt ở Vientiane. Ảnh: Hải Lý.

Các công ty Trung Quốc ở Lào trồng cao su trước các doanh nghiệp Việt khoảng ba năm và năm nay họ bắt đầu cạo những dòng mủ trắng đầu tiên. Trong khi đa số cao su do Việt Nam trồng mới được ba – bốn năm tuổi và sớm nhất thì cũng phải đến cuối năm sau mới có thể khai thác.

Do nguồn vốn có hạn, các công ty Việt Nam trồng theo kiểu cuốn chiếu với ý tưởng thu lợi nhuận từ các khu trồng trước để đầu tư tiếp các khu mới. Ngoài ra việc thuê nhân công tại chỗ cũng không suôn sẻ bằng công nhân Trung Quốc. Chưa kể thời gian gần đây, một số địa phương yêu cầu trả lương cho công nhân cao su bằng đô la Mỹ, không phải bằng đồng kip của Lào như trước.

Tôi đi tìm ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, khi thấy máy bay của ông đậu ở sân bay Vientiane. Ông nói năm nay Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng thêm khoảng 3.000 héc ta cao su. Loại đã trồng thì hai, ba năm nữa sẽ cạo mủ được. Hoàng Anh Gia Lai có đủ vốn để đầu tư tại Lào, nhưng không phải chỉ có vốn là làm được. “Đầu tư ở Lào phải kiên trì, dài hạn” – ông tóm gọn.

Ngày hôm sau, khi tiếp xúc với những cán bộ Việt Nam thường trú tại Vientiane, mới biết Hoàng Anh Gia Lai đang xin Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho phép nâng vốn đầu tư các dự án ở Lào từ 10 lên 62 triệu đô la Mỹ, và đang đợi được chấp thuận.

Không chỉ Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn Công nghiệp Cao su và Công ty Viễn thông Viettel cũng đang chờ được tăng vốn đầu tư tại Lào. Viettel đã chiếm lĩnh thị phần đáng kể ở Campuchia và đang mở rộng sang Lào và Myanmar.

Ở Phnôm Pênh tôi mua một cái sim điện thoại di động của Viettel giá 5 đô la Mỹ và một thẻ nạp tiền khoảng 2 đô la nữa, thì được thưởng thêm trong tài khoản 1 đô la Mỹ. Lần thứ hai nạp thêm tiền 5 đô la Mỹ, tài khoản được thưởng 2,5 đô la Mỹ và giá cước gọi về Việt Nam chỉ có 600 riel/phút (1 đô la Mỹ = 4.200 riel). Viettel đang dự tính áp dụng phương thức kinh doanh tương tự ở Lào và Myanmar. Dự án đầu tư của Viettel ở Lào đã khởi động, với số vốn ban đầu 15 triệu đô la Mỹ. Nay công ty viễn thông quân đội này đang xin nâng vốn đầu tư lên 85 triệu đô la Mỹ.

Một nhà đầu tư Việt Nam tại đây cho biết để đầu tư vào Lào, thủ tục xin ở phía Việt Nam mất từ 6-12 tháng là nhanh. Việc doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài, nhất là khâu chuyển ngoại tệ ra, còn gặp nhiều khó khăn. Cơ hội đầu tư không đợi và một số doanh nghiệp đã vuột mất cơ hội chỉ vì thủ tục chuyển ngoại tệ từ Việt Nam sang Lào chậm trễ. Ngân hàng liên doanh Lào – Việt đã phải cho Viettel và một số đơn vị khác vay vốn tạm thời khi tiền chuyển sang không kịp.

Còn nhớ những năm trước, các cán bộ của Công ty Cao su Lào – Việt, mỗi lần sang Vientiane phải cố gắng mang hết tiêu chuẩn mỗi người 7.000 đô la Mỹ tiền mặt để công ty có đủ vốn góp đầu tư tại Lào. Bằng cách đó, công ty cũng chỉ chuyển qua Lào được hơn trăm ngàn đô la Mỹ. Nếu những thủ tục đầu tư từ phía Việt Nam được cải thiện, hẳn các doanh nghiệp có điều kiện tận dụng cơ hội tốt hơn.

Một chiến lược, một tầm nhìn

Ngoài trồng cao su, thăm dò khai khoáng và thủy điện cũng đang được Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ở Lào. Họ đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ cho thăm dò khoáng sản. Một khi dự án được Chính phủ Lào cấp phép, lập tức Trung Quốc tiến hành hàng trăm mũi khoan trên phần lớn diện tích, có nơi rộng hàng trăm ki lô mét vuông. Họ đã và đang khai thác nhiều mỏ kim loại quý. Trong khi đó, dù đến nay đã ký không ít hợp đồng và được phía Lào cấp phép khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức khảo sát.

“Chúng tôi chỉ khoan ở những địa điểm mà khảo sát cho thấy có tiềm năng vì giá thành một mũi khoan khá mắc” – một doanh nghiệp cho biết. Một số doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính thì tiềm lực tài chính có hạn. Không ít doanh nghiệp xin dự án chỉ để “xí chỗ”, chuyển nhượng lại cho đối tác nước ngoài hưởng chênh lệch.

Hai năm trước khi diễn ra Hội nghị đầu tư Việt – Lào do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức, phía Lào từng phàn nàn có dự án cấp cho Việt Nam đã ba năm mà không triển khai. Quá hạn, phía Lào muốn thu hồi, cấp cho đối tác nước khác, nhưng vì quý trọng các doanh nghiệp Việt Nam nên thôi.

Tiềm năng của thị trường Lào là rõ ràng và tầm quan trọng của Lào như một vị trí chiến lược trọng yếu ở Đông Dương là không thể phủ nhận. Thế nhưng dường như chúng ta đang thiếu một chiến lược đầu tư. Năm 2008 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Lào chỉ khoảng 600-700 triệu đô la Mỹ, chưa bằng một nửa kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam và Campuchia. Còn so với kim ngạch buôn bán Lào – Trung thì kém xa. Mục tiêu 1 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất nhập khẩu Lào – Việt vào năm 2010 xem ra khó đạt. Lào nhập hàng tiêu dùng, sắt thép, máy móc công nghiệp từ Việt Nam và bán sang ta gỗ, hàng nông sản (bắp, khoai mì)… Những sản phẩm đó cũng nằm trong danh mục hàng hóa buôn bán giữa Lào và Trung Quốc, Thái Lan. Sự cạnh tranh, do đó, là tất yếu.

Ngân hàng liên doanh Lào – Việt vừa kỷ niệm 10 năm thành lập với sự tham dự của Phó thủ tướng Lào và Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Ngày hôm đó bên điệu múa lăm – vông truyền thống và rượu Congsaden của Lào chảy trong các ly trên bàn tiệc ở khách sạn Don Chan, đại diện không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn trăn trở làm sao để Việt Nam đầu tư ở Lào nhiều hơn, hiệu quả hơn. Điều đó cần một tầm nhìn chiến lược không phải ở cấp doanh nghiệp. Các công ty Việt Nam đầu tư, làm ăn ở Lào đang chờ Chính phủ hỗ trợ chính sách, ưu đãi vay vốn, thủ tục cấp phép đầu tư sang quốc gia láng giềng này.

Anh Chơn, một cán bộ của BIDV, được biệt phái qua Lào công tác ba năm, đã trở về Việt Nam và nay sang lại, rủ tôi đi Nam Lào. Anh nói phải xuống đó để tận mắt ngắm nghía những rừng cao su mới trồng. Chúng đẹp làm sao và hứa hẹn năng suất mủ chất lượng cao! Tiếc là thời gian quá hạn hẹp. Nghe một cán bộ của đại sứ quán Việt Nam ở Vientiane nói một hội nghị lớn về đầu tư giữa hai nước có khả năng diễn ra trong tháng 7 hoặc tháng 8 tới với sự tham dự của các quan chức cấp cao để tháo gỡ vướng mắc tồn tại. Nếu đúng như vậy, tôi sẽ trở lại Vientiane lần nữa!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới