Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Miễn thị thực, nguồn thu từ du lịch sẽ tăng cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Miễn thị thực, nguồn thu từ du lịch sẽ tăng cao

Đào Loan

(TBKTSG Online) –  Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng việc miễn thị thực cho khách quốc tế sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn. Tính toán của hội đồng này cho thấy, việc giảm thu từ phí thị thực sẽ không đáng là bao so với nguồn thu lớn từ gia tăng lượng khách.Miễn thị thực, nguồn thu từ du lịch sẽ tăng cao

Du khách quốc tế tại thành phố Cần Thơ – Ảnh: Đào Loan

Theo thống kê của Hội đồng Tư vấn du lịch, so với các điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines thì Việt Nam là điểm đến kém cởi mở về chính sách thị thực. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho du khách từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, Thái Lan đã miễn cho 58 thị trường, Malaysia miễn thị thực cho du khách từ 164 điểm đến, Singapore 160, Indonesia 169 và Philippines là 160. Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho du khách trong thời gian ngắn thì nhiều nước cho phép khách kéo dài thời hạn thị thực đến 30 ngày, thậm chí 90 ngày.

Để thu hút khách quốc tế, hội đồng này đề nghị Chính phủ nên tăng số ngày miễn thị thực lên 30 ngày để thu hút khách du lịch có thời gian lưu trú lâu và mức chi tiêu cao. Thêm vào đó, hội đồng cũng đề nghị bổ sung 6 nước được miễn thị thực.

Cơ quan này dẫn số liệu từ một số cơ quan liên quan như Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thống kê… để chỉ ra rằng, thực tế, du khách đến từ những thị trường được miễn thị thực như Pháp, Đan Mạch, Na Uy… đều có chi tiêu bình quân trên một lượt khách là hơn 1.000 đô la Mỹ và có nhu cầu đi du lịch nhiều hơn số ngày được phép miễn thị thực, vốn chỉ 15 ngày. Do đó, Chính phủ nên tăng số ngày miễn thị thực lên 30 ngày để thu hút thêm khách và tăng nguồn thu.

Thêm vào đó, Chính phủ nên miễn thị thực cho du khách từ 6 nước gồm Úc, Canada, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sĩ và Bỉ. Số ngày được đề nghị miễn cũng là 30 ngày bởi thời gian lưu trú bình quân hiện tại của khách là từ 14,4-17,1 ngày. Chi tiêu bình quân một lượt khách là từ hơn 1.226 đô la Mỹ đến hơn 1.561 đô la Mỹ. Lượng khách từ các điểm đến này cũng khá cao, chẳng hạn Úc có hơn 320.000 lượt, Canada có hơn 122.000 lượt, Hà Lan có hơn 67.000 lượt khách.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới về tác động của việc miễn thị thực tại các nước ASEAN, việc này sẽ làm số khách du lịch tăng thêm 3-5,1% và số việc làm trực tiếp tăng thêm 1,6-3,1%.

Vào năm ngoái, Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế. Trong nửa đầu năm nay, đã có hơn 6,2 triệu lượt khách đến, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch là 750.000 người, theo thống kê vào năm 2015.

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch, tại Việt Nam, chỉ riêng việc miễn thị thực cho du khách từ 5 năm nước Tây Âu trong thời gian qua đã làm lượng khách từ các quốc gia này tăng thêm 10,1%. Trong trường hợp Chính phủ miễn thị thực cho du khách từ 6 nước về kể trên thì phần giảm thu từ phí thị thực sẽ không đáng kể so với việc tăng nguồn thu từ du khách.

Chẳng hạn, với thị trường Úc hiện có 320.678 lượt khách với chi tiêu bình quân mỗi lượt khách là 1.474,2 đô la Mỹ. Nếu du khách chỉ tăng thêm 3% thì ngành du lịch sẽ có thêm 9.620 lượt khách, số thu tăng thêm trên 14 triệu đô la Mỹ; lượng khách tăng 5,1% thì nguồn thu tăng thêm hơn 24 triệu đô la Mỹ và sẽ có thêm trên 47 triệu đô la Mỹ nếu khách tăng thêm 10,1% như tốc độ tăng trưởng từ thị trường Tây Âu.

Trong khi đó, việc giảm thu từ phí thị thực thấp hơn nhiều vì phí thị thực áp dụng một lần chỉ là 25 đô la Mỹ.

Hội đồng này cũng cho rằng nên bãi bỏ quy định mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 3 ngày, thông báo các chương trình miễn thị thực trước ít nhất là 6 tháng thay vì thông báo quá cận ngay như hiện tại…

Hội đồng Tư vấn du lịch bao gồm một số chuyên gia có ảnh hưởng lớn trong ngành du lịch, bao gồm giám đốc điều hành của các khách sạn, các công ty lữ hành, doanh nghiệp vận tải, chủ tịch của các hiệp hội du lịch, lãnh đạo của một số cơ sở đào tạo, đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại châu Âu, cán bộ quản lý cao cấp từ khu vực nhà nước…

Dự kiến, những kiến nghị về chính sách thị thực sẽ được cơ quan này đề đạt lên Thủ tướng Chính phủ trong hội nghị đối thoại với Thủ tướng vào cuối tháng 7-2017.

Đọc thêm:

Tiếp cận thị trường 9 tỉ đô la Mỹ

Bộ trưởng VHTTDL: 15 năm nữa du lịch Việt Nam bằng Thái Lan

Khách quốc tế tăng mạnh gây áp lực cho hạ tầng du lịch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới