Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Miền Tây trước nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Miền Tây trước nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng

Trung Chánh

Miền Tây trước nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng
Sạt lở ven biển ngày càng lấn sâu vào đất liền ĐBSCL, tình trạng thiếu nước ngọt sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Ảnh: Ngọc Tùng.

(TBKTSG Online) – Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dân số tăng nhanh, trong khi nước biển lấn sâu vào đất liền dẫn đến việc ngày càng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Một số nhà chuyên môn dự báo tình trạng trên sẽ khiến khu vực này thiếu ít khoảng 1,7 triệu m³ nước/ngày kể từ năm 2030.

Tại hội thảo “Hạ tầng nước và thách thức của biến đổi khí hậu”, diễn ra trong 3 ngày (từ 19 đến 21-11) ở Cần Thơ, ông Lê Văn Tuấn, Cố vấn trưởng của Bộ Xây dựng, cho biết nếu không tính hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải của Kiên Giang thì khu vực Tây Nam sông Hậu (gồm 7 tỉnh/thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu) sẽ thiếu ít nhất 800.000 m³ nước sinh hoạt/ngày kể từ năm 2020.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam (VIWASE), cho thấy đến năm 2030 khu vực này thiếu ít nhất 1,7 triệu m³ nước sạch/ngày để phục vụ cho sinh hoạt của người dân nơi đây.

Theo WIWASE, ngoài chịu tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng dẫn đến nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, thì gia tăng dân số cũng là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt diễn ra nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, dự báo của WIWASE, cho thấy dân số riêng ở khu vực Tây Nam sông Hậu vào năm 2020 sẽ đạt gần 10,7 triệu người và đạt 12,2 triệu người vào năm 2030, lần lượt tăng khoảng 1,7 và 3 triệu người so với năm 2012.  

Trước áp lực thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, theo ông Tuấn, Bộ Xây dựng đang có kế hoạch xây dựng một dự án cung cấp nước ngọt cho vùng này (dự án bao gồm hai nhà máy xử lý với công suất 400.000 m³ nước/ngày/nhà máy) bằng hình thức lấy nước mặt từ sông Hậu, sau đó sẽ xử lý và cung cấp cho người dân thông qua một mạng lưới ống truyền dẫn lớn. “Nếu thực hiện được, đây sẽ là một giải pháp bền vững để cung cấp nước dài hạn cho người dân ở các tỉnh/thành ĐBSCL, nhất là ở khục vực Tây Nam sông Hậu”, ông cho biết

Tuy nhiên, nói về dự án này, một số đại biểu cho rằng nên có sự tính toán, so sánh với nhiều phương án cung cấp nước ngọt khác bởi nguồn nước mặt được dự báo sẽ ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, theo PGS- TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Cần Thơ, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL đang thay đổi theo xu hướng diễn ra nhanh hơn so với những gì mà các nhà khoa học dự đoán.

Ngoài ra, nguồn nước tại ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức lớn, chẳng hạn số lượng nước và chất lượng nước sẽ thay đổi theo thời gian (tiêu cực hơn), trong khi nghiên cứu của Bộ Xây dựng chủ yếu tập trung lấy nước từ một nguồn duy nhất (sông Hậu) nên dễ dẫn đến rủi ro lớn.

Theo ông Tuấn của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Cần Thơ, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu thêm nhiều phương án bổ sung nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt người dân, chẳng hạn nước mưa, nước mặt và nước ngầm. “Đặc biệt, ở vùng bán đảo Cà Mau đang có xu hướng sụt lún do việc khai thác nước ngầm quá mức và nguy cơ xâm nhập mặn cao nên có thể sử dụng phương án là dùng nước mưa thay thế”, ông cho biết.

Theo ông Rik Dierx, Giám đốc dự án biến đổi khí hậu – cấp nước ở ĐBSCL và TP.HCM, nên kết hợp nhiều phương án (nước mưa, nước ngầm, nước mặt) sẽ tăng khả năng thích ứng với rủi ro từ biến đổi khí hậu hơn. “Đặc biệt, quá trình sử dụng, người dân nên sử dụng tiết kiệm, tránh gây thất nước sạch một cách lãng phí”, ông cho biết.

Xem thêm:

Miền Tây thiếu nước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới